Các đại biểu dự Lễ trao Giải báo chí về Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ VII - năm 2024. (Ảnh: Thanh Hải) |
Đây là sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Phát biểu tại Lễ trao giải, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho hay: Thăng Long - Hà Nội là vùng "địa linh nhân kiệt", nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”, kết nối những mạch nguồn lịch sử và tinh hoa của dân tộc Việt Nam, nơi hội tụ và tỏa sáng tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, tình đoàn kết và khát vọng vươn lên, nơi sản sinh, tụ hội những bậc hiền tài của đất nước. Những giá trị văn hóa truyền thống trong các thời kỳ lịch sử cùng với các giá trị trong thời đại Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ là nền tảng, là động lực, nguồn lực quý báu trong xây dựng, phát triển Thủ đô hôm nay và mai sau.
Đại hội XIII của Đảng đã xác định rõ: "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hoá".
Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đã xác định: “Tập trung phát triển văn hoá Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long – Hà Nội; xây dựng Hà nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hoá của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô. Xây dựng con người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hoá, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam”.
Quán triệt và nhận thức một cách toàn diện, sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, TP. Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng con người, phát triển văn hóa, coi văn hóa và con người là động lực, là một trong các nguồn lực quan trọng, quyết định sự phát triển Thủ đô nhanh và bền vững. Trong các nhiệm kỳ, Đảng bộ Thành phố đã ban hành nhiều chủ trương về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh nhằm phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm văn hiến của Thăng Long - Hà Nội.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại Lễ trao giải. (Ảnh: Viết Thành) |
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, để phát huy vai trò của báo chí truyền thông trong công tác xây dựng, phát triển văn hóa, lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, từ năm 2018 đến nay Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đây là sự kiện được TP. Hà Nội tổ chức thường niên, thu hút được sự quan tâm hưởng ứng của đông đảo phóng viên và các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương và Hà Nội.
Đáng chú ý, giải năm nay có sự tham gia của 4 cơ quan báo chí thuộc các tỉnh: Hòa Bình, Lai Châu, Điện Biên, Quảng Ngãi. Các tác phẩm dự thi khai thác một số khía cạnh mới về đề tài văn hóa, con người Hà Nội, việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa dân tộc Mường ở Hà Nội, tình cảm và khí chất của người Hà Nội ở Tây Bắc, trên mảnh đất Điện Biên lịch sử…
Lần thứ 7 tổ chức, Giải báo chí về Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh năm 2024 tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Thành ủy. Công tác tổ chức giải được thực hiện chuyên nghiệp, khoa học và hiệu quả, thu hút sự tham gia hưởng ứng của nhiều phóng viên, cơ quan báo chí.
Ban tổ chức đã nhận được 345 tác phẩm của 48 đơn vị, cơ quan báo chí, trong đó có 7 cơ quan báo chí của Hà Nội, 41 đơn vị, cơ quan báo chí T.Ư, bộ, ngành, địa phương gửi tham dự; tăng 9 đơn vị, cơ quan báo chí và 53 tác phẩm so với năm 2023. Đây cũng là năm có số lượng tác phẩm báo chí, số đơn vị, cơ quan báo chí tham dự giải nhiều nhất từ trước tới nay.
Theo Ban Tổ chức, năm 2024 là năm đặc biệt, kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024); đây cũng là năm có số lượng tác phẩm báo chí, số đơn vị - cơ quan báo chí T.Ư tham dự giải nhiều nhất từ trước tới nay. Đáng chú ý, giải năm nay có sự tham gia của 4 cơ quan báo chí thuộc các tỉnh: Hòa Bình, Lai Châu, Điện Biên, Quảng Ngãi.
Các tác phẩm dự thi khai thác một số khía cạnh mới về đề tài văn hóa, con người Hà Nội, việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa dân tộc Mường ở Hà Nội, tình cảm và khí chất của người Hà Nội ở Tây Bắc, trên mảnh đất Điện Biên lịch sử... với nhiều tác phẩm chất lượng tốt. Điều này cho thấy sức lan tỏa của giải ngày càng mạnh mẽ và tinh thần “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội” được nâng cao.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, nhiều tác phẩm báo chí được chuẩn bị công phu, bám sát thực tiễn, phản ánh đúng, trúng và kịp thời các vấn đề trong phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong xã hội. Điều đó thể hiện tinh thần lao động nghiêm túc, sáng tạo, trách nhiệm của những người làm báo, các cơ quan báo chí trước các vấn đề đặt ra đối với phát triển văn hóa Thủ đô Hà Nội hiện nay.
Hội đồng Sơ khảo đã tổ chức chấm giải và giới thiệu được 80 tác phẩm vào vòng Chung khảo (trong đó có 24 tác phẩm báo in, 35 tác phẩm báo điện tử, 21 tác phẩm phát thanh, truyền hình).
Kết quả cụ thể, Hội đồng Chung khảo thống nhất lựa chọn được 34 tác phẩm báo chí xuất sắc nhất để trao giải (trong đó có 1 giải Đặc biệt, 3 giải A, 5 giải B, 10 giải C và 15 giải Khuyến khích).
Giải Đặc biệt được trao cho tác phẩm “Dấu ấn công nghiệp văn hóa Thủ đô” của nhóm tác giả Ban Thời sự - Đài Truyền hình Việt Nam.
3 giải A được trao cho các tác phẩm: “Tạo mã định danh" người Hà Nội” của nhóm tác giả Trần Hồng Vân, Hoàng Lệ Quyên, Đoàn Anh Tuấn, Vũ Ngọc Hà của Báo Hà nội mới; “Chấn hưng, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của nhóm tác giả Báo Kinh tế & Đô thị; “Hà Nội nỗ lực xây dựng thành phố sáng tạo” của nhóm tác giả Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội.