📞

Trò chuyện với MC Lê Anh - trưởng Đoàn Việt Nam tham dự SSEAYP 2016

06:00 | 20/10/2016
Đang chuẩn bị ở giai đoạn "nước rút" cho hành trình 52 ngày đêm sắp diễn ra của Tàu Thanh niên Đông Nam Á & Nhật Bản (SSEAYP), trưởng đoàn Việt Nam năm nay – Thạc sĩ. MC Trịnh Lê Anh đã dành thời gian trò chuyện với TG&VN.
Thạc sĩ, MC Trịnh Lê Anh sẽ là trưởng đoàn của Việt Nam  trong chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á & Nhật Bản 2016

Tàu Thanh niên Đông Nam Á & Nhật Bản (SSEAYP) là một trong những hoạt động ngoại giao lớn và có tầm ảnh hưởng sâu rộng của thanh niên Việt Nam, được sự quan tâm của chính phủ Nhật Bản và các nước thành viên Asean. Anh có thể chia sẻ về hoạt động trong chuyến đi lần thứ 43 này?

Đây là một hoạt động đối ngoại rất có ý nghĩa và quy mô bậc nhất của thanh niên Việt Nam diễn ra thường niên. Chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á & Nhật Bản (SSEAYP) đến nay là lần thứ 43, đã ngót nửa thế kỷ! Việt Nam tham gia từ năm 1996 và đến nay là lần tham dự thứ 20.

SSEAYP là chương trình giao lưu hữu nghị do sáng kiến của Nhật Bản và một số nước ASEAN với mục đích kết nối, gia tăng sự tương tác giữa các lãnh đạo trẻ của các quốc gia trong khu vực với độ tuổi dưới 30. Mỗi nước sẽ cử một trưởng đoàn (với chức danh lãnh đạo quốc gia) và 28 thanh niên (14 nam, 14 nữ) xuất sắc ở nhiều lĩnh vực tham gia hành trình.

Có thể nói SSEAYP được nhắc đến với hình ảnh một con tàu trắng mang tên Nippon Maru cùng hơn 300 thanh niên trong một hải trình 52 ngày đêm (năm nay từ 25/10-15/12). Đầu tiên, tất cả các đoàn đại biểu thanh niên sẽ tập trung tại Nhật và tham dự chương trình tại đây. Sau đó sẽ là lễ “mở tàu” để khởi hành chuỗi ngày lênh đênh trên đại dương, cập bến một số quốc gia trong khu vực. Năm nay, chương trình sẽ đi qua Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Indonesia…

Hoạt động giao lưu trên tàu có gì nổi bật, thưa anh?

SSEAYP có sự phối hợp giữa hoạt động trên tàu và hoạt động tại đất liền. Mỗi nước sẽ chủ động một chương trình để đón tiếp Tàu Thanh niên Đông Nam Á & Nhật Bản. Năm nay, Việt Nam sẽ đón tiếp đoàn từ ngày 11/11 đến 14/11.

Các bạn trẻ của 11 nước sẽ có rất nhiều ngày tháng lênh đênh trên biển, cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt, cùng tham gia các hoạt động. Chương trình của toàn đoàn ở trên tàu rất khoa học, liên tục được cải thiện qua các năm nên đạt được tính ưu việt tối đa, tạo cơ hội cho các bạn thanh niên kết nối và chia sẻ với nhau, được chơi, được học, được nói chuyện, được ở cùng nhau.

Về thảo luận, các bạn sẽ được tham gia 8 chủ đề trong năm nay để cùng tham góp thông điệp với thế giới, khu vực và với đất nước mình. Về triển lãm và hoạt động câu lạc bộ, mỗi đoàn có thể mang lên tàu những thứ có thể giới thiệu được nhiều nhất về thành tựu, văn hóa, lịch sử, con người của đất nước mình.

Hoạt động thứ ba là các đêm văn hóa. 28 thanh niên của mỗi nước sẽ phải triển khai một chương trình biểu diễn nghệ thuật với chủ đề giới thiệu đất nước mình cho mọi người xem. Thực sự đây là cơ hội để cho các bạn thanh niên được sống, được trải nghiệm văn hóa, được chia sẻ với nhau rất hiệu quả.

SSEAYP là hoạt động giao lưu văn hóa không chỉ nhằm quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam năng động, hội nhập, phát triển tới cộng đồng quốc tế mà còn góp phần thắt chặt mối quan hệ hữu nghị gắn bó và bền vững giữa Việt Nam – ASEAN, ASEAN – Nhật Bản và Việt Nam – Nhật Bản. Vậy trong năm nay đoàn Việt Nam sẽ có những hoạt động gì tại các quốc gia điểm đến của tàu, thưa anh?

Cũng như các đoàn khác thì đoàn Việt Nam sẽ cập bến ở một số nước trong hành trình và được các nước đó đón tiếp. Lúc này đoàn Việt Nam sẽ không hoạt động với tư cách toàn đoàn. Đoàn của mỗi nước sẽ được tách ra nhiều nhóm tham gia chung với thanh niên các nước bạn.

Những lúc như vậy, khả năng làm việc độc lập của thanh niên rất quan trọng. Bạn trẻ đó sẽ phải đại diện cho cả đất nước Việt Nam để thể hiện màu cờ sắc áo của nước mình. Khả năng của các bạn thanh niên sẽ được phát huy tối đa như biểu diễn hay thuyết trình.

Các nước đón tàu đều sẽ tổ chức chương trình ở nhà dân (home stay). Các bạn thanh niên sẽ được phân bổ đi ở nhà dân trong 3 ngày 2 đêm để trải nghiệm gần gũi về đất nước, con người và văn hóa của nước sở tại.

Trưởng Đoàn và 28 bạn trẻ ưu tú của Việt Nam sẽ tham gia chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á & Nhật Bản từ ngày  25/10-15/12.

Qua những hoạt động đó thì Đoàn Việt Nam sẽ quảng bá hình ảnh của đất nước mình như thế nào?

Đoàn Việt Nam cũng như các đoàn khác đều cố gắng trong mọi hoạt động của mình làm sao để giới thiệu được nhiều nhất hình ảnh đất nước, con người đối với bạn bè quốc tế.

Năm nay Việt Nam chọn một chủ đề Enchanting Vietnam (Việt Nam quyến rũ) để thể hiện trong các chương trình biểu diễn cũng như triển lãm, câu lạc bộ. Thông qua những biểu tượng có tính văn hóa cao được lựa chọn, chúng tôi sẽ triển khai các hoạt động dựa trên concept chung của chương trình. Ví dụ, chúng tôi chọn nón lá, một biểu tượng của Việt Nam, nhưng nón lá đã được nhân cách hóa. Chúng tôi vẽ lên nón lá những mặt cười, những sắc thái của con người Việt Nam, qua đó để kể những câu chuyện về đất nước mình với bộ ảnh “Việt Nam của Nón”.

Tương tự như vậy, chúng tôi còn có nhiều sản phẩm văn hóa khác để thể hiện một tinh thần Việt Nam trẻ trung, năng động, hội nhập văn hóa như bài hát chủ đề do đoàn tự sáng tác, các mẫu trang phục truyền thống của dân tộc...

Năm nay đoàn có rất nhiều trang phục đẹp, chuyên nghiệp thể hiện được màu sắc quốc gia. Tôi cho rằng hình ảnh rất quan trọng, bởi qua đó sẽ cho thấy tâm thế đất nước và tinh thần của thanh niên!

Là một người công tác thanh niên trong nhiều năm, lại là một giảng viên đại học, có thể nói anh khá gần gũi với các bạn trẻ. Cách đây 8 năm anh cũng là cựu thành viên của chương trình SSEAYP với tư cách là trưởng đoàn thanh niên. Bây giờ, anh lại là trưởng đoàn đại biểu của Việt Nam đến với chương trình này. Vậy anh có thể chia sẻ thế mạnh và điểm yếu của thanh niên Việt Nam khi tham gia những diễn đàn quốc tế?

Về thế mạnh, khi tham gia các diễn đàn quốc tế, tôi quan sát và thấy rằng mỗi năm thanh niên Việt Nam lại hội nhập tốt hơn với thế giới. Đó là tín hiệu mừng, họ đã có những thế mạnh về ngôn ngữ và ngoại ngữ tốt. Tinh thần các bạn trẻ cởi mở, thoáng đạt hơn, tâm thế tự tin hơn, giao tiếp cơ bản cũng tốt hơn, không còn e dè, sợ sệt hay ngại ngùng như hàng chục năm trước đây nữa.

Bản thân mỗi thanh niên Việt Nam tham gia SSEAYP cũng giỏi giang hơn, đa tài hơn, biết chơi nhạc cụ, hiểu biết về văn hóa sâu rộng hơn. Qua internet và thông tin đại chúng, các bạn cập nhật tình hình thế giới nhiều hơn, có tư duy xa và rộng hơn.

Bên cạnh đó, thì vẫn còn tồn tại những điểm yếu, cần có thời gian cải thiện nhưng vẫn mong muốn các bạn thanh niên nên ý thức và sửa sớm. Tôi thấy kỷ luật của thanh niên Việt Nam chưa được tốt lắm, vẫn mắc lỗi về tính nghiêm túc trong các cam kết, giờ giấc…

Ngoài ra thì tính co cụm vẫn còn tồn tại. Là người Việt Nam nên các bạn vẫn có xu hướng muốn được nhóm họp, nói chuyện với các bạn Việt Nam, ngồi ăn uống với người Việt Nam, ít chủ động giao lưu với các bạn quốc tế. Đó là hai điểm yếu mà tôi thấy khá rõ ràng.

Năm nay tôi cũng đã có những nỗ lực nhất định để giúp các bạn thay đổi nhiều hơn về nhận thức dẫn đến hành động. Có thể nói chất lượng tuyển chọn các bạn vào hành trình ngày càng cao. Hàng ngàn hồ sơ mới chọn được 28 người, bản thân các bạn rất xuất sắc không cần phải có giải pháp gì quá mạnh mẽ, đôi khi chỉ là một chút vấn đề về nhận thức thôi. Thực sự tôi rất hy vọng và tự hào về các bạn thanh niên của đoàn Việt Nam tham gia SSEAYP năm nay!

Trân trọng cảm ơn anh.

SSEAYP là hoạt động ra đời theo thỏa thuận hợp tác giữa Nhật Bản và 5 nước sáng lập ASEAN năm 1974. Đây là chương trình giao lưu văn hóa thường niên được tổ chức hàng năm bởi chính phủ Nhật Bản và 10 quốc gia ASEAN bao gồm Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Brunel, Philippines, Myanmar và Indonesia.