📞

Trụ sở Cơ quan đại diện có được cho phép người tị nạn chính trị trú ngụ?

11:00 | 25/06/2020
TGVN.Quyền bất khả xâm phạm về trụ sở có cho phép nhà ngoại giao cho phép những kẻ phạm pháp, những người xin tị nạn chính trị trú ngụ trong trụ sở Cơ quan đại diện không?    
Trụ sở Cơ quan đại diện có được cho phép người tị nạn chính trị trú ngụ?

Hiến pháp nhiều nước đảm bảo quyền tị nạn cho tất cả những ai bị lên án hoặc bị quấy rầy vì những lý do chính trị. Có nước coi là vấn đề thuộc phạm vi chủ quyền của mình.

Nhưng vấn đề thực hiện quyền trú ngụ trong các Cơ quan đại diện ngoại giao lại phức tạp hơn, vì quyền bất khả xâm phạm dành cho trụ sở Cơ quan đại diện không có mục đích gì khác ngoài việc đảm bảo cho các nhà ngoại giao thực hiện chức năng của mình một cách hoàn toàn độc lập. Chức năng này không phải để cho phép tội phạm trốn tránh sự trừng phạt. Vì vậy, trụ sở Cơ quan đại diện không thể dùng làm nơi ẩn náu cho những người vi phạm luật pháp. Bất cứ một nhà ngoại giao nào cũng không thể có lý do chính đáng để giúp bất kỳ ai thoát khỏi sự chi phối của pháp luật.

Cách làm thông thường khi xảy ra một tình huống tư tự là Bộ ngoại giao nước tiếp nhận yêu cầu nhà ngoại giao nước ngoài giao nộp cho chính quyền sở tại kẻ phạm pháp đang ẩn náu trong Cơ quan đại diện. Nếu nhà ngoại giao từ chối, trụ sở của Cơ quan đại diện có thể bị cảnh sát bao vây để tránh sự trốn thoát của tội phạm. Và Chính phủ nước tiếp nhận sẽ tiếp xúc với nước bổ nhiệm nhà ngoại giao để đạt được việc trao trả kẻ bị coi là tội phạm. Nếu Chính phủ nước này từ chối trao trả thì chính quyền nước sở tại cũng không thể dùng sức mạnh đột nhập Cơ quan đại diện để bắt tội phạm đem đi. Tuy nhiên, đối với nhà ngoại giao liên quan, tùy theo mức độ và tình hình vi phạm pháp luật, nước tiếp nhận có thể tuyên bố đó là người “không được hoan nghênh” và cao hơn có thể yêu cầu nước cử người triệu hồi.

Công ước Vienna 1961 không có điều khoản quy định về quyền trú ngụ. Tuy nhiên, ở nhiều nước châu Âu, người ta cho rằng, trụ sở Cơ quan đại diện có thể là nơi trú ngụ cho những người lánh nạn chính trị. Điều này phải được coi là đặc biệt vì đó là sự can thiệp vào một lĩnh vực thuộc thẩm quyền duy nhất của nước tiếp nhận. Tuy nhiên, cũng có một số nước chấp nhận với nhiều lý do khác, có nước cho đó là lý do nhân đạo.

Tình hình có khác ở nhiều nước châu Mỹ Latinh, tại đây trong các cuộc nổi dậy, đảo chính, các Cơ quan đại diện ngoại giao thường cho tị nạn những người đứng đầu các chính phủ bị lật đổ hoặc những lãnh tụ bị thất thế. Những người này được đón tiếp trong các Cơ quan đại diện và sau đó được cấp giấy thông hành cho đi ra nước ngoài.

Dù là với lý do gì và dù đó là điều bình thường trong các nước châu Mỹ Latinh, quan điểm của các nhà luật gia quốc tế là tập quán này không thể được khuyến khích. Nhiệm vụ của các nhà ngoại giao là bảo vệ lợi ích nước mình chứ không phải vì những lý do “nhân đạo” hay lý do nào đó để can thiệp công việc nội bộ của nước tiếp nhận.

Nếu một Trưởng Cơ quan đại diện ngoại giao gặp trường hợp phải chấp nhận yêu cầu tị nạn của một nhân vật chính trị, thông thường người này yêu cầu ngay Bộ Ngoại giao nước sở tại, trừ trường hợp mà hoàn cảnh lúc đó cho là không nên, cấp giấy thông hành cho phép người tị nạn rời trụ sở Cơ quan đại diện một cách an toàn để ra nước ngoài mà không bị cản trở.