Trong cuộc chiến chống Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã đặt tính mạng của người dân, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ, lên ưu tiên hàng đầu. |
Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, cho biết: “Trẻ em, vị thành niên và phụ nữ là những nhóm dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch này. Trong các khu cách ly, họ phải đối mặt với những nguy cơ về an toàn và họ cần được bảo vệ trong thời gian này.
Những nguy cơ này bao gồm rủi ro có liên quan đến nơi ở tại khu cách ly, nguy cơ bạo lực và xâm hại tình dục, an toàn vệ sinh mang tính đặc thù dành cho giới và an toàn dinh dưỡng, cũng như vấn đề an toàn thông tin cá nhân. Đây là một hành động đi đầu của Chính phủ Việt Nam trong tổng thể những chiến lược ứng phó đại dịch hiệu quả đã được công nhận tới nay.”
Hàng chục nghìn hướng dẫn đã được phân phát tới 392 khu cách ly trên cả nước để đảm bảo những người làm công tác quản lý và nhân viên tại đây được hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em, người chưa thành niên và phụ nữ.
Những hướng dẫn này đề cập đến các nội dung như điều kiện sinh hoạt an toàn về thể chất và vệ sinh, dinh dưỡng, những bố trí cần thiết để bảo đảm sự an toàn và riêng tư đặc thù về giới nhằm bảo vệ trẻ em, người vị thành niên và phụ nữ trước các nguy cơ bạo lực và xâm hại tình dục, hỗ trợ tư vấn tâm lý và những quy định về an toàn thông tin. Những lời khuyên và hướng dẫn nhằm hỗ trợ sức khỏe tâm lý dành cho trẻ em và người chưa thành niên cũng được cung cấp nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống trong các khu cách ly.
“Trong cuộc chiến chống Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã đặt tính mạng của người dân, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ, lên ưu tiên hàng đầu. Đối với những người ở trong hoàn cảnh đặc biệt ví dụ như trong các khu cách ly, thì Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, UNICEF và UN WOMEN, cùng các tổ chức quốc tế khác ở Việt Nam đã kịp thời đưa ra các giải pháp để đáp ứng nhu cầu đặc biệt của nhóm này,” Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết. Ông Nam nhấn mạnh trong tình huống này, trẻ em và phụ nữ cần phải được cung cấp thông tin, kỹ năng, động viên và hỗ trợ đầy đủ.
Bà Eliza Fernandez Saenz, Trưởng Văn phòng UN WOMEN tại Việt Nam, nhấn mạnh, “Đại dịch Covid-19 có tác động khác nhau tới phụ nữ và nam giới do đó các kế hoạch ứng phó của chúng ta trước đại dịch cần có nhạy cảm giới. Chúng tôi khuyến khích Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và chính quyền địa phương đang điều hành các cơ sở cách ly sử dụng Hướng dẫn này và đưa ra các biện pháp để đảm bảo mỗi địa điểm cách ly là nơi an toàn cho phụ nữ và trẻ em.” Bà cũng cho biết thêm rằng, việc quan tâm đến nhu cầu và khả năng lãnh đạo của phụ nữ sẽ tăng cường khả năng ứng phó trước đại dịch Covid-19 của Việt Nam.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong thời gian giãn cách xã hội, nguy cơ bạo lực và xâm hại đối với trẻ em và phụ nữ tăng đáng kể trên cả nước vì họ vừa là nạn nhân vừa là người chứng kiến bạo lực gia đình. Chỉ tính riêng trong tháng 4/2020, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 750 cuộc gọi đề nghị trợ giúp, trong đó hơn 200 cuộc cần sự can thiệp về bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em và những vấn đề liên quan đến sang chấn tâm lý. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, bạo lực gia đình cũng tăng ít nhất 30%.
Các hướng dẫn và tài liệu truyền thông đã được đưa lên trang web và mạng xã hội của UNICEF, UN WOMEN và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Có rất nhiều hoạt động truyền thông được thực hiện trên mạng xã hội hướng tới trẻ em, vị thành niên và phụ nữ để nâng cao nhận thức và cung cấp giải pháp ngay từ giai đoạn đầu của đại dịch. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, Chính phủ và các cơ quan Liên hợp quốc đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện để thu hút sự chú ý của công chúng trong việc bảo vệ những nhóm dễ bị tổn thương nhất.