📞

Triển vọng hợp tác bền vững của nghệ thuật múa châu Á

Phương Lan 09:20 | 04/12/2024
Liên hoan Múa châu Á năm 2024 lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ quốc tế, diễn ra trong hai ngày 2-3/12.
Các nghệ sĩ tham dự Liên hoan Múa châu Á 2024. (Ảnh: Phương Lan)

Liên hoan Múa châu Á là hoạt động thường niên được tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc dưới sự điều phối của Trung tâm Nghệ thuật Múa Hàn Quốc do ông Lee Chuljin điều hành.

Năm nay, Liên hoan diễn ra tại Hà Nội và được tổ chức bởi Học viện Múa Việt Nam, Trung tâm Nghệ thuật Múa Hàn Quốc, Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật quốc gia Ấn Độ, Trung tâm quốc tế Bangalore Ấn Độ và được hỗ trợ bởi chính quyền thành phố Seoul.

Tối ngày 2/12, Chương trình biểu diễn nghệ thuật mở màn cho Liên hoan diễn ra tại Học viện Múa Việt Nam với sự tham gia của các nghệ sĩ tại 4 quốc gia Việt Nam, Hàn Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản, thu hút đông đảo khán giả tới thưởng thức và cổ vũ cho các nghệ sĩ.

Các tác phẩm tham gia Liên hoan năm nay được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật, thể hiện rõ nội dung tư tưởng, hình tượng nghệ thuật và sự đầu tư tìm tòi, sáng tạo trong cách thể hiện; các yếu tố về cấu trúc tác phẩm, kết cấu ngôn ngữ múa, âm nhạc… được đảm bảo; kỹ thuật biểu diễn của diễn viên tốt và tương đối đồng đều.

Có thể nói, Liên hoan đã mang đến màu sắc văn hóa dân tộc phong phú của các quốc gia, phản ánh chân thực, sâu sắc, sinh động đời sống xã hội và con người.

Một số tác phẩm nổi bật như: Múa truyền thống Jinju Gyobang Gutgeori Chum, múa quạt geomungo do 2 nghệ sĩ Hàn Quốc Cha Myung-hee và Hong Eun-joo thể hiện; múa cổ điển Ấn Độ Baal Gopal Tarangam của nghệ sĩ Bijal Haria; múa đương đại Nhật Bản 52Hz do nghệ sĩ Takayoshi Tsuchida biểu diễn.

Các nghệ sĩ, diễn viên múa của Việt Nam mang đến nhiều màu sắc cho chương trình bằng các tác phẩm chất lượng như: Dâng của nghệ sĩ Nguyễn Đinh Bảo Bảo tới từ Thành phố Hồ Chí Minh; Khúc biến tấu Cao Lan của Nhà hát Nghệ thuật Dân tộc Việt Bắc; Mùa hoa Ban nở, Hy vọng, Giác ngộ, và Ngày qua ngày của Học Viện Múa Việt Nam.

TS. Nguyễn Thúy Nga, Giám đốc Học viện Múa Việt Nam chia sẻ: “Liên hoan này rất có ý nghĩa với Học viện Múa Việt Nam - một cơ sở đào tạo chuyên nghiệp về nghệ thuật múa. Chương trình đã tạo cơ hội để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trao đổi văn hóa thông qua nghệ thuật múa, giữ gìn bản sắc nghệ thuật múa của các nước trong khu vực châu Á".

Trong khuôn khổ của Liên hoan Múa châu Á 2024, chiều ngày 3/12, Hội nghị trao đổi, tọa đàm IDANS được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc với chủ đề "Khôi phục sự đồng nhất văn hóa qua các mạng lưới nghệ thuật múa ở châu Á".

Quang cảnh tọa đàm. (Ảnh: Lee Chuljin)

Toà đàm có sự tham giao trao đổi của TS.NSND Phạm Anh Phương, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam; TS Trần Văn Hải, nguyên Quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam và các nghệ sĩ, chuyên gia tới từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản…

Có thể nói, Liên hoan Múa châu Á 2024 với sự tham gia tích cực của các nghệ sĩ, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực múa đã mang đến một tín hiệu tích cực cho tương lai chia sẻ, hợp tác bền vững của nghệ thuật múa tại khu vực châu Á.

Sự kiện này không chỉ góp phần nâng cao nhận thức về văn hóa của mỗi quốc gia, mà còn thúc đẩy sự hợp tác nghệ thuật giữa các nước trong khu vực, mở ra những cơ hội mới cho các nghệ sĩ trong tương lai.

Một số hình ảnh nổi bật tại sự kiện:

Nghệ sĩ múa Ấn Độ biểu diễn. (Nguồn: Học viện Múa)
Nghệ sĩ Cha Myung-hee với tác phẩm Gyobang Gutgeori Chum. (Ảnh: Phương Lan)
Tác phẩm "Dâng" do Nguyễn Đinh Bảo Bảo thể hiện. (Ảnh: Phương Lan)
Các nghệ sĩ Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản tham dự Liên hoan. (Ảnh: Phương Lan)
Tác phẩm "Hy vọng", Biên đạo ThS Nguyễn Mạnh Hùng, Học viện Múa Việt Nam. (Ảnh: Phương Lan)