Triều Tiên phóng hai tên lửa hành trình về phía biển Hoàng Hải hôm 17/8/2022. (Nguồn: AFP) |
Theo tờ báo, việc chuyển sang nhiên liệu rắn là một trong những thành tựu chính vì điều đó khiến hoạt động giám sát của vệ tinh trở nên phức tạp hơn. Các thùng nhiên liệu lỏng mất nhiều thời gian hơn để nạp đầy, cho phép vệ tinh phát hiện các hoạt động chuẩn bị phóng.
Ngoài ra, không thể cất giữ tên lửa nhiên liệu lỏng trong thời gian dài để sẵn sàng phóng sau khi nạp đầy thùng chứa. Trong khi đó, các tên lửa nhiên liệu rắn có thể được phóng đi bất ngờ.
Ngoài ra, Triều Tiên đã phát triển công nghệ cho phép tên lửa bay lượn cơ động, khiến chúng khó bị đánh chặn hơn. Trước năm 2017, tất cả các tên lửa đều bay theo quỹ đạo parabol, nhưng 40% trong số chúng bay theo quỹ đạo phức tạp hơn sau năm 2019, thay đổi độ cao trong khi bay và đôi khi lượn sang trái hoặc phải.
Trong nửa đầu năm 2022, Triều Tiên đã phóng ít nhất 28 tên lửa, một con số cao kỷ lục trong vòng 6 tháng, vượt kỷ lục 25 lần phóng vào năm 2019.
Một số ước tính cho thấy Triều Tiên đã chi khoảng 2% GDP cho các vụ phóng trong năm nay.
Giới phân tích cho rằng Triều Tiên đang phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật. Theo Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, Bình Nhưỡng có thể sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 7 trong quá trình phát triển này.