TIN LIÊN QUAN | |
Siết chặt visa, Washington hoan nghênh công dân Trung Quốc nghiên cứu hợp pháp tại Mỹ | |
Lo ngại chiến tranh thương mại, sinh viên Trung Quốc từ bỏ “Giấc mơ Mỹ” |
Không ít sinh viên Trung Quốc đã từ bỏ "Giấc mơ Mỹ" để tìm đến những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến khác. (Nguồn: VCG) |
Sự cạnh tranh gay gắt giữa Washington và Bắc Kinh trong lĩnh vực thương mại và công nghệ đã khiến cho Tổng thống Mỹ Donald Trump thắt chặt hơn các quy định cấp thị thực cho sinh viên Trung Quốc học tập trong các lĩnh vực công nghệ cao như kỹ thuật hàng không và robot.
“Giấc mơ Mỹ” khó nhằn
Trước đây, các sinh viên học chuyên ngành Khoa học và Công nghệ có thể xin Chính phủ Mỹ cấp thị thực 5 năm một lần, song tháng 6/2018, thời gian của thị thực đã được rút ngắn xuống chỉ còn 1 năm. Không chỉ có ngành công nghệ, những sinh viên theo học ngành y sinh sẽ càng gặp khó khăn hơn trong việc xin thị thực, bởi Washington cho rằng những chuyên ngành nói trên nằm trong kế hoạch "Made in China 2025" của Bắc Kinh.
Là sinh viên đang theo học bằng tiến sĩ Khoa học Y sinh tại Mỹ, nghiên cứu sinh Wang lo lắng về khả năng không thể hoàn thành chương trình học 5 năm. Hiện nay, nghiên cứu sinh 25 tuổi đang học năm thứ hai tại Mỹ và phải gia hạn visa hàng năm. "Chính sách visa tại đây đã thay đổi mạnh mẽ. Tôi không thể dự đoán những gì sẽ xảy ra trong tương lai", Wang nói.
Ngày càng nhiều sinh viên Trung Quốc đang gặp phải trường hợp tương tự. Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, không ít sinh viên nước này đang phải đối mặt với việc phê duyệt visa chậm trễ hoặc chỉ được cấp thị thực trong thời gian ngắn. Chiếm hơn 10% số sinh viên được chính phủ tài trợ, 182 trong số 1.353 học viên lên kế hoạch học tập tại Mỹ từ tháng 1 đến tháng 3/2019 đã không thể đến đất nước châu Mỹ do gặp vấn đề về thị thực.
Một số trường Đại học tại Mỹ ghi nhận số lượng sinh viên Trung Quốc đăng ký học năm 2019 đã sụt giảm đáng kể. (Nguồn: Xinhua) |
Tháng 6/2019, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã đưa ra lời khuyên cho các sinh viên muốn học tập tại Mỹ nhằm đánh giá và xem xét kĩ lưỡng các rủi ro trước khi học tập. Theo các công ty tư vấn du học tại Trung Quốc, không ít công dân thuộc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã từ bỏ “Giấc mơ Mỹ” để chọn Anh, Australia, Canada hoặc một số quốc gia khác, nhằm tránh đương đầu với việc kiểm soát thị thực của Washington.
Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu Hu Xijin cho biết, chính sách phân biệt đối xử với sinh viên Trung Quốc có khả năng liên quan chặt chẽ tới chiến tranh thương mại giữa Bắc Kinh và Washington. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi trang Financial Times đưa tin vào tháng 10/2018 rằng Nhà Trắng đã xem xét lệnh cấm hoàn toàn thị thực du học đối với công dân Trung Quốc.
Mạng truyền thông xã hội Bắc Kinh cho biết, không có sinh viên Trung Quốc nào được chấp nhận theo học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) trong kỳ học mùa Xuân năm 2019. Trong khi đó, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã lên tiếng phủ nhận điều này, cho rằng một số sinh viên đã nhận được thư chấp nhận theo các danh mục khác nhau. Tuy nhiên, những “lời qua tiếng lại” đã đem lại làn sóng công kích ngành giáo dục mạnh mẽ ở cả Mỹ và Trung Quốc.
Hong Kong - miền đất hứa mới
Chủ tịch của Đại học Hong Kong Trung Quốc Rocky Tuan nhận định, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng gay gắt, quyết định của MIT được cho là "không hề trùng hợp". Chủ tịch Rocky Tuan cho rằng, trường Đại học Hong Kong Trung Quốc không bị ảnh hưởng trực tiếp, song "tình hình có thể xấu đi trong tương lai".
Theo đó, Đại học Hong Kong Trung Quốc hy vọng sẽ thu hút được những sinh viên bị cuốn vào cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh. "Đại học Hong Kong Trung Quốc có thể là một sự lựa chọn thay thế tuyệt vời cho các sinh viên tương lai, đặc biệt là những người có thành tích cao trong các kỳ thi tuyển sinh đại học của Trung Quốc, những người không thể theo học các trường đại học Mỹ", Chủ tịch Rocky Tuan nói.
Chủ tịch Đại học Hong Kong Trung Quốc Rocky Tuan hy vọng sẽ thu hút được những sinh viên bị cuốn vào cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh. (Nguồn: Nikkei Asian Review) |
Trường Đại học Hong Kong Trung Quốc là một trong những trường tốt nhất trong khu vực, xếp thứ bảy trong Bảng xếp hạng các trường Đại học Châu Á năm 2019, cao hơn một bậc so với Đại học Tokyo của Nhật Bản. Tại đây, sinh viên sẽ được ở trong ký túc xá và học tập trong một khuôn viên trường đại học rộng lớn. Chủ tịch Rocky Tuan hy vọng, tỷ lệ sinh viên đại học đến từ Trung Quốc đại lục sẽ tăng lên 12%, so với khoảng 10% như hiện nay.
Đại học Hong Kong Trung Quốc đã xây dựng một cơ sở nghiên cứu ở thành phố Thâm Quyến lân cận với sự hỗ trợ tài chính từ chính phủ Trung Quốc. Ngoài ra, trường đại học Hong Kong Trung Quốc còn mở thêm "trung tâm đổi mới sáng tạo" giúp sinh viên vừa tốt nghiệp có thể khởi nghiệp.
Thư viện bên trong Đại học Hong Kong Trung Quốc. (Nguồn: CUHK) |
Trả lời truyền thông Hong Kong, Giáo sư tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh Wang Yiwei khẳng định, việc từ chối đào tạo các sinh viên Trung Quốc tài năng sẽ làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh toàn cầu của Mỹ.
Du học sinh Trung Quốc “vỡ mộng” khi trở về nước Trong hơn 40 năm kể từ khi bắt đầu mở cửa, Trung Quốc có tổng cộng 3,13 triệu sinh viên, tương đương 83,73% sinh viên ... |
Sinh viên Trung Quốc có thể "quay lưng" với các trường đại học Canada Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s mới đây đã cảnh báo ba trường đại học lớn nhất Canada có nguy cơ gặp khó khăn về ... |
Căng thẳng Mỹ - Trung “ám ảnh” sinh viên Trung Quốc Không chỉ nhiều ngành sản xuất và các công ty tư nhân lâm vào tình trạng“điêu đứng”, nhiều cử nhân tốt nghiệp từ các trường ... |