📞

Trên bàn cơm người Nhật

12:00 | 10/01/2016
Chỉ hai ngày làm “con nuôi” trong một gia đình Nhật Bản cũng đủ để tôi trải nghiệm nhiều nét đẹp trong nền văn hóa độc đáo của Xứ sở hoa anh đào.

Tham gia một chương trình giao lưu sinh viên quốc tế, tôi đến Tokyo khi lá cây vẫn đỏ, chút vương vấn của mùa Thu trước Đông kéo về. Có nhiều cách để khám phá đất nước mặt trời mọc nhưng một trong những hoạt động luôn được các chờ đợi chính là trải nghiệm ở nhà dân - “homestay”.

Hai đại biểu và bố mẹ nuôi Nhật Bản. 

Luôn nghĩ cho người khác

Tôi được giới thiệu trở thành “con nuôi” của gia đình cô chú Ukai ở Nagoya, thành phố lớn thứ tư của Nhật Bản trong vòng hai ngày. Đúng lịch hẹn, cô Ukai đã đi tàu điện hơn một giờ đồng hồ để tới đón các “con nuôi” từ  Đông Nam Á. Chú Ukai là bác sĩ thú y phải đi làm nên không thể đi cùng vợ.

Từ Tokyo đến Nagoya khoảng 400 cây số mà người Nhật di chuyển như thể chỉ là việc đi lại hằng ngày. Đó là nhờ có tàu điện. Tại các nước tiên tiến, việc người dân sử dụng các phương tiện công cộng vừa giảm tải lượng xe tham gia giao thông gây ô nhiễm môi trường vừa có thể giúp họ di chuyển đến nhiều địa điểm với mức giá rẻ.

Tôi lon ton theo “mẹ nuôi” và không khỏi choáng ngợp bởi cảnh đông đúc ở bến tàu. Điều đáng ngưỡng mộ là ở đây không xảy ra tình trạng mất trật tự, lộn xộn dù cho hàng trăm người đang đứng chờ tại các địa điểm trên.

Một nét đặc biệt nữa trong văn hóa xếp hàng của người dân nơi đây là họ luôn đứng ở phía tay trái khi sử dụng thang máy. Cô Ukai giải thích với tôi rằng người Nhật đi làn xe bên trái (giống Thái Lan, Malaysia, Australia...) và việc xếp hàng như vậy sẽ tạo ra không gian cho phía đối diện cho những người đang vội sử dụng.

“Nhật Bản là đất nước luôn phải chịu đựng những thảm họa thiên tai. Vì thế, việc xếp hàng là cực kì cần thiết để mọi người có thể nhanh chóng thoát  thân khi có biến cố xảy ra”, cô Ukai cho biết.

Nói đến đây, tôi lại nghĩ đến cảnh tham gia giao thông tại Việt Nam, rồi đến cảnh xô đẩy nhau để kiếm cho mình bằng được một món đồ trong những sự kiện gắn mác “free”.

Tôn trọng nhau từ đôi đũa

Cô chú Ukai ở trong một căn nhà nhỏ tại Nagoya. Chi phí sinh hoạt ở Nhật Bản khá đắt đỏ nên người dân chủ yếu thuê nhà dài hạn.

Trong tất cả các bữa cơm tôi được thưởng thức tại Nhật, người ta luôn xếp đũa ngang chứ không xếp đũa dọc cạnh đĩa ăn. Phải chăng có một bí ẩn gì trong quan niệm sử dụng đũa – một việc rất đỗi bình thường trong văn hóa ăn uống của  người Á Đông?

Đũa luôn được đặt ngang trên bàn ăn thể hiện sự tôn trọng.

Cô Ukai giải thích, lý do người Nhật đặt đũa ngang như vậy là tôn trọng người ngồi đối diện với mình. Việc đặt đũa dọc sẽ hướng thẳng đến người đối diện, như vậy là không hay. Một số người còn chú ý đến mức, khi dùng bữa xong, họ cũng đặt đũa ngang.

Trong bữa cơm, chúng tôi ăn bằng đũa dùng một lần mà các hàng ăn Việt Nam có sử dụng. Cô Ukai cho biết ở đất nước này, từ khách sạn năm sao đến nhà hàng, quán ăn bình dân, nhiều nơi đều sử dụng loại đũa ấy.

Do vốn tiếng Anh hạn chế nên chú Ukai ít nói. Nhưng khi thấy tôi băn khoăn về đôi đũa, chú cũng tham gia câu chuyện của cả nhà. Theo chú giải thích, người Nhật nghĩ rằng, việc rửa đũa sẽ tiêu tốn rất nhiều nước. Như vậy là phí tài nguyên thiên nhiên. Hơn nữa, đũa được rửa chưa chắc đã sạch. Vậy là họ quyết định sử dụng những đôi đũa dùng một lần vừa để tôn trọng khách mời, vừa có lợi cho môi trường.

Nhưng vật liệu làm ra những đôi đũa ấy là từ gỗ. Chẳng phải như vậy sẽ phải cưa đổ rất nhiều cây để làm đũa hay sao? Cô chú kể cho tôi rằng rất nhiều người cũng đã có ý kiến như vậy. Song, quan niệm này là không đúng. Đũa sử dụng một lần được làm từ gỗ thải – gỗ vụn công nghiệp được ép lại và được khử trùng nên vô cùng an toàn. Do vậy, nó hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến môi trường.

Chỉ với hai trải nghiệm xếp hàng và ăn cơm với bố mẹ nuôi Nhật Bản, tôi đã có một cái nhìn sinh động và rõ nét hơn về một trong những nền văn hóa đáng  ngưỡng mộ, học hỏi nhất trên thế giới.