Ikigai đang dần trở thành một từ thông dụng khi nhiều người Nhật muốn tìm kiếm sự phát triển cá nhân trong công việc. (Nguồn: Japan Times) |
Đề cao sự phát triển cá nhân
Gần đây, Nhật Bản đang ở giữa mùa cao điểm tuyển dụng. Sinh viên mới tốt nghiệp ồ ạt gia nhập các công ty sau khi “đổ mồ hôi” qua những vòng xin việc.
Mặc dù Covid-19 đã khiến nhiều công ty phải thu nhỏ quy mô hoặc chuyển sang hoạt động trực tuyến, nhưng một mục tiêu vẫn được các doanh nghiệp xem trọng chính là sự cống hiến trọn đời của nhân viên.
Đổi lại, nhân viên sẽ có được sự đảm bảo về công việc, mức lương cũng như địa vị tăng lên theo thâm niên và được hưởng những thành công mà công ty gặt hái được.
Nhưng mô hình đã tạo nên nền tảng cho sự phát triển kinh tế của Nhật Bản này đang dần bị xói mòn.
Các nhà tuyển dụng đã ngừng áp dụng hệ thống này trong nhiều năm bởi họ cho rằng, tính linh hoạt cao hơn sẽ cải thiện khả năng cạnh tranh và dễ dàng thu hút nhân tài.
Đối với nhiều người, quyền tự chủ đối với sự nghiệp quan trọng hơn thời gian và địa điểm họ làm việc. Ikigai, hay mục đích sống, đã dần trở thành một từ thông dụng.
Nhiều người đang ưu tiên gia đình, trong khi những người khác đang tìm kiếm công việc phụ phù hợp hơn với sở thích.
Đây chính là điều mà các công ty Nhật Bản đang dần phải thích nghi trong một xã hội đang ngày càng đề cao sự phát triển của cá nhân này.
Sự thức tỉnh lớn
Mặc dù Nhật Bản vẫn chưa trải qua “cuộc đại nghỉ việc” theo kiểu Mỹ, nhưng gần 9 triệu người lao động đang cân nhắc đến việc tìm kiếm cho mình một công việc mới và càng nhiều người quyết định “nhảy tàu”.
Đây là một bước đi mạo hiểm và có phần bất thường ở Nhật Bản, đặc biệt đối với độ tuổi 40 đến 60, là bộ phận lao động đã có gia đình và công việc ổn định.
Theo một nghiên cứu của Viện Recruit Works, đối với lớp nhân viên trẻ, tỷ lệ nghỉ việc tại các công ty lớn đã tăng lên 26,5% so với 20,5% 8 năm trước.
Một số người thậm chí đang rời khỏi trung tâm đô thị của Nhật Bản để đến các khu ngoại thành. Lần đầu tiên kể từ năm 1996, dân số của tỉnh Tokyo đã giảm xuống dưới 14 triệu người do sự chuyển hướng làm việc từ xa.
“Covid-19 đã gây ra một sự thức tỉnh lớn: Chúng ta có nên tiếp tục làm việc theo cách cũ không?”, Kennosuke Tanaka, giáo sư nghiên cứu nghề nghiệp tại Đại học Hosei cho biết.
"Đây là một bước ngoặt đối với thị trường lao động của Nhật Bản".
Takahiro Harada, 53 tuổi, là một trong số những người đã có bước nhảy vọt. Ông đã quyết định nghỉ hưu sớm vào năm ngoái tại công ty quảng cáo Dentsu để bắt đầu công việc cố vấn kinh doanh của riêng mình.
“Lần đầu tiên, tôi thực sự nghĩ về con người mình. Tôi không tìm thấy nhiều mục đích trong công việc của mình.
Tôi nhận ra mình chỉ đang lựa chọn những thứ mà công ty đưa ra chứ không thực sự làm những gì tôi muốn”.
Thế hệ trẻ năng động không muốn làm những công việc mà họ thấy không phù hợp với cá tính của bản thân, ngay cả khi đó là những tập đoàn lớn. (Nguồn: Japan Times) |
Tự lựa chọn tương lai
Trong một cuộc khảo sát của công ty bảo hiểm Sompo Holdings, 44% người được hỏi cho biết ưu tiên công việc của họ đã thay đổi trong thời kỳ đại dịch.
Họ quan tâm đến những giá trị cao hơn như thời gian rảnh, mục tiêu gia đình và sự nghiệp. Sự thay đổi đặc biệt rõ nét ở những người lao động trẻ tuổi.
Người lao động ngày càng đặt mục tiêu của bản thân lên trên mục tiêu của công ty. Nếu họ không nhìn thấy một tương lai hấp dẫn ở một vị trí, họ sẵn sàng nghỉ việc ngay cả ở các tập đoàn hàng đầu.
Sự lựa chọn sẽ nghiêng về các công ty khởi nghiệp nhiều hơn vì đó là những nơi thú vị và nhiều tiềm năng phát triển.
Rikako Furumoto, nữ sinh viên đại học 21 tuổi, nói rằng mặc dù muốn đầu quân cho một công ty lớn và danh tiếng, nhưng “nếu công việc không phải là thứ tôi thích, tôi sẽ bỏ việc và tìm việc khác”.
Các công ty đang bắt đầu “đại tu” hệ thống tuyển dụng và nhân sự để thu hút nhân tài trong bối cảnh lực lượng lao động Nhật Bản đang ngày càng thu hẹp do dân số già đi nhanh chóng.
Một số doanh nghiệp đang chuyển từ mô hình công ty “thành viên” truyền thống, trong đó nhân viên về cơ bản thuộc sở hữu của công ty và được điều chuyển từ vị trí này sang vị trí khác mà không cần tham vấn nhiều, sang mô hình “tự định hướng” liên kết nhân viên với chuyên môn cụ thể.
Điều này mang lại cho nhân viên vai trò chủ động và tích cực hơn trong việc xây dựng sự nghiệp của mình.
Masato Arisawa, trưởng bộ phận nhân sự của công ty nước trái cây Kagome, cho biết: “Chúng ta đã bước vào thời đại mà các cá nhân có thể lựa chọn tương lai của mình.
Chúng tôi tập trung nhiều hơn vào việc thu hút nhân tài hơn là giữ chân họ”.
Việc trao cho nhân viên nhiều quyền tự chủ hơn có thể nâng mức độ gắn bó với doanh nghiệp vốn đang ở mức thấp trong lịch sử Nhật Bản.
Báo cáo Tình trạng làm việc toàn cầu năm 2021 của Gallup cho thấy, chỉ 5% người lao động Nhật Bản cho biết họ cảm thấy nhiệt tình với công việc, con số này thuộc diện thấp nhất trên thế giới.
Ông Tomoe Ueyama, cựu nhân viên tập đoàn Sony cho biết nhiều nhân viên cảm thấy bế tắc trong cuộc sống. Một số lo lắng rằng hệ thống an sinh xã hội sẽ không đủ nguồn lực để trợ cấp cho họ khi nghỉ hưu.
Bà Ueyama, một trong người những tham gia khảo sát, nói rằng đại dịch đã tạo ra những thay đổi tích cực trong văn hóa làm việc của Nhật Bản.
“Ngay cả khi nó diễn ra chậm rãi, nhưng Nhật Bản đang tiến tới một xã hội nơi mọi người có thể gây xây dựng một cuộc sống có mục đích hơn.
Các doanh nghiệp nên nhận ra rằng sự sáng tạo và linh hoạt là yếu tố quan trọng để không bị tụt lại trong một thị trường lao động đầy bận rộn hiện nay”.
| Cơ hội tìm việc làm cho người Việt Nam tại Nhật Bản Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản sẽ tổ chức VYSA JOB FAIR 2022 - Hội chợ việc làm miễn phí cho ... |
| Nikkei Asia: Việt Nam là thị trường quan trọng của tập đoàn bán lẻ Nhật Bản Tờ Nikkei Asia vừa có bài phân tích về chiến lược đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn bán lẻ Nhật Bản, trong ... |