📞

Triều Tiên kêu gọi Mỹ dỡ bỏ trừng phạt, rút THAAD khỏi Hàn Quốc

15:03 | 04/05/2018
Triều Tiên ngày 3/5 đã hối thúc Seoul và Washington dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, rút Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ra khỏi lãnh thổ Hàn Quốc. 

Những đề nghị trên được đưa ra sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều mới đây và trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều. 

Nhật báo Rodong Sinmun của Triều Tiên đăng bài viết trong đó có đoạn bày tỏ sự hoài nghi của Bình Nhưỡng đối với thiện chí tổ chức đối thoại của Mỹ, đồng thời chỉ trích những ý đồ của Washington đối với hoạt động nhân quyền có thể cản trở xu hướng đối thoại và hòa bình. Trong khi đó, trang tuyên truyền Uriminzokkiri chỉ trích phát biểu của giới chức Mỹ ủng hộ việc duy trì sức ép tối đa đối với Triều Tiên. 

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). (Nguồn: Reuters)

Truyền thông nhà nước Triều Tiên cũng cho rằng "không còn bất cứ sự biện minh hay lý do nào" cho sự hiện diện của THAAD tại Hàn Quốc. Tờ Meari cho rằng việc triển khai THAAD là hành động nhằm chống lại mối quan hệ liên Triều và do đó cần phải lập tức rút THAAD khỏi Hàn Quốc. 

Hàn Quốc trước đó thông báo đã hoàn tất việc triển khai hệ thống THAAD tại thị trấn Seongju, tỉnh Bắc Gyeongsang, cách thủ đô Seoul khoảng 210 km về phía Nam Hàn Quốc, nhằm chống các mối đe dọa tiềm tàng từ Triều Tiên sau khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 được xem là mạnh nhất từ trước đến nay với tuyên bố đó là bom nhiệt hạch (bom H) có thể gắn vào tên lửa.

Theo các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, hệ thống radar của THAAD được triển khai tại Hàn Quốc có thể phát hiện các mối đe dọa tên lửa từ tầm xa tới 1.000 km. Cụm radar X-band đặt trên mặt đất của THAAD này có thể phát hiện, phân loại và nhận dạng các mối đe dọa của tên lửa đang được bắn tới trong tầm 1.000 km. Ngoài ra, THAAD có thể đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung cả bên trong và bên ngoài tầng khí quyển, có thể được vận hành chung với các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo khác, có tính cơ động cao và có thể triển khai tại khắp nơi trên thế giới.

(theo CNN)