Nhỏ Bình thường Lớn

Ninh Bình phát huy lợi thế và tiềm năng để thúc đẩy du lịch

Ninh Bình là vùng đất địa linh, nhân kiệt có truyền thống, lịch sử văn hóa lâu đời. Nằm ở phía Nam vùng đồng bằng sông Hồng, cách thủ đô Hà Nội khoảng 90km, với vị trí địa lý thuận lợi Ninh Bình trở thành cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế - thương mại - du lịch và văn hóa giữa hai miền Nam Bắc.

Không chỉ được tạo hóa ưu ái, ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú, độc đáo và hấp dẫn như: Danh thắng Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, Vườn quốc gia Cúc Phương, khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long… Ninh Bình còn có nhiều di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt quan trọng, đánh dấu những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam như: khu di tích, lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, dấu ấn của Hành cung Vũ Lâm, đền Thái Vi, chùa Bái Đính,…; cùng nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc với các lễ hội dân gian, nghề thủ công và nghệ thuật truyền thống độc đáo, ẩm thực phong phú,… Phát huy những tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch, trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng sự nỗ lực không ngừng của các ban, ngành, đoàn thể liên quan, du lịch tỉnh Ninh Bình đã có những bước phát triển mạnh mẽ.

Thủy Đình - Di sản VH&TBTG Quần thể danh thắng Tràng An.
Thủy Đình - Di sản VH&TBTG Quần thể danh thắng Tràng An.

Công tác quản lý Nhà nước về du lịch từng bước được kiện toàn và hoạt động hiệu quả; Công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Cơ sở hạ tầng, vật chất phục vụ du lịch được quan tâm đầu tư nâng cấp, xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho khách đến tham quan du lịch. Cụ thể, giai đoạn 2010-2020, nhiều dự án, công trình về du lịch với số vốn hàng ngàn tỷ đồng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, tiêu biểu như: Dự án xây dựng hạ tầng khu du lịch sinh thái Tràng An; Dự án tu bổ tôn tạo di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư; Dự án xây dựng quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế tại TP.Ninh Bình; Dự án nạo vét, xây kè bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê; Dự án nâng cấp tuyến đê hữu Hoàng Long và đê sông Đáy kết hợp giao thông đoạn đường từ Cúc Phương - Chùa Bái Đính đi Kim Sơn phục vụ du lịch;… Cùng với đó, tỉnh đã khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư, đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách vào lĩnh vực dịch vụ du lịch, với số vốn hàng chục ngàn tỷ đồng; trong đó có nhiều điểm du lịch, khách sạn cao cấp được đầu tư hoàn thiện, đúng tiến độ và đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch có hiệu quả, tiêu biểu như: Khu nghỉ dưỡng Emeralda, khách sạn Hoàng Sơn - Peace, khách sạn Legend; các cơ sở vui chơi giải trí, mua sắm như: sân golf Hoàng Gia, sân golf Tràng An, siêu thị Big C, phố đi bộ trung tâm,…

Tuần Du lịch sắc vàng Tam Cốc TA.
Tuần Du lịch sắc vàng Tam Cốc TA.

Với nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc, phong phú và đa dạng, trong thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã từng bước đầu tư khai thác và hình thành các sản phẩm du lịch có lợi thế, bao gồm: du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh; du lịch tham quan thắng cảnh thiên nhiên; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, ngành Du lịch đã phối kết hợp với các địa phương, doanh nghiệp tích cực, chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch: Du lịch MICE, du lịch thể thao, du lịch cộng đồng, nông thôn (gắn với nông nghiệp công nghệ cao), du lịch biển, du lịch du thuyền trên sông, du lịch vui chơi giải trí, du lịch giáo dục và đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế du lịch về đêm. Đồng thời xây dựng môi trường du lịch văn minh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong nước và quốc tế.

Các sản phẩm mới được đưa vào hoạt động trong vài năm trở lại đây, như cơ sở lưu trú du lịch cao cấp: khách sạn Legend, Hidden Charm resort, khách sạn The Reed, Cúc Phương resort and spa, khách sạn Hoàng Sơn, khách sạn Bái Đính, Thung Nham resort, Tam Coc Garden; các khu, điểm tham quan hấp dẫn: khu du lịch sinh thái Tràng An, chùa Bái Đính, vườn chim Thung Nham, sân golf Tràng An, sân golf Hoàng Gia, động An Tiêm…; các tour du lịch tham quan chùa Bái Đính về đêm, tour du ngoạn bằng trực thăng tham quan di sản Tràng An; Lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội Hoa Lư, lễ hội Tràng An,... Đặc biệt, khi Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 2014 đã tạo điểm nhấn quan trọng đưa Ninh bình trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam (nằm trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước), được nhiều chuyên trang du lịch có uy tín trong nước và quốc tế (tripadvisor, telegraph, business insider…) đánh giá và bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn, được yếu thích; từ đó tạo động lực quan trọng và điều kiện thuận lợi cho du lịch tỉnh Ninh Bình phát triển và hội nhập quốc tế.

Tràng An mùa Lễ hội (Ảnh: Xuân Lâm)
Tràng An mùa Lễ hội (Ảnh: Xuân Lâm)

Với vị trí địa lý thuận lợi, hệ thống giao thông, hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ du lịch từng bước phát triển đồng bộ, hiện đại, cùng nhiều loại hình du lịch phong phú, đa dạng, những năm qua Ninh Bình đã trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Theo đó, trong giai đoạn 2010-2019, lượng khách tham quan du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn tăng trưởng rất tốt, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12,19%/năm, trong đó tốc độ tăng trưởng bình quân lượng khách quốc tế đạt 4,07%/năm, khách du lịch nội địa đạt 12,69%/năm. Năm 2019, lượng khách du lịch đến tỉnh đạt 7,65 triệu lượt người, gấp 2,5 lần so với năm 2010. Cùng với sự gia tăng về số lượng khách du lịch, tổng doanh thu từ du lịch của tỉnh Ninh Bình có mức tăng khá cao trong giai đoạn này với mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 24,17%/năm; năm 2019 tổng doanh thu du lịch đạt 3.671 tỷ đồng, tăng gấp 6,7 lần so với năm 2010. Tuy nhiên, trong 2 năm 2020 và 2021 do tác động của đại dịch Covid-19, lượng khách du lịch đến tỉnh Ninh Bình giảm dẫn đến tổng doanh thu từ khách du lịch cũng giảm. Năm 2021, toàn tỉnh chỉ đón 1.325.000 lượt khách, doanh thu đạt 935 tỷ đồng. Trong những tháng đầu năm 2022, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ VHTT&DL về việc mở cửa đón khách du lịch, du lịch tỉnh Ninh Bình đã có tín hiệu tích cực, lượng khách đến tăng cao. Trong 4 tháng đầu năm 2022, tỉnh Ninh Bình đón trên 1 triệu lượt khách du lịch, tăng 21,38% so với cùng kỳ năm 2021.

Có thể nói, du lịch phát triển đã mang lại hiệu quả về nhiều mặt: có những đóng góp không nhỏ trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh, bước đầu tạo được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tăng tỷ trọng khối dịch vụ, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển; đồng thời còn góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, tài nguyên và môi trường cũng như nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư.

Trong bối cảnh và xu hướng phát triển mới với những cơ hội và thách thức đan xen, đặc biệt cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và gần đây nhất là tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch, cùng với yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo chủ trương, định hướng phát triển du lịch của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 về phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045. Theo đó, mục tiêu tạo bước đột phá phát triển toàn diện các loại hình, sản phẩm dịch vụ du lịch cả về phạm vi, quy mô và chất lượng dịch vụ, đảm bảo hiệu quả, bền vững. Đến năm 2030, phấn đấu đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; phát triển hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng, có sức cạnh tranh và mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất, con người Cố đô Hoa Lư; xây dựng Ninh Bình trở thành điểm đến “An toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn”. Đến năm 2045, phấn đấu đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch lớn, nằm trong nhóm 10 điểm đến du lịch hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đóng góp 10% GRDP.

Vì một thành phố Ninh Bình phát triển toàn diện

Vì một thành phố Ninh Bình phát triển toàn diện

Ngày 31/10/2017, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXI ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU về phát triển thành phố Ninh Bình đến năm ...

Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Ninh Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Ninh Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Sáng ngày 21/6/2022, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ninh Bình tổ chức trọng ...