📞

Triển lãm kép VME-SIE: Cơ hội giao thương cho doanh nghiệp Việt Nam-Nhật Bản trong ngành công nghiệp hỗ trợ

Hồng Châu 18:00 | 09/08/2023
Hơn 200 nhà sản xuất, phân phối kinh doanh, chế tạo máy móc đến từ 20 quốc gia đã tham dự triển lãm kép về công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp phụ tùng Việt Nam - Nhật Bản tại Hà Nội.
Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm. (Ảnh: Hồng Châu)

Ngày 9/8, “Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam-Nhật Bản” (SIE) lần thứ 10 và “Triển lãm công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam” (VME) lần thứ 14, do Công ty RX Tradex Việt Nam và Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), Cục xúc tiến Thương mại (VIETRADE), Bộ Công Thương phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

Triển lãm có sự góp mặt của hơn 200 nhà sản xuất, phân phối kinh doanh, các hãng chế tạo công nghệ và máy móc tiên tiến đến từ 20 quốc gia, với nhiều hoạt động sẽ được tổ chức xuyên suốt 3 ngày triển lãm để hỗ trợ các doanh nghiệp và khách tham quan trong công tác kết nối cùng các đại lý, nhà phân phối và đối tác kinh doanh.

Triển lãm lần này đem đến những cơ hội kết nối, hợp tác tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đồng thời giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, học hỏi những xu thế mới của thị trường, những thành tựu mới về kỹ thuật, công nghệ, gặp gỡ trực tiếp những đối tác tiềm năng từ Nhật Bản và quốc tế.

Phát biểu khai mạc Triển lãm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trải qua 10 kỳ Triển lãm, hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam đã có cơ hội giới thiệu sản phẩm của mình đến các doanh nghiệp Nhật Bản. Đồng thời cũng có hàng nghìn doanh nghiệp Nhật Bản tìm được đối tác là các nhà sản xuất Việt Nam, hàng chục nghìn lượt khách là các công ty Việt Nam và công ty nước ngoài tham quan, tìm hiểu và học hỏi lẫn nhau. Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần nâng tổng kim ngạch thương mại hai chiều hai nước tăng trưởng trong những năm qua và những dự án đầu tư của Nhật Bản vẫn tiếp tục tìm đến thị trường Việt Nam.

Ông Yip Je Choong – Phó Chủ tịch cấp cao, Khối Thương mại - Khu vực Asia Pacific, Ban lãnh đạo tập đoàn RELX (Singapore) - Đại diện RX Tradex Vietnam chia sẻ Triển lãm kép VME-SIE như một cơ hội gặp gỡ, hỗ trợ sự liên kết giữa các nhà sản xuất phụ tùng, các công ty trong ngành công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ và các lĩnh vực sản xuất có liên quan.

Triển lãm lần này có 50 doanh nghiệp tham gia trưng bày gian hàng, trong đó có 22 công ty Nhật Bản. (Ảnh: Hồng Châu)

Còn Trưởng đại diện Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, ông Takeo Nakajima cho biết, năm 2004 đến nay, với mục đích nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, JETRO liên tục hợp tác với cơ quan Chính phủ Việt Nam tổ chức "Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản" luân phiên hàng năm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Năm nay là lần thứ 10 triển lãm được tổ chức tại Hà Nội.

"Lần này có 50 doanh nghiệp tham gia trưng bày gian hàng, trong đó có 22 công ty Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam muốn tìm kiếm các nhà cung cấp nội địa và 28 công ty Việt Nam mong muốn cung cấp cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Hơn nữa năm nay JETRO phối hợp với cơ quan liên quan của Việt Nam tổ chức hoạt động kết nối nhằm hỗ trợ cho các nhà cung cấp Việt Nam. Chúng tôi hi vọng rằng hoạt động kết nối giao thương tại triển lãm sẽ tạo thật nhiều cơ hội gặp gỡ giữa các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, tăng cường mở rộng kinh doanh giữa hai nước", ông Takeo Nakajima nhấn mạnh.

Năm 2023 đánh dấu giai đoạn nhiều biến đổi của nền kinh tế với sự xuất hiện của các xu hướng như sản xuất xanh, trí tuệ nhân tạo, phát triển công nghiệp bền vững và chính sách tiền tệ từ các nước phát triển và áp lực tăng trưởng sau đại dịch, đã thúc đẩy tiến trình tăng cường hoạt động kinh doanh và tối ưu hóa nguồn lực của các doanh nghiệp quốc tế và địa phương trên toàn cầu.

Bên cạnh những thách thức từ bất ổn kinh tế thế giới như các chính sách tỷ giá linh hoạt, điều tiết và giám sát chặt chẽ hệ thống tài chính thì xu hướng chuyển đổi thị trường sản xuất từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan sang Việt Nam, cũng hứa hẹn sẽ góp phần tạo ra những cơ hội đầu tư và hợp tác cho các công ty trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ nắm bắt cơ hội giao thương.

Việt Nam hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, nhưng chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp có đủ năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế (chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến - chế tạo).

Theo khảo sát của JETRO, tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã tăng từ 28% 10 năm trước lên đến 37% năm 2022. Trong con số 37% đó, tỷ lệ mua sắm linh phụ kiện từ các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 15%. Con số này thấp hơn các nước lân cận như Thái Lan, Malaysia.