PGS. TS. Trần Thành Nam nhận định, trẻ đang bị Internet bao phủ khi ở nhà trong mùa dịch Covid-19. |
Hiện nay, với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thời gian ở nhà là rất dài, đặc biệt lại đang là kỳ nghỉ hè, điều này khiến trẻ em sử dụng các thiết bị điện tử quá nhiều. Ý kiến của ông như thế nào về tình trạng này?
Để có một cái nhìn bao quát hơn tôi muốn người lớn chúng ta hãy tư duy lại tương lai bằng một góc nhìn mới về những gì đã diễn ra trong đại dịch.
Hãy tưởng tượng hơn 1 năm qua chúng ta không có Internet và các thiết bị công nghệ thì sẽ như thế nào? Bạn có biết dưới ảnh hưởng của Covid-19 thời gian qua trên thế giới có đến 1,6 tỷ trẻ em bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa trường học sẽ ra sao nếu không có các thiết bị công nghệ và Internet?
Được sử dụng các thiết bị công nghệ và truy cập Internet tại nhà đã được xem như một quyền của trẻ em. Nó giúp cho việc tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học. Nó giúp cho thương mại điện tử phát triển, giúp cá nhân vẫn làm việc từ nhà chứ không thất nghiệp, giúp doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn vận hành, giúp gia đình được chăm sóc sức khỏe từ xa, những đứa trẻ cô lập được kết nối xã hội, được hướng dẫn vận động, được cập nhật thông tin về sức khỏe và dịch bệnh qua các thiết bị kết nối mạng... Nó tạo cho trẻ em tiếp tục được thực hiện các quyền của chúng (như phản ánh các vụ việc bạo hành và xâm hại).
Nên sự lo lắng phải chăng một phần là do các con và chính chúng ta chưa thích ứng với việc bất ngờ chuyển đổi cuộc sống từ trực tiếp lên trực tuyến như thế.
Rõ ràng Internet và công nghệ đã thay đổi cách chúng ta sống và làm việc học tập, vận động và giao tiếp. Giúp chúng ta sẽ tồn tại một cách lâu dài trong thế giới bất định. Thế giới dù có bất định như thế nào thì sống và làm việc trên Internet vẫn sẽ là cái cố định. Trong bối cảnh đó công nghệ và Internet trở thành một cứu tinh ảo với các em. Và chúng ta sẽ không thể tư duy với những nỗi sợ.
Vậy theo ông, trẻ em có thể bị những ảnh hưởng gì về tâm lý, sức khỏe khi quá "phụ thuộc" vào các thiết bị điện tử?
Rõ ràng, khi con bị mắc kẹt trong nhà việc dành thời gian lên mạng sẽ nhiều hơn. Điều này là tất yếu vì cả trường học, các cuộc trò chuyện với bạn bè và ông bà, thậm chí cả hoạt động thể chất, giải trí, mua bán cũng lên trực tuyến.
Và những đứa trẻ lạm dụng công nghệ và kết nối đã được chứng minh có thể đối diện với nhiều nguy cơ như ngôn ngữ giao tiếp và vốn từ vựng kém hơn, các kỹ năng xã hội và kiểm soát cảm xúc tệ hơn, kỹ năng vận động vụng về hơn, rối loạn cảm giác. Tiếp cận quá nhiều với màn hình cũng dẫn đến mất trí nhớ số.
Tiếp xúc liên tục với thông tin tốc độ cao làm giảm sự chú ý cũng như tập trung và trí nhớ do sự thiếu hụt các sợi thần kinh thuộc vỏ não trước khiến trẻ thiếu trí sáng tạo và tưởng tượng, học hành mất tập trung.
Ngoài ra, các em cũng dễ mắc dễ béo phì và tiểu đường do ít vận động, gặp vấn đề giấc ngủ, nguy cơ mắc lo âu, trầm cảm cao hơn.
Nhưng so với nỗi lo về sự lạm dụng công nghệ và Internet. Tôi lo nhiều hơn đến những đứa trẻ không có điều kiện về thiết bị công nghệ và kết nối. Vì hiện tại chỉ có khoảng 40% trẻ em trong độ tuổi đến trường có điều kiện này. Những bạn còn lại sẽ bị bỏ lại xa hơn bao giờ hết trong đại dịch và khoảng cách bất bình đẳng này khó có thể vãn hồi.
Thưa ông, bố mẹ và các thành viên trong gia đình cần phải làm gì để giúp con giảm thời gian sử dụng thời gian sử dụng điện thoại, mà vẫn có hứng thú tham gia các hoạt động khác tại nhà?
Với những đứa trẻ đang thừa thãi điều kiện tiếp xúc với công nghệ và Internet, cha mẹ cần hành động để tối đa hóa những lợi ích của công nghệ và giảm thiểu những tác động nguy hại của nó.
Cha mẹ cần giữ an toàn cho con bằng cách duy trì một giao tiếp cởi mở và thân thiện hàng ngày. Khuyến khích con nói ra mọi điều khiến con khó chịu, bí bách hoặc cảm giác bị đe dọa.
Hãy thống nhất với con về quy tắc thời gian, cách thức, địa điểm mà con có thể sử dụng các thiết bị và những việc khác. Mỗi ngày trẻ cần khoảng 2-3h/ngày để hoạt động ngoài trời giúp kích thích cảm giác thích hợp cho hệ thống tiền đình thì cha mẹ phải đảm bảo giao các công việc nhà phù hợp như chăm sóc cây cối, thu dọn đồ, phơi quần áo, lên gác lấy giúp mẹ quyển sách...
Mỗi ngày trẻ đều cần nhận được kích thích xúc giác qua việc chạm tay, ôm nhau để các giác quan nhạy cảm hơn và giảm lo lắng thì cha mẹ nên thiết kế phần thưởng, lời khen là những cái ôm...
Cha mẹ cũng cần học cách sử dụng công nghệ để bảo vệ con, ví dụ như tường lửa, chương trình chống virus, cài đặt quyền riêng tư và chế độ duyệt web an toàn bao gồm cả giới hạn chế độ tìm kiếm an toàn để đảm bảo con bạn trải nghiệm trực tuyến tích cực
Hãy nói với con phải cẩn thận với tất cả những thứ miễn phí và không cung cấp thông tin cá nhân, hình ảnh đầy đủ cho các nền tảng này. Học cách bảo vệ thông tin cá nhân.
Cha mẹ cũng cần dành thời gian để cùng con tương tác trực tuyến với những người khác, giúp con thấy giá trị của kết nối và tình thân dẫu là trên tương tác ảo. Qua đó cũng củng cố những hành vi tốt của con trên các tương tác ảo này.
Do không thể bên con 24/24 nên cần giới thiệu cho con các số điện thoại trợ giúp nếu con gặp bất kỳ nội dung trực tuyến không phù hợp hoặc bị bắt nạt trên mạng.
Hãy khuyến khích con vui vẻ và thể hiện bản thân với các công cụ kỹ thuật số như làm clip chia sẻ và hỗ trợ những người gặp khó khăn, đứng dậy và vận động theo một điệu nhảy vui nhộn trên mạng hay tham gia các trò chơi trực tuyến yêu cầu vận động.
Tóm lại, cha mẹ cần cấp tốc hướng dẫn kỹ năng số cho các em, rèn các thói quen để có thể sớm thích với sự chuyển đổi cuộc sống từ thực sang ảo.
Chính quyền cần tiếp tục hoàn thiện các chế tài bảo vệ trẻ trên mạng, các nội dung số dành cho trẻ phải được xây dựng một cách chính quy và kiểm duyệt nghiêm ngặt để đảm bảo không gây hại cho các em khi lên các nền tảng số.
Bị kẹt tại nhà trong đại dịch, hãy để công nghệ và Internet là cứu tinh cho các con chứ không phải là bị bỏ mặc trong một thế giới ảo đầy nguy cơ.