LTS: Trong hơn một thập kỷ hình thành và phát triển, Mạng lưới Thành phố Học tập toàn cầu của UNESCO đã trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự đổi mới và phát triển bền vững cho các đô thị. Một trong những sự kiện nổi bật của mạng lưới này chính là các kỳ Hội nghị quốc tế về Thành phố Học tập, thu hút hàng nghìn lãnh đạo, chuyên gia và nhà hoạch định chính sách từ khắp nơi trên thế giới. Hành trình hội nhập của Việt Nam trong mạng lưới đã bước đầu ghi được những dấu ấn, thể hiện vai trò ngày càng rõ nét của các thành phố học tập Việt Nam trong bức tranh toàn cầu. |
Chuyên gia giáo dục Tống Liên Anh cùng đoàn đại biểu Việt Nam tham gia Hội nghị quốc tế thành phố học tập toàn cầu lần thứ sáu tại Jubail, Saudi Arabia. (Ảnh: TGCC) |
Ấn tượng đẹp
Dù đoàn đại biểu Việt Nam mới chỉ có cơ hội tham dự hai kỳ Hội nghị tại Mexico (2015) và Jubail, Saudi Arabia (2024), các thành phố học tập của chúng ta đã bước đầu tạo được ấn tượng tốt đẹp, khẳng định vị thế ngày càng cao trong mạng lưới toàn cầu.
Bài chia sẻ của thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) và thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) tại Hội nghị lần thứ sáu vừa qua tại Jubail, tập trung vào kinh nghiệm xây dựng cộng đồng học tập và các sáng kiến thúc đẩy giáo dục vì sự phát triển bền vững, đã nhận được sự quan tâm từ các đại biểu quốc tế.
Những sáng kiến này không chỉ phản ánh tính sáng tạo, sự linh hoạt trong cách tiếp cận phù hợp với đặc trưng văn hóa địa phương mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thúc đẩy học tập suốt đời.
Đoàn đại biểu Việt Nam tham gia Hội nghị quốc tế lần thứ 6 về Thành phố Học tập tại Jubail, Saudi Arabia. |
Đoàn đại biểu Việt Nam đi thăm khu di tích lịch sử của Jubail, Saudi Arabia. |
Đoàn đại biểu Việt Nam đi thực tế tại một trường cấp 2 của Jubail, Saudi Arabia. |
Giao thoa văn hóa và giáo dục
|
Hội nghị đã trở thành diễn đàn toàn cầu quan trọng, nơi các đô thị trao đổi kinh nghiệm và định hình các chiến lược phát triển tương lai. Từ lần đầu tiên tại Bắc Kinh năm 2013 đến lần thứ sáu tại Jubail, Saudi Arabia vào năm nay, mỗi kỳ hội nghị quy tụ từ 700 đến 1.200 lãnh đạo thành phố, nhà hoạch định chính sách và chuyên gia giáo dục đến từ khắp nơi trên thế giới.
Kết quả của các kỳ Hội nghị thường là các tuyên bố chung hoặc khuyến nghị chính sách trong vòng ít nhất ba năm tiếp theo. Điển hình như Tuyên bố Bắc Kinh và 42 đặc trưng cơ bản của Thành phố Học tập ra đời từ Hội nghị lần thứ nhất, vẫn đóng vai trò kim chỉ nam cho sự phát triển chung của toàn bộ mạng lưới cho đến tận ngày nay.
Một trong những yếu tố làm nên sức hút đặc biệt của các kỳ Hội nghị chính là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố văn hóa và giáo dục. UNESCO thường lựa chọn tổ chức sự kiện này tại những thành phố có giá trị văn hóa và lịch sử đậm nét.
Tại Hội nghị lần thứ hai ở Mexico, thủ đô cổ nhất châu Mỹ, các phiên họp diễn ra trong các lâu đài tráng lệ. Song chỉ cần bước ra khỏi sảnh Hội nghị, đại biểu lập tức được hòa mình vào không khí sôi động của văn hóa đường phố Mỹ Latinh, với những bức tranh graffiti rực rỡ tràn đầy hơi thở đương đại.
Hội nghị lần thứ sáu tại Jubail, thành phố công nghiệp phát triển bậc nhất thế giới chào đón quan khách bằng Trung tâm văn hoá Hoàng gia hiện đại tối tân, không gian lịch sử và nền văn hóa Arab đặc sắc. Đi tới bất cứ nơi đâu, dù là sảnh trung tâm hội nghị, khách sạn, trường học… các đại biểu đều được chào đón nồng hậu bằng những ly cà phê đậm vị saffron, quả chà là và những vũ điệu hoàng gia đặc trưng.
Những điểm nhấn không chỉ làm giàu thêm trải nghiệm của quan khách quốc tế mà còn tạo nên sức hút vượt xa khuôn khổ của một sự kiện chuyên môn. Các yếu tố văn hoá – giáo dục đan xen, quyện lẫn, bồi đắp và tôn vinh nhau, tạo nên sức ảnh hưởng đặc biệt cho các sự kiện của UNESCO. Qua đó, các quốc gia đăng cai cũng nâng cao vị thế và thu hút các nguồn đầu tư và hợp tác quốc tế rất mạnh mẽ, vì đại biểu tham dự Hội nghị là lãnh đạo các thành phố đến từ khắp nơi trên thế giới – những người nắm trong tay quyền quyết định đầu tư và định hướng phát triển địa phương của họ.
Tác giả tham dự sự kiện của UNESCO về thành phố học tập toàn cầu tại Mexico, 2015. |
Tăng trưởng mạnh mẽ
Trong hơn một thập kỷ, Mạng lưới Thành phố Học tập toàn cầu của UNESCO đã mở rộng nhanh chóng, trở thành một làn sóng toàn cầu mạnh mẽ.
Nếu như năm 2013, mạng lưới khởi đầu với vài thành viên, thì đến năm 2019, theo công bố của UNESCO, đã có hơn 160 thành phố tham gia. Đáng chú ý, từ năm 2020 đến 2024, số lượng thành viên đã tăng lên 356 – tốc độ tăng trưởng nhanh hơn gấp đôi trong khoảng thời gian chỉ bằng hai phần ba so với trước đó.
Hội nghị lần thứ sáu tại Jubail với hơn 1.200 đại biểu tham dự là một con số kỷ lục. Đặc biệt, nhiều quốc gia chưa có thành phố nào trong mạng lưới cũng cử đại diện tham dự để tìm hiểu, chuẩn bị hồ sơ gia nhập, chứng tỏ thành phố học tập đã trở thành ưu tiên chiến lược của nhiều quốc gia trên thế giới.
Đường dài phía trước
Để các thành phố Việt Nam thực sự ghi dấu ấn sâu sắc hơn trong mạng lưới, cần có những bước đi chiến lược mang tính đột phá.
Là người đã có cơ hội tham dự cả hai kỳ Hội nghị quốc tế, tôi hy vọng rằng các thành phố của chúng ta sẽ không chỉ dừng lại ở vai trò khách mời mà một ngày không xa sẽ đứng vào vị trí của nước chủ nhà, nơi chúng ta có thể kể những câu chuyện độc đáo của mình và đón nhận những kinh nghiệm quý báu từ bạn bè quốc tế.
Nhìn lại hành trình phát triển của mạng lưới qua sáu kỳ Hội nghị, chúng ta thấy được sức mạnh của sự hợp tác và chia sẻ xuyên biên giới. Những câu chuyện từ khắp nơi trên thế giới chắc chắn sẽ là nguồn cảm hứng mạnh mẽ, gợi mở hướng đi và bài học thiết thực để các thành phố Việt Nam vươn xa hơn trên con đường chinh phục mục tiêu trở thành một trong những thành phố học tập toàn cầu đích thực.