Trong báo cáo trên, WHO cảnh báo, bằng cách sử dụng các phân tích công nghệ số và dữ liệu định vị người tiêu dùng, các công ty đã có thể xác định được đối tượng người xem với độ chính xác cao, từ đó họ tập trung hướng tới các nhóm trẻ nhỏ dễ bị lôi kéo nhất.
Trên các phương tiện truyền thông số hóa, một hệ thống băng thông rộng, tích hợp công nghệ cao truyền tải các chương trình quảng cáo ngày càng phát triển, thông qua đó, đội ngũ những người làm tiếp thị cũng có thể kết nối với các đối tượng người xem cụ thể nhiều hơn so với phương tiện truyền hình đơn thuần.
Đối với các nhãn hàng đồ ăn nhanh, dữ liệu định vị người tiêu dùng trên các thiết bị điện thoại di động có thể giúp các nhân viên tiếp thị gửi tin nhắn quảng cáo và các chương trình khuyến mãi đặc biệt ngay khi người tiêu dùng đang ở chính địa điểm đó. Mục đích của hình thức tiếp thị công nghệ số mà các công ty hiện đang nhắm tới là "đánh vào" đặc tính thích các trải nghiệm thú vị của trẻ nhỏ, đồng thời khuyến khích trẻ chia sẻ những trải nghiệm này với bạn bè.
Vì vậy, WHO hối thúc các chính phủ ra quy định chỉ được quảng cáo các thực phẩm có lượng chất béo, muối hoặc đường cao cho đối tượng người tiêu dùng từ 16 tuổi.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Domain.me) |
Cơ quan y tế của Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh việc ấn định độ tuổi tối thiểu hợp pháp để các công ty thực hiện chiến dịch tiếp thị sản phẩm cần phải đi kèm với những biện pháp giám sát và chế tài hiệu quả.
Tại Mỹ, hiện có Đạo luật bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em trên mạng (COPPA), trong đó hạn chế việc thu thập các thông tin cá nhân từ trẻ nhỏ, cấm các hình thức tiếp thị trực tiếp đối với trẻ dưới 13 tuổi mà không thông báo trước cho cha mẹ và người giám hộ của trẻ. Tuy nhiên, đạo luật này phần lớn không phát huy tác dụng do nhiều cha mẹ cho phép con cái chơi games hoặc đăng nhập vào các trang web nào đó mà không hiểu rõ về những gợi ý cho phép thu thập dữ liệu cá nhân của trẻ.