Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo - Cơ hội, thách thức việc làm cho lao động nữ và nữ lãnh đạo trong các doanh nghiệp tư nhân”, ngày 28/6 tại Hà Nội. (Nguồn: VBCWE) |
Ngày 28/6, Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo - Cơ hội, thách thức việc làm cho lao động nữ và nữ lãnh đạo trong các doanh nghiệp tư nhân” do Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) kết hợp với Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software) thuộc Tập đoàn FPT tổ chức, theo cả 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Hội thảo hướng đến ba mục tiêu chính: Kết nối và chia sẻ các kiến thức về AI, tác động của AI tới hệ sinh thái việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ; Chia sẻ về sự hiểu biết và thực hành AI của các doanh nghiệp, từ đó đưa ra đề xuất tư vấn và hỗ trợ từ các tổ chức liên quan; Đánh giá tác động của AI đối với các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo hoặc các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ và tư vấn các giải pháp hỗ trợ trong giai đoạn tiếp theo.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp trong mạng lưới của VBCWE, đại diện các doanh nghiệp trong mạng lưới của VBCSD, Hội Nữ doanh nhân một số tỉnh/ thành phố trong mạng lưới thành viên của Hiệp hội Nữ doanh Nhân Việt Nam, CLB Doanh nhân Sao đỏ và một số tổ chức, hiệp hội có quan tâm đến vấn đề này.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ Phát triển Quyền năng Phụ nữ (VBCWE) cho biết: “Xây dựng môi trường làm việc công bằng và hoà nhập cho tất cả mọi người là mục tiêu mà VBCWE luôn nỗ lực cùng các doanh nghiệp hướng tới.
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch VBCWE phát biểu tại Hội thảo. (Nguồn: VBCWE) |
Trước sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) tác động đến tương lai việc làm của nữ lao động, chúng tôi rất mong muốn đồng hành cùng các doanh nghiệp để nâng cao nhận thức và có chiến lược ứng phó phù hợp làm cho quá trình chuyển đổi AI trở nên toàn diện hơn, vừa phát huy được lợi ích của công cụ vừa bảo vệ công việc của mọi người, nhất là những lao động nữ, và đảm bảo sự bình đẳng tại nơi làm việc”.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch VBCSD: “Thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền kinh tế cho phụ nữ trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là cam kết của VBCSD và VBCWE.
Để thực hiện mục tiêu này, nhất là trong thời đại của trí tuệ nhân tạo, khi AI có thể gây ảnh hưởng tới công việc của những nữ lao động, chúng tôi muốn cùng chung tay hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động cập nhật kiến thức, làm chủ công nghệ. Tất cả vì tương lai phát triển doanh nghiệp bền vững mà ở đó giá trị bình đẳng là cốt lõi”.
Theo ông Nguyễn Xuân Phong, Giám đốc Trí tuệ nhân tạo tại FPT Software, Tập đoàn vẫn luôn ủng hộ tích cực để phụ nữ có thể tỏa sáng trong ngành công nghệ, đặc biệt là với lĩnh vực AI. Bằng chứng là ở FPT Software, tỷ lệ phái nữ là 30%, cao so với mặt bằng chung của ngành.
“Ngoài ra, tỷ lệ phái nữ tham gia vào lĩnh vực AI cũng rất cao, đặc biệt trong khối quản lý. Phụ nữ hoàn toàn có cơ hội lớn trong lĩnh vực AI, và chúng tôi mong muốn được chia sẻ các bí kíp để giúp các lãnh đạo và lao động là nữ giới ứng dụng sức mạnh AI để có công việc hiệu quả hơn”, ông nói.
Bên cạnh Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (BigData) và điện toán đám mây (Cloud Computing), AI là công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.
Trong những năm gần đây, thế giới đã ghi nhận xu thế phát triển và tác động to lớn của AI trong đời sống. Theo ước tính của Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Mỹ Goldman Sachs, việc áp dụng AI có thể giúp tăng năng suất lao động và tăng 7% GDP toàn cầu mỗi năm trong 10 năm tới. Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế phát triển tất yếu này.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp trong mạng lưới của VBCWE, đại diện các doanh nghiệp trong mạng lưới của VBCSD...(Nguồn: VBCWE) |
Hiện nay, AI đang nổi lên như một công cụ và mục tiêu quan trọng, dẫn dắt sự thay đổi việc làm trong tương lai. AI không chỉ là xu thế tất yếu mà còn có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của thế hệ lao động và lãnh đạo mới, đặc biệt là phụ nữ.
Điều này đòi hỏi một sự hiểu biết toàn diện và sâu sắc về AI nhằm tận dụng tối đa cơ hội và đối phó với những thách thức mà AI mang lại. Các doanh nghiệp trong khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam cần nhìn nhận rõ vai trò của AI, đặc biệt là những doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo hoặc có lực lượng lao động nữ lớn.
Việc hiểu biết toàn diện về AI về cả hai mặt cơ hội và thách thức trở thành nhu cầu cấp thiết đối với các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là những doanh nghiệp có tỷ lệ lực lượng lao động nữ cao và đang tập trung phát triển đội ngũ nữ lãnh đạo.
Đây cũng là một trong những hoạt động quan trọng của VBCWE đang hướng tới và sẽ cùng VBCSD triển khai sáng kiến này trong thời gian tới đây.
Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) được thành lập từ tháng 1/2018 trong khuôn khổ sáng kiến Investing in Women (Đầu tư cho phụ nữ) của chính phủ Australia hỗ trợ cho 4 quốc gia trong khu vực là Myanmar, Indonesia, Philippines và Việt Nam. VBCWE là tổ chức tiên phong và chuyên nghiệp trong việc kết nối, hỗ trợ, thúc đẩy xây dựng giá trị đa dạng, công bằng và bao trùm cho các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân Việt nam – nền tảng quan trọng của sự phát triển bền vững cho các doanh nghiệp tại Việt Nam. Mạng lưới VBCWE là tập hợp các doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng với quy mô nhân sự lớn tại Việt Nam. Các doanh nghiệp tham gia VBCWE cam kết đưa các giá trị bình đẳng, đa dạng và bao trùm tại nơi làm việc vào chiến lược kinh doanh và phát triển của mình. Tất cả cùng hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh doanh, hướng tới phát triển bền vững, sau đó lan tỏa và truyền cảm hứng đến các doanh nghiệp khác trên cả nước cùng tham gia cam kết này. |