Năm 2023, nền kinh tế thế giới được dự báo đối mặt với nhiều thách thức. |
Điểm nhấn năm 2022
Hoạt động kinh tế toàn cầu đang bắt đầu bước vào suy thoái. Lạm phát toàn cầu cao chưa từng thấy trong vài thập niên qua, tăng từ 4,7% vào năm 2021 lên 8,8% vào năm 2022. Lợi nhuận từ kinh doanh dầu mỏ và khí đốt tăng vọt song chi phí năng lượng tăng cao là lực cản lớn đối với tăng trưởng thu nhập và sản suất. Chi phí vốn tăng cũng đang gây ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư. Lạm phát cũng đang làm giảm sức tiêu dùng, sức mua của người dân toàn cầu giảm dẫn đến sản xuất thế giới thu hẹp do không có đơn hàng.
Đặc biệt, năm 2022, các nền kinh tế phát triển đang phải chịu đựng mức lạm phát rất cao, từ đó lan sang các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển; cả Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đều chứng kiến mức tăng trưởng giảm nhiều nhất thế giới, ngược với các nền kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông (như Ấn Độ và Saudi Arabia).
Kinh tế khu vực Eurozone tăng trưởng 3,1% năm 2022; lạm phát cả năm 2022 lên đến 9,3% ở EU và 8,5% ở khu vực Eurozone. Nhóm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển dự kiến tăng trưởng 3,7% GDP. Trung Quốc tăng trưởng 3,2%.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng của Nga năm 2022 sẽ ở mức -3,4% và lạm phát là 21,3%. Nhóm “ASEAN-5” (gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore) tăng trưởng khoảng 5,3% GDP.
Đặc biệt, năm 2022 ghi nhận ba xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng.
Thứ nhất, dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các nước trong cùng khu vực địa lý để giảm phụ thuộc, hoặc tránh rủi ro từ chiến tranh thương mại, trừng phạt kinh tế:
Thứ hai, dịch chuyển toàn bộ hoặc một phần sản xuất có công nghệ cao, sản phẩm hàng hoá chiến lược có giá trị gia tăng cao, liên quan tới bí mật công nghệ và an ninh quốc gia về chính quốc, nhất là với các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản và EU.
Thứ ba, dịch chuyển gắn với tái cơ cấu, sắp xếp lại chuỗi cung ứng nhằm đa dạng hóa nguồn cung, mở rộng mạng lưới các nhà cung cấp, phân tán rủi ro; cạnh tranh tham gia chuỗi cung ứng đang và sẽ diễn ra quyết liệt hơn, nhất là giữa các nước đang phát triển có sự tương đồng về thị trường, trình độ nhân lực, công nghệ.
Đặc biệt, động lực đầu tư xanh hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng có nguy cơ thụt lùi do giảm lượng các dự án đầu tư nhằm tăng cường khả năng thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Triển vọng năm 2023
Năm 2023, nền kinh tế thế giới sẽ đối mặt với nhiều thách thức, với động thái nổi bật là tăng trưởng kinh tế chậm dần và nhiều nước kinh tế giảm sâu, thậm chí tăng trưởng âm.
Theo báo cáo “Liệu cuộc suy thoái toàn cầu sắp xảy ra” của Ngân hàng Thế giới (WB) tháng 9/2022, hơn 90% các nền kinh tế phát triển, 80% nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi đều bị hạ dự báo tăng trưởng cho năm 2022 và 2023. Đặc biệt, ngày 7/10/2022, Chủ tịch Malpass của WB cảnh báo: thế giới đang đối mặt với “làn sóng thứ năm của cuộc khủng hoảng nợ”, nhiều quốc gia đang đối mặt hoặc có nguy cơ mắc nợ trong bối cảnh lạm phát và lãi suất tăng cao. Ngay các nền kinh tế lớn cũng lúng túng trước bài toán khó: tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát có thể gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu, song để lạm phát tiếp tục tăng cao sẽ còn tồi tệ hơn.
Báo cáo về “Triển vọng kinh tế khu vực châu Âu” công bố ngày 11/10 của IMF nhận định, thế giới đang ở trong giai đoạn “rất mong manh”, với tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày một chậm lại, lạm phát tiếp tục gia tăng. Theo đó, năm 2023 có 25% khả năng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống dưới mức 2% và hơn một phần ba nền kinh tế toàn cầu sẽ chứng kiến hai quý liên tiếp tăng trưởng âm. Lạm phát toàn cầu sẽ tăng từ 4,7% của năm 2021 lên 8,8% vào cuối năm 2022, sẽ giảm xuống 6,5% vào năm 2023 và 4,1% vào năm 2024.
Theo dự báo, năm 2023, các nền kinh tế phát triển chỉ tăng trưởng 1%. Theo đó, Mỹ tăng 1% GDP; EU và Eurozone tăng 0,3%, Trung Quốc 4,4%. Các nền kinh tế đang trỗi dậy giữ được tăng trưởng năm 2022 và 2023 đều ở mức 3,7%. Nga tiếp tục tăng trưởng âm (-2,3%).
Tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu năm 2022 ước đạt 3,5%, sẽ giảm mạnh xuống còn 1% vào năm 2023. IMF cảnh báo, việc kinh tế thế giới bị phân mảnh thành các khối địa chính trị với các tiêu chuẩn về thương mại và công nghệ, hệ thống thanh toán và tiền tệ, dự trữ khác nhau sẽ gây ra nhiều biến động, khiến kinh tế toàn cầu tổn thất lớn về mặt hiệu quả trong dài hạn.
Theo OECD, lạm phát của các nước G20 vào khoảng 8,2% năm 2022 và 6,6% năm 2023, tương ứng, của Đức 8,4% và 7,5%; Anh 8,8% và 5,9%; Italy 7,8% và 4,7%; Mỹ 6,2% và 3,4%; ẤnĐộ 6,7% và 5,9%; Trung Quốc 2,2% và 3,1%.
Sản lượng dầu thô của OPEC sẽ đạt 28,9 triệu thùng/ngày năm 2023. Dự báo giá dầu thô Brent sẽ tăng từ mức trung bình 94 USD/thùng trong nửa đầu năm 2023, lên 98 USD/thùng trong quý IV/2023, đạt trung bình 95 USD/thùng cho cả năm 2023.
Dự báo, năm 2023, các nền kinh tế phát triển chỉ tăng trưởng 1%. Theo đó, Mỹ tăng 1% GDP, EU và Eurozone tăng 0,3%. Trung Quốc 4,4%. Các nền kinh tế đang trỗi dậy giữ được tăng trưởng năm 2022 và 2023 đều ở mức 3,7%. Nga tiếp tục tăng trưởng âm (-2,3%). |
Ngoài ra, trong năm 2023, kinh tế thế giới cũng sẽ ghi nhận một số động thái mới, như tâm lý người tiêu dùng toàn cầu, đặc biệt là ở nhóm các nước phát triển, xuống thấp; nhiều ngành sản xuất tiến tới cắt giảm sản lượng, thu hẹp sản xuất, sa thải lao động và chuẩn bị cho giai đoạn suy thoái toàn cầu lan rộng. Các vụ vỡ nợ doanh nghiệp hiện hữu, làm giảm triển vọng hồi phục kinh tế do các chính sách tài khóa và tiền tệ thắt chặt. Vòng xoáy của một cuộc khủng hoảng kép - khủng hoảng nợ và khủng hoảng phát triển - đang khiến nhiều quốc gia cả phát triển và đang phát triển lún sâu vào nợ nần với nguy cơ vỡ nợ lan rộng.
Triển vọng FDI toàn cầu năm 2023 khá ảm đạm do nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế và địa chính trị đang diễn ra. Các điều kiện tài chính thắt chặt và sự không chắc chắn của nhà đầu tư tăng cao. Các lĩnh vực như năng lượng, môi trường, lương thực và hoạt động M&A vẫn có nhiều tiềm năng thu hút lượng đầu tư lớn trong tương lai.
Các Ngân hàng trung ương dẫn đầu bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đang và sẽ tiếp tục ưu tiên cuộc chiến chống lạm phát. Năm 2023, Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất USD lên mức “kịch kim” là 4,6%. Hầu hết các Ngân hàng trung ương tại EU được cho là sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong suốt năm 2023. Do đó, lãi suất ngắn hạn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian dự báo.
Đặc biệt, sự phối hợp đa phương giữa các nền kinh tế lớn vắng bóng trong năm 2022 và có thể sẽ còn tiếp tục kéo dài trong các năm tiếp theo.
Theo IMF, các điều kiện tài chính thắt chặt hơn gây ra tình trạng khó khăn về nợ ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Việc tăng chi phí đi vay do các NHTW tăng lãi suất sẽ tạo áp lực lên dự trữ quốc tế, gây thiệt hại cho các nền kinh tế có nợ ròng bằng USD và mức nợ công cao, đồng nghĩa với việc ít dư địa hơn cho hỗ trợ chính sách tài khóa. Chi phí lãi vay nợ chính phủ tiếp tục tăng, làm gia tăng áp lực thanh khoản trước mắt.
Môi trường kinh tế vĩ mô đầy thách thức cũng đang gây áp lực lên khu vực doanh nghiệp toàn cầu. Các công ty lớn đã báo cáo tỷ suất lợi nhuận bị thu hẹp và các doanh nghiệp nhỏ đang gia tăng tình trạng phá sản do chi phí vay tăng và hỗ trợ tài chính giảm. Các công ty dựa vào thị trường tài chính có đòn bẩy đang phải đối mặt với các điều khoản và tiêu chuẩn cho vay chặt chẽ hơn trong bối cảnh tăng trưởng đầy thách thức. Chất lượng tín dụng của những tài sản này có thể bị ảnh hưởng trong thời kỳ suy thoái kinh tế, với tác động lan tỏa tiềm tàng đến nền kinh tế vĩ mô.
Nhìn chung, năm 2022 ghi nhận kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu liên tục giảm và viễn cảnh thực tế bước sang năm 2023 còn có thể bi quan hơn. Các thách thức đa chiều đang dần định hình với tăng trưởng kinh tế và việc làm thấp, lạm phát gia tăng, mất ổn định an ninh lương thực và năng lượng, trở ngại trong tích lũy vốn, lao động và biến đổi khí hậu. Chi phí sinh hoạt tăng phi mã đi kèm việc thắt chặt các điều kiện tài chính đang diễn ra ở hầu hết các khu vực trong khi các lựa chọn chính sách hỗ trợ của chính phủ ngày càng thu hẹp...