📞

Triển vọng FTA ASEAN - EU hậu Brexit

17:09 | 27/03/2017
Sự kiện Brexit cũng như những chính sách mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang khiến các chuyên gia kinh tế đặt ra câu hỏi: Liệu thế giới sẽ quay lại thời kỳ chủ nghĩa bảo hộ trước kia hay không? 

Trong bối cảnh đó, liệu Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và EU có đi đến ký kết thỏa thuận tự do thương mại (FTA) song phương như kỳ vọng? Xung quanh vấn đề này, báo Jakarta Post số ra mới đây có đăng bài phân tích của đồng tác giả Lili Yan Ing và Abigail Ho, nội dung như sau:

Làn sóng toàn cầu hóa kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai đang có dấu hiệu kết thúc khi liên tiếp xảy ra hàng loạt sự kiện thời gian gần đây cho thấy chủ nghĩa bảo hộ ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đang có xu hướng quay trở lại.

Thương mại quốc tế đóng vai trò như Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới đã ngừng phát triển trong vòng 1 thập kỷ qua. Động lực để tiếp tục thực hiện tự do hóa thương mại đa phương đang đứng trước những thách thức của sự sụp đổ và vai trò của Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại Doha dường như không đi đến đâu, dù hiệp định này vừa mới được ký vào ngày 22/2 vừa qua.

Làn sóng chống toàn cầu hóa hiện cũng đang dâng cao ở EU - một tổ chức gồm 28 quốc gia thành viên tạo thành một thị trường duy nhất cho phép tự do lưu thông hàng hóa, tự do di chuyển giữa người dân các quốc gia nội khối, sử dụng chung một đơn vị tiền tệ (ngoại trừ Anh vẫn sử dụng đồng Bảng) và áp dụng một liên minh thuế quan.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Cafeland)

EU vẫn là thị trường lớn của ASEAN

Trong vòng một thập kỷ, từ năm 2005 - 2015, EU chiếm 13% lượng hàng hóa xuất khẩu của ASEAN. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của ASEAN sang EU là linh kiện điện tử (25%), máy móc (15%), may mặc (8%) và giày dép (6%). Vương quốc Anh chiếm 1,5% xuất khẩu của ASEAN trong năm 2015.

Ở chiều ngược lại, EU chiếm tới 10% tổng khối lượng hàng hóa nhập khẩu của ASEAN. Các mặt hàng nhập khẩu chính của ASEAN từ EU bao gồm máy móc (20%), linh kiện điện tử (16%), máy bay (5%), xe cộ (5%) và dược phẩm (5%). Vương quốc Anh là nguồn cung cấp 1,1% nhập khẩu của ASEAN vào năm 2015.

EU cũng chiếm tới 19% tổng Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN trong cùng 1 thập kỷ. Các nhà đầu tư hàng đầu của EU đối với ASEAN là Hà Lan (6%), Anh (4%), Luxembourg (3%), Pháp (2%) và Đan Mạch (1%). Phần lớn đầu tư của EU vào ASEAN tập trung vào lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, tài chính, bảo hiểm, khai thác mỏ, thông tin-truyền thông và bất động sản.

Vậy liệu ASEAN và EU có vấp phải những khó khăn, vướng mắc nào trong thời gian đó hay không?

Thứ nhất, ASEAN chỉ chiếm có 2% thị trường xuất khẩu của EU và chiếm 3% tổng khối lượng nhập khẩu của khối này. Vấn đề này đang đứng trước những thay đổi lớn nếu nhìn vào xu hướng thương mại trong vòng 3 thập kỷ vừa qua. 5 trong tổng số 7 quốc gia có ngành chế tạo lớn nhất thế giới là các quốc gia đang phát triển gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan.

Theo số liệu nghiên cứu của công ty kiểm toán toàn cầu PricewaterhouseCoopers (PwC), đến năm 2050, có 6 trong số 7 nền kinh tế lớn nhất sẽ là những nền kinh tế đang nổi lên hiện nay, trong đó Indonesia sẽ là nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới. Philippines, Việt Nam, Thái Lan và Malaysia sẽ nằm trong số 25 nền kinh tế lớn nhất thế giới cùng với Đức, Anh, Pháp và Italy. Vì vậy, sẽ có sự thay đổi về nguồn lực tăng trưởng kinh tế và thương mại.

Thứ hai, ASEAN đã khá chủ động trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế, thương mại. ASEAN thành lập Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) vào năm 1992 trước Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đã tạo dựng Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN năm 2009. Thách thức chính của ASEAN hiện nay là việc tiếp tục thúc đẩy hội nhập. ASEAN chủ trương thúc đẩy thương mại nội khối cũng như với các đối tác bằng biện pháp hàng rào phi thuế quan (NTM).

Mặc dù số lượng các NTM không phản ánh mức độ bảo hộ, nhưng sự minh bạch của nó là vấn đề quan trọng để tạo thuận lợi cho thương mại trong khu vực. Sáng kiến cải thiện tính minh bạch về NTM trong ASEAN khá chậm chạp ngay từ đầu vì vấn đề quản lý các NTM được thực hiện qua các Bộ và các tổ chức.

Bà Cecilia Malmstrom phát biểu tại Hội nghị các Bộ trưởng kinh tế ASEAN, ngày 10/3. (Nguồn: TTXVN)

FTA giữa EU – ASEAN sẽ mở ra cơ hội phát triển cho cả 2 bên

Dù có hoặc không có sự kiện Brexit, EU vẫn là thị trường trọng điểm của ASEAN. Tuy nhiên, EU chưa bao giờ trở thành mô hình của ASEAN. Xét về khoảng cách phát triển của các nước thành viên trong ASEAN (GDP bình quân đầu người, chỉ số phát triển con người, sự phụ thuộc tài chính... và các chỉ số kinh tế chính khác), ASEAN không thể trở thành một liên minh thuế quan và một thị trường đơn lẻ giống như EU.

ASEAN mong muốn trở thành "nền tảng sản xuất" các sản phẩm ở Đông Á và do đó, Cộng đồng Kinh tế ASEAN ra đời nhằm tạo điều kiện cho việc di chuyển thương mại hàng hóa, lao động có tay nghề và đầu tư. Trong phiên họp ASEAN - EU tại Manila ngày 10/3 vừa qua, hai bên đã đồng ý mở lại các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại ASEAN - EU.

Học hỏi từ khuôn mẫu thương mại của EU sẽ làm cho ASEAN bị mất đi một số lượng lớn công ăn việc làm cho người dân của mình. Nếu ASEAN và EU thành công trong việc cho ra đời một Hiệp định tự do thương mại song phương, đặc biệt là về các vấn đề sở hữu trí tuệ quyền đầu tư, doanh nghiệp nhà nước, chính sách cạnh tranh, quy định về lao động và các quy định liên quan đến môi trường sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho cả hai bên.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng ASEAN - EU có thể bắt đầu làm việc với nhau bất kể Hiệp định thương mại giữa ASEAN và EU có được ra đời hay không đó là về các NTM.

Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malström nhấn mạnh trong bài diễn văn tại Hội nghị Thương mại ASEAN - EU rằng, EU sẽ tiếp tục cam kết hơn nữa với các đối tác thương mại và vẫn sẽ thúc đẩy các giá trị về phát triển bền vững và tăng trưởng toàn diện. Điều này hàm ý rằng EU sẽ hợp tác với ASEAN hoặc bất kỳ nước nào khác nếu nước đó có thể đáp ứng các tiêu chuẩn sản phẩm của EU về sức khỏe, an toàn và môi trường.

ASEAN - EU có thể bắt đầu xây dựng mối liên kết ưu đãi hàng hóa thương mại bằng cách cung cấp cho các đối tác kinh doanh ở Đông Nam Á kiến thức về các tiêu chuẩn sản phẩm và các thủ tục bắt buộc trong sản xuất sản phẩm. Đồng thời, ASEAN có thể tiếp tục các nỗ lực của mình trong Hiệp định thừa nhận lẫn nhau giữa các thành viên.

Nhìn chung, ASEAN và EU cần phải có các quy định tốt về quản lý hàng nhập khẩu và xuất khẩu của mình, các quy định được khoa học chứng minh, sự minh bạch và không phân biệt.

(theo Jakarta Post)