📞

Triều Tiên-Malaysia cắt quan hệ ngoại giao: Có chăng bất ngờ?

Lưu Huỳnh 08:46 | 23/03/2021
TGVN. Xét về bối cảnh quan hệ, hành xử quá khứ, mục tiêu chính sách và lợi ích song phương, việc Triều Tiên và Malaysia ‘dứt tình’ không thực sự bất ngờ.

Ngày 19/3, Triều Tiên và Malaysia đã cắt quan hệ ngoại giao sau khi hai bên căng thẳng về việc Kuala Lumpur quyết dẫn độ một công dân Triều Tiên, doanh nhân Mun Chol-myong, sang Mỹ ngày 20/3 với cáo buộc rửa tiền, vi phạm nghị quyết của Liên hợp quốc về cung cấp nguyên liệu cấm cho Triều Tiên qua Malaysia và Singapore.

Đáp lại, Kuala Lumpur ra lệnh cho cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Triều Tiên phải rời nước này trong 48 giờ. Đến ngày 21/3, những nhà ngoại giao Triều Tiên cuối cùng và thân nhân đã rời Kuala Lumpur.

Tuy nhiên, xét cho cùng, việc Triều Tiên và Malaysia ‘dứt tình’, không quá bất ngờ vì một số lý do sau.

Đại sứ quán Triều Tiên tại Malaysia được niêm phong sau khi các quan chức Triều Tiên và thân nhân rời đi ngày 21/3. (Nguồn: Getty Images)

Thứ nhất, quan hệ song phương đã rạn nứt sau cái chết của ông Kim Jong-nam, anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur năm 2017. Trước đó, nhiều báo cáo từng nghi ngờ Malaysia đã trở thành điểm trung chuyển vũ khí bất hợp pháp và rửa tiền của Triều Tiên.

Vì thế, cái chết được sắp xếp của ông Kim Jong-nam đã minh chứng cho sự tồn tại của mạng lưới tình báo Triều Tiên tại đây và Kuala Lumpur không thích điều này.

Sau sự kiện này, Đại sứ quán Malaysia tại Triều Tiên chỉ hoạt động cầm chừng và duy trì nhân sự tối thiểu.

Thứ hai, trong quá khứ, Triều Tiên thường xuyên sử dụng ngôn từ mạnh, đe dọa cắt đứt quan hệ khi lợi ích bị ảnh hưởng dù là nhỏ nhất.

Bình Nhưỡng không muốn thấy công dân bị dẫn độ sang Mỹ và phản ứng gay gắt của chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un là có thể dự đoán được.

Tuy nhiên, điểm thú vị lần này là cách Triều Tiên, thông qua việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Malaysia, gửi lời tới Mỹ.

Phát biểu trước khi rời Kuala Lumpur, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Triều Tiên Kim Yu-song đã chỉ trích Malaysia “quỵ lụy” Mỹ, cho rằng Washington gây tổn hại tới “chủ quyền, quyền được tồn tại và phát triển”.

Chính quyền ông Kim Jong-un muốn khẳng định rằng sẽ không nhượng bộ Washington, dù là dưới thời ông Donald Trump hay ông Joe Biden.

Thứ ba, khi sóng yên bể lặng, không loại trừ khả năng hai bên sẽ nối lại bang giao thời gian tới.

Về lợi ích, quan hệ song phương mang nhiều trái ngọt cho cả Triều Tiên lẫn Malaysia. Kuala Lumpur từng là một trong những đồng minh thân cận nhất của Bình Nhưỡng tại Đông Nam Á.

Thậm chí, năm 2017, Triều Tiên đã cho phép người dân Malaysia có thể xin visa không báo trước, đặc quyền chỉ dành cho ba quốc gia trên thế giới.

Ngoài ra, ước tính có hơn 1.000 người Triều Tiên sống tại Malaysia. Vì vậy, có thể nói Malaysia là cánh cửa ra thế giới với Triều Tiên.

Đổi lại, quan hệ đặc biệt với Bình Nhưỡng cho phép Kuala Lumpur đóng vai trò trung gian hòa giải. Trước đó, Malaysia từng nhiều lần đứng ra tổ chức các cuộc đối thoại chính thức lẫn không chính thức giữa các quan chức ngoại giao Triều Tiên và Mỹ, qua đó nâng cao vị thế quốc tế.

Về mặt ngoại giao, việc Bình Nhưỡng cắt quan hệ với Kuala Lumpur không tác động nhiều với Triều Tiên, và chẳng làm suy chuyển nỗ lực tránh cấm vận được triển khai không chỉ tại Malaysia.

Phía Malaysia cũng hiểu hành động cắt đứt quan hệ là phù hợp với hành xử của Triều Tiên và với Kuala Lumpur, đó chỉ đơn giản là cách Bình Nhưỡng làm ngoại giao mà thôi.

(theo The Intepreter)