📞

(Trực tuyến) HNNG 29: Nâng cao hiệu quả ngoại giao phục vụ phát triển

08:22 | 23/08/2016
Sáng 23/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân tới dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên thảo luận thứ 2 của Hội nghị Ngoại giao 29.

Một số hình ảnh bên lề Hội nghị.


12h30: Phiên thảo luận thứ 2 của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 khép lại.

Chiều nay (23/8), Hội nghị sẽ bước vào phiên thứ 3 với chủ đề: "Xu hướng phát triển của cục diện thế giới, khu vực trong 5 năm tới".


12h25: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh cùng các đại biểu tham dự Hội nghị. 


12h05: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh phát biểu cảm ơn và tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Thay mặt toàn thể hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gửi lời chân thành cảm ơn Thủ tướng đến dự và phát biểu chỉ đạo. Chính phủ và cá nhân Thủ tướng hết sức quan tâm đến công tác đối ngoại cũng như trực tiếp chỉ đạo công tác đối ngoại trong thời gian qua.

Bộ trưởng mong muốn, với phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng về công tác xây dựng chính phủ kiến tạo, trong đó có ngoại giao kiến tạo, Hội nghị Ngoại giao 29 sẽ quán triệt sâu sắc về nội dung chính phủ kiến tạo, ngoại giao kiến tạo, trong đó lấy chuyển đổi tư duy ngoại giao phục vụ phát triển, phục vụ công cuộc xây dựng đất nước. 

"Bên cạnh nhiệm vụ duy trì môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn ngành Ngoại giao cũng cần phải chuyển sang tư duy ngoại giao phục vụ kinh tế, phục vụ mục tiêu xây dựng đất nước phát triển theo hướng hiện đại. Thủ tướng chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ hết sức cụ thể cho Hội nghị Ngoại giao, cho các Đại sứ và Trưởng cơ quan đại diện. Như Thủ tướng nói, đó là cơ sở để đánh giá đối với các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện trong nhiệm kỳ công tác của mình, với những mục tiêu hết sức cụ thể về kinh tế. Đây đồng thời là nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao.

Ở trong nước, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với các Bộ, ngành trung ương, địa phương để công tác đối ngoại không chỉ phục vụ chung đất nước mà còn phát triển ở các địa phương. Toàn ngành Ngoại giao xin hứa, Hội nghị sẽ quán triệt các ý kiến chỉ đạo, cũng như những nhiệm vụ của Thủ tướng giao để có những biện pháp và xây dựng chương trình hành động của Hội nghị ngoại giao", Phó Thủ tướng phát biểu.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, thúc đẩy hội nhập quốc tế thì trọng tâm vẫn là Hội nhập kinh tế . Thủ tướng nhấn mạnh: “Hội nhập kinh tế vẫn là trọng tâm của ngành ngoại giao. Các lĩnh vực đối ngoại khác sẽ phục vụ cho ngoại giao kinh tế. Chúng ta đều biết, ngoại giao kinh tế theo nghĩa rộng là bao gồm cả khoa học, giáo dục, lao động, dịch vụ là các lĩnh vực rất quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước. 

Với lợi thế quan hệ gần 200 nước, 90 cơ quan đại diện, Ngoại giao Việt Nam phải nhạy cảm để dự báo dự báo tình hình thế giới, đặc biệt kinh tế, làm tốt vai trò tham mưu đột phá về kinh tế. Điều này đòi hỏi sự phối hợp hiệu quả của hơn 90 cơ quan đại diện. Đó là lợi thế mà chỉ Bộ Ngoại giao mới có.

Vì vậy Bộ Ngoại giao phải gắn bó hợp tác chặt chẽ với các địa phương, các Bộ, ngành có liên quan (Công thương, Giáo dục... ) và đặc biệt là 63 tỉnh thành cả nước. Trong đó, ngành Ngoại giao phải là nòng cốt, người đồng hành đắc lực hỗ trợ cho các địa phương. 

Đi liền với đó, bên cạnh kiến thức phẩm chất chính trị, cán bộ ngoại giao phải nắm được tình hình tình hình đất nước, mới làm được tốt công tác đối ngoại, giúp ngoại giao là trọng tâm của Hội nhập. Người cán bộ Ngoại giao phải có kiến thưc kinh tế tốt mới tham mưu tốt cho Chính phủ, Bộ ngoại giao và các Bộ, ngành địa phương.  


11h10: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Nhìn lại 30 năm đổi mới, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đã đạt được những thành công to lớn có ý nghĩa lịch sử. Việt Nam được vinh danh là một trong những quốc gia hoàn thành nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ nổi bật nhất. Nước ta đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, độ mở của nền kinh tế rất cao. Độ mở và hội nhập sâu như thế cho thấy chúng ta đã cùng sánh vai và cùng phát triển với cộng đồng quốc tế.

Những thành tựu đó có đóng góp quan trọng to lớn của ngành Ngoại giao. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng đã nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng ngành ngành Ngoại giao nhận Huy chương Sao Vàng lần thứ hai và coi đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân về sự cố gắng nỗ lực cống hiến của Ngành. 


Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn cho biết, theo đánh giá của các chuyên gia, sau khi đi vào hoạt động, Hiệp định sẽ tạo điều kiện để tăng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước thành viên EAEU từ mức 4 tỷ USD hiện nay lên mức 8-10 tỷ USD trong vài năm tiếp theo; các nhà xuất khẩu của EAEU sẽ tiết kiệm được khoảng 40 triệu USD chi phí trong năm đầu tiên và khoảng 60 triệu/năm sau khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp; các nhà sản xuất của Việt Nam cũng tiết kiệm được 10 triệu USD/năm. Không những thế, FTA cũng giúp Việt Nam đa dạng hóa các sản phẩm công nghiệp nhập khẩu từ EAEU thay vì chỉ nhập khẩu từ các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Việt Nam nhận được nhiều ưu đãi và lợi ích trong thương mại với các nước thành viên EAEU, nhất là các thị trường vừa mới gia nhập hoặc chưa gia nhập WTO như Kazakhstan và Belarus, khi mà trước đây, tại các thị trường này, hàng hóa của Việt Nam phải chịu mức thuế cao hơn so với các ưu đãi quy định trong WTO.

Thông qua FTA, các nhà sản xuất Việt Nam sẽ nhận được những lợi ích sau: Được tiếp cận ưu đãi vào thị trường EAEU với dân số hơn 200 triệu dân và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm so với sản phẩm cùng loại của các nước khác không được hưởng ưu đãi, kể cả Trung Quốc; Mở ra một thị trường mới để cung cấp và bán các sản phẩm như áo jacket, áo gió, giày thể thao đến người tiêu dùng cuối cùng; Mở ra cơ hội mới để các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp của Liên bang Nga hợp tác đầu tư vào các dự án liên doanh trên lãnh thổ của nhau, đặc biệt trong các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh, như công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến hàng nông sản của Việt Nam, công nghiệp nặng, năng lượng... của Liên bang Nga.

Việc Việt Nam cắt giảm thuế quan có lộ trình đối với một số sản phẩm nông nghiệp như lúa mì, bơ, sữa và sản phẩm bơ, sữa, một số sản phẩm công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải... sẽ góp phần làm đa dạng thêm thị trường tiêu dùng trong nước. Việc cắt giảm thuế suất đối với hàng hóa Việt Nam có lợi thế cạnh tranh sẽ dẫn đến việc gia tăng nhu cầu với hàng hóa này và gia tăng việc làm trong một số ngành mà ta đang có lợi thế về lao động. Ngoài ra, khả năng thu hút đầu tư trong một số ngành công nghiệp như năng lượng, chế tạo máy, hóa chất... sẽ góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động trong tương lai.

“Tóm lại, xu hướng phát triển kinh tế của Liên bang Nga và thị trường của Liên minh Kinh tế Á – Âu mở ra cho các doanh nghiệp chúng ta những triển vọng hết sức tốt đẹp một cách thực tế chứ không phải trên giấy. Tôi hy vọng trong thời gian tới, với sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ,ngành, các doanh nghiệp của chúng ta sẽ mạnh dạn vào thị trường này để gặt hái những thành công to lớn”, Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ.


10h55: Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Nguyễn Thanh Sơn phát biểu, Việt Nam luôn được Lãnh đạo LB Nga coi là ưu tiên trong chính sách đối ngoại ở châu Á - Thái Bình Dương, ủng hộ việc tiếp tục tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Phía Nga thể hiện tình cảm đặc biệt đối với mối quan hệ với Việt Nam và hai bên đều cho rằng còn nhiều cơ hội để thúc đẩy quan hệ về kinh tế, đặc biệt sau khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) được ký ngày 29/5/2015 tại Kazakhstan.

Xét về phương diện hợp tác kinh tế, thương mại, FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN-EAEU FTA) sẽ đem lại những lợi ích quan trọng cho Việt Nam. Cụ thể, FTA sẽ góp phần thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với các nước EAEU, góp phần thay đổi cơ cấu xuất nhập khẩu song phương, đặc biệt là với Liên bang Nga. 

Theo Hiệp định, ngay sau khi có hiệu lực, khoảng gần 60% các dòng thuế đối với hàng hóa hai bên hiện đang giao dịch sẽ được xóa bỏ thuế quan; và sau 10 năm, khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp, khoảng 90% các dòng thuế sẽ được cắt giảm xuống mức 0%.


Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh trả lời phỏng vấn báo Thế giới & Việt Nam về khả năng thông qua TPP của Mỹ.


Đại sứ Phạm Quang Vinh nhận định chính quyền Obama đang tranh thủ hoàn tất TPP vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ, tuy nhiên tình hình chính trị nội bộ của Hoa Kỳ đang đặt ra nhiều khó khăn cho việc thông qua Hiệp định này.

Ông Phạm Quang Vinh cho rằng, Hoa Kỳ có những thế mạnh mà Việt Nam cần phải tranh thủ nhiều hơn, đó là khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, năng lượng sạch, giáo dục, y tế… 

Bên cạnh đó, Việt Nam cần tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ trong các lĩnh vực an ninh phi truyền thống, kết hợp quan hệ song phương và đa phương, tranh thủ tối đa vị thế của Hoa Kỳ trong các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương.


10h45: Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh phát biểu cho biết, trong thời gian qua, quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ đang có đà phát triển mạnh mẽ nhất từ trước đến nay, đặc biệt với chuyến thăm lịch sử Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 7/2015 và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama tháng 6/2016.

Đại sứ Phạm Quang Vinh nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đang có nhiều tiềm năng phát triển hơn nữa. Về kinh tế, hiện nay Hoa Kỳ là một trong những thị trường xuất khẩu có giá trị lớn nhất của Việt Nam, với các sản phẩm thế mạnh như dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy hải sản… Nếu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được hoàn tất, Việt Nam có thể tiếp tục duy trì quan hệ kinh tế - thương mại với Hoa Kỳ, đồng thời Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh lớn hơn nhiều so với các nước khác có cùng thế mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ như Sri Lanka, Bangladesh. 


Đại sứ Nguyễn Quốc Cường cho rằng, hiện hai nước còn rất nhiều tiềm năng có thể và cần tập trung khai thác tốt hơn nữa để phục vụ cho chiến lược Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa và phát triển bền vững của đất nước ta.

Về vốn và công nghệ, Nhật Bản tiếp tục cam kết duy trì ODA ở mức cao và ổn định cho Việt Nam, mỗi năm từ 2-2,5 tỷ USD, tập trung vào hầu hết các lĩnh vực thiết yếu trong nền kinh tế. Các Bộ, ngành Việt Nam cần chủ động trong làm việc với các đối tác Nhật Bản, đồng thời có thông tin cần thiết để các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể tận dụng các nguồn vay này qua hình thức PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư). Bên cạnh đó, ta còn có thể khai thác: Sáng kiến tăng cường hợp tác Nhật Bản - Mekong trị giá 750 tỷ Yen trong ba năm 2016 - 2018; Gói hỗ trợ 300 tỷ Yen trong vòng 5 năm cho các nước ASEAN trong phòng chống thiên tai…

Về chiến lược công nghiệp hóa, từ tháng 7/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định phê duyệt “Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến 2020, tầm nhìn 2030”. Chính phủ cũng đã lập Ban Chỉ đạo và Tổ công tác để lên kế hoạch hành động, thúc đẩy hợp tác với Nhật Bản trong từng lĩnh vực nêu trên. Vấn đề cốt lõi là cần kéo được các doanh nghiệp tư nhân của cả hai nước vào cùng tham gia xây dựng lộ trình, kế hoạch hành động.

Về hợp tác nông nghiệp chất lượng cao: tháng 9/2015, Bộ trưởng Nông nghiệp hai nước đã ký PPP, trước mắt thực hiện thí điểm tại một số địa phương của Việt Nam (Nghệ An, Lâm Đồng, Hà Nội …). Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang chủ động vào Việt Nam hợp tác phát triển nông nghiệp chất lượng cao: mô hình Làng thần kỳ trồng rau sạch (thu nhập mỗi hộ nông dân trên 200.000 USD/năm).

Phát triển nguồn nhân lực: mô hình giáo dục chất lượng cao như Đại học Việt - Nhật chuẩn bị khai giảng khóa cao học đầu tiên vào tháng 9/2016; sáng kiến phát triển nguồn nhân lực ASEAN trong lĩnh vực công nghiệp (đào tạo 40.000 kỹ sư có kỹ thuật thực tế và khả năng ứng dụng cao) - hiện đang triển khai tại Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh theo mô hình các trường dạy nghề của Nhật Bản. Đặc biệt, cần tận dụng tốt nguồn nhân lực được đào tạo tại Nhật Bản với 80.000 thực tập sinh và lao động, 50.000 lưu học sinh ở Nhật Bản hiện nay.

Về phát triển bền vững: Bài học từ sự cố Formosa càng cho thấy tầm quan trọng của vấn đề xử lý môi trường đối với phát triển bền vững. Đến nay, Nhật Bản vẫn là nước có ngành công nghiệp thép phát triển, đứng thứ hai thế giới cả về sản lượng thép thô (trên 100 triệu tấn/năm) và lượng thép xuất khẩu (45 triệu tấn/năm). Nhật Bản sẵn sàng chia sẻ với ta các kinh nghiệm xử lý vấn đề môi trường mà chính Nhật Bản đã từng mắc phải như trên.

Trong chiến lược tăng trưởng xanh, Nhật Bản đề ra các mục tiêu trở thành nước dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng và môi trường thông qua sáng tạo ra các công nghệ mới... Ta có thể khai thác tốt hơn nữa sự hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, xử lý các vấn đề môi trường, biến đối khí hậu… trong chiến lược phát triển bền vững của ta.


10h35: Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường phát biểu về chủ đề “Khai thác hiệu quả quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản phục vụ Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa và phát triển bền vững của Việt Nam”, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường cho rằng, trong các mối quan hệ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược của ta, thì có thể nói đối tác chiến lược với Nhật Bản có những đặc thù riêng. Đó là việc giữa Việt Nam và Nhật Bản không có các xung đột lợi ích chiến lược (như tranh chấp lãnh thổ hay vấn đề dân chủ nhân quyền…); đồng thời hai nước lại chia sẻ nhiều lợi ích chung trong các vấn đề quốc tế và khu vực. Hiện nay, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở vào giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất, thể hiện trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong kinh tế và phát triển.


10h25: Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng phát biểu, mối quan hệ hợp tác giữa Đức và Việt Nam đang có nhiều tiến bộ, tuy nhiên Đảng và Nhà nước cần tập trung vào những dự án trọng điểm hợp tác giữa hai bên, làm rõ ràng “cái gì có, cái gì không” với Đức nhằm thể hiện sự quyết tâm hợp tác của Việt Nam. 

Còn những vấn đề vướng mắc trong quan hệ Việt – Đức thì chúng ta cần có cơ chế tháo gỡ. Đại sứ quán Việt Nam tại Đức đã làm việc trực tiếp với chính phủ Đức và nhận được lời cam kết sẽ giải quyết các vướng mắc và thúc đẩy hợp tác song phương mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Đức hiện là nền kinh tế liên bang. Có những bang chỉ có 10 triệu dân nhưng GDP lên đến gần 40 tỷ USD. Tuy nhiên, họ rất quan tâm Việt Nam và hứa sẽ tới Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Với những bang này, chúng ta cần thể hiện để họ thấy Việt Nam thực sự quan tâm đến việc hợp tác. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có thể hợp tác với Đức trong nhiều lĩnh vực khác như: đào tạo nhân lực, du lịch… Tuy nhiên, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng nêu rõ: “Chúng ta phải làm từng bước chắc chắn, làm bằng được để tạo niềm tin đối với phía bạn”.

Trong những năm tới, hợp tác giữa 2 nước sẽ có thay đổi đáng kể nhờ vào những bước tiến gần đây trong quan hệ Việt – Đức. Vì thế, Việt Nam cần thể hiện rõ quyết tâm để tạo nên những thay đổi nhất định trong hợp tác kinh tế thương mại hai bên. Đây sẽ là sự đóng góp có ý nghĩa vào sự phát triển của đất nước chúng ta trong thời gian tới.


Trả lời phỏng vấn báo TG&VN bên lề Hội nghị Ngoại giao 29 tại Hà Nội, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành cho biết Việt Nam và Ấn Độ sẽ có chương trình kỷ niệm rất lớn, không chỉ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (7/1/1972-7/1/2017) mà còn là kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Do vậy, tới đây hai bên sẽ phải trao đổi để phối hợp tiến hành kỷ niệm tại hai nước. Chắc chắn sẽ có trao đổi các chuyến thăm cấp cao. Lãnh đạo hai bên sẽ tham dự các lễ kỷ niệm ở hai nước. Nhân đây, hai nước sẽ tổ chức các cuộc xúc tiến, quảng bá về thương mại, đầu tư, du lịch giữa hai bên và trao đổi về các đoàn văn hóa. Chương trình sẽ bắt đầu từ đầu năm 2017 và tiếp diễn trong cả năm.

Đại sứ Tôn Sinh Thành (trái) trao đổi với doanh nhân Ấn Độ. Ảnh: H.H

Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho rằng, những thách thức, khó khăn trong việc huy động nguồn lực tài chính thực hiện các mục tiêu phát triển trong giai đoạn 5 năm tới là rất lớn.Thứ trưởng Bộ Tài chính đề xuất trong thời gian tới, ngành Ngoại giao cần xem xét, giải quyết 2 vấn đề trọng tâm sau:

Thứ nhất, phải nâng công tác ngoại giao kinh tế lên một tầm cao mới mà ở đó Việt Nam ở một vị thế đối tác kinh tế ngang hàng với các quốc gia đi trước chúng ta.

Thứ hai, ngành Ngoại giao cần trở thành một nhân tố xúc tác tích cực để hỗ trợ các ngành, các cấp và các doanh nghiệp của chúng ta có thể hiểu rõ và tham gia một cách nhanh chóng, hiệu quả vào các sân chơi mới của hội nhập quốc tế. Đồng thời, ngoại giao giáo dục và ngoại giao công nghệ phát triển sẽ giúp định hướng các mối quan hệ hợp tác gắn với định hướng chiến lược phát triển bền vững của đất nước dựa trên năng suất lao động, nguồn nhân lực chất lượng cao và khoa học công nghệ.


10h05: Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà phát biểu với chủ đề: “Tài chính cho phát triển: Những giới hạn an toàn và tăng cường khả năng chống chịu (resilience) trong phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế Việt Nam; các vấn đề đặt ra với ngành Ngoại giao ”.

Trong thời gian qua, ngành Tài chính đã phối hợp với các Bộ ngành, trong đó có Bộ Ngoại giao nỗ lực cao trong công tác huy động nguồn lực cho phát triển đất nước, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng của giai đoạn 2011 - 2015.


Ông Phùng Xuân Nhạ mong muốn trong thời gian tới, các cơ quan đại diện ngoại giao thường xuyên cung cấp thông tin cho Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhu cầu hợp tác của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu của nước sở tại; giới thiệu các mô hình, chương trình giáo dục tiên tiến trên thế giới, các kinh nghiệm hay trong cải cách giáo dục, giới thiệu các nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài uy tín đến Việt Nam; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc tổ chức các sự kiện, diễn đàn giáo dục quốc tế.


9h55: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong thời gian qua, công tác hội nhập quốc tế về giáo dục – đào tạo đã đạt được nhiều thành tựu như: có thêm nhiều chương trình liên kết đào tạo chất lượng cũng như các đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu hợp tác giữa các trường đại học, các viện nghiên cứu và các nhà khoa học Việt Nam với các đối tác nước ngoài. Các hoạt động này đã giúp nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và đào tạo, góp phần giải quyết các bài toán thực tiễn đang đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, cũng như nâng cao hiểu biết văn hóa và giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và các nước.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực là một trong những khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước. Hội nhập quốc tế về giáo dục – đào tạo là yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, để hội nhập có hiệu quả cần phải có nội dung, lộ trình và giải pháp cụ thể, đồng thời cần sự hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ từ Bộ Ngoại giao, đặc biệt là các cơ quan đại diện ở nước ngoài. 


Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá rất cao và trân trọng sự hợp tác có hiệu quả và phối hợp chặt chẽ của ngành Ngoại giao để thực hiện các mục tiêu hội nhập quốc tế về lao động, xã hội trong nhiều năm qua. Trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức liên quan đến hoàn thiện thể chế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy , mở rộng thị trường lao động ngoài nước,…

Để giải quyết những thách thức này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, trong đó không thể thiếu vai trò của ngành Ngoại giao. Trong thời gian tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với ngành Ngoại giao nhằm triển khai các hoạt động sau như tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế trong việc hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan tới phát triển nguồn nhân lực, lao động, việc làm và an sinh xã hội; nghiên cứu chính sách, mô hình mới trong việc xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về lao động và xã hội; mở ra khả năng hợp tác, thu hút nguồn lực, đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát triển thị trường đưa người lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài; tăng cường phối hợp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của lao động Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt tại các địa bàn chưa có cơ quan đại diện về lao động.


9h45: Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tham luận "Thực hiện các nội dung xã hội và lao động trong các cam kết quốc tế; đào tạo nguồn nhân lực cho giai đoạn mới và tăng cường xuất khẩu lao động". 


Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề xuất một số giải pháp về phối hợp công tác giữa Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài và Bộ Công Thương. Theo đó, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao cùng các Bộ, ngành sớm hoàn thành dự thảo Đề án “Thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định chính trị – xã hội trong bối cảnh nước ta đang tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có Hiệp định TPP và Cộng đồng kinh tế ASEAN”. Cần có các nghiên cứu chuyên sâu, các gợi ý mang tính chiến lược cho một số nội dung quan trọng của hội nhập kinh tế quốc tế căn cứ trên kinh nghiệm của các nước. Thông qua các kênh ngoại giao song phương và đa phương để tiếp tục vận động các quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ; đồng thời hoàn thiện cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin, nhất là thông tin kinh tế giữa các cơ quan đại diện ta ở nước ngoài với các cơ quan trong nước giữa các Bộ, ngành liên quan, kể cả các doanh nghiệp, hiệp hội và các địa phương. 


Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã phát biểu về vấn đề công tác hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh 3 nội dung chính. Thứ nhất là tình hình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam và vai trò của thương mại và đầu tư hướng tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước. Thứ hai là các giải pháp nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là triển khai các FTA thế hệ mới, mở rộng thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam. Cuối cùng là các vấn đề đặt ra cho thời gian tới, trong đó có phối hợp giữa ngành Ngoại giao và ngành Công Thương.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, trong thời gian qua, Bộ Công Thương luôn nhận được sự phối hợp và hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong công tác hội nhập kinh tế quốc tế cũng như tìm kiếm thị trường, thúc đẩy hợp tác kinh tế với các nước. Bộ trưởng cũng đề xuất một số định hướng phối hợp công tác như: Bộ Ngoại giao cùng với các Bộ, ngành sớm hoàn thành dự thảo Đề án “Thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có Hiệp định TPP và Cộng đồng kinh tế ASEAN; Cần có các nghiên cứu chuyên sâu, các gợi ý mang tính chiến lược; Đánh giá kịp thời về diễn biến ở các nước; Cần làm tốt và mạnh hơn nữa công tác vận động ngoại giao; Tiếp tục vận động các quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trưởng đầy đủ; Chỉ đạo sát sao và tạo điều kiện hoạt động thuận lợi cho các cơ quan thương vụ ở nước ngoài; Hoàn thiện cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin…

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đề xuất một số giải pháp mang tính đồng bộ có thể đảm bảo thành công trong giai đoạn mới của hội nhập quốc tế. Theo đó, cần sớm có những định hướng phù hợp cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn tới đây. Quá trình nội luật hóa các cam kết quốc tế cần bắt tay vào thực hiện càng sớm càng tốt, nhưng không chỉ hướng tới việc thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế mà cần mang tính chủ động, trước hết là căn cứ trên lợi ích của ta. Các bộ, ngành cần có các biện pháp hỗ trợ mang tính thực tế, thật sự hiệu quả đối với doanh nghiệp. Cần thúc đẩy hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại – đầu tư tại các thị trường mà ta đã hoặc sắp ký kết FTA theo hướng đặt trọng tâm vào các dự án, ngành hàng thiết thực. Ngoài ra, công tác thông tin, tuyên truyền, cung cấp các thông tin cần thiết đến địa phương, doanh nghiệp cần được chú ý triển khai tiếp.


9h30: Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tham luận tại Hội nghị. 


Chia sẻ tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, ngành Ngoại giao cần nâng công tác Ngoại giao kinh tế lên một tầm cao mới mà ở đó Việt Nam ở vị thế đối tác kinh tế ngang hàng với các quốc gia đi trước. Việt Nam sẽ không phải “xin” hỗ trợ hoặc viện trợ mà trở thành một “đối tác hợp tác thông minh” mà ở đó tạo ra những lợi ích không chỉ cho quốc gia mà còn cho cả đối tác của mình.

Ngành Ngoại giao cần trở thành một nhân tố xúc tác tích cực để hỗ trợ các ngành, các cấp và các doanh nghiệp của chúng ta có thể hiểu rõ và tham gia một cách nhanh chóng, hiệu quả vào các sân chơi mới của hội nhập quốc tế. Ngoại giao sẽ là một kênh kết nối tích cực giúp hòa đồng nhanh vào cộng đồng các nền kinh tế phát triển trước Việt Nam để cùng nhịp bước với các nền kinh tế này.


Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, với mục tiêu Việt Nam trở thành một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, vị trí và vai trò của ngành ngoại giao là hết sức quan trọng cả ở khía cạnh bề rộng và chiều sâu. Ngoại giao sẽ không dừng lại ở quan hệ đối ngoại mà còn phải mở rộng sang nhiều lĩnh vực như ngoại giao kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, du lịch, công nghệ...

Đây được coi là một yêu cầu quan trọng đối với ngành ngoại giao, nhất là khi các quan hệ chiến lược, quan hệ toàn diện giữa Việt Nam và các quốc gia ngày càng phát triển. Ngành ngoại giao cần trở thành người lính tiên phong, người công binh mở đường trong hội nhập và phát triển đất nước, giúp đất nước kiến tạo những mối quan hệ mới, tiếp thu những giá trị mới, tìm kiếm những nguồn lực mới để phát triển nhanh hơn, thu hẹp nhanh khoảng cách phát triển với thế giới và khu vực.

Bộ trưởng cũng cho rằng, bên cạnh những thành tựu quan trọng đã đạt được, kinh tế Việt Nam cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển như: bẫy thu nhập trung bình, các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu, thách thức từ hội nhập quốc tế và an ninh ở Biển Đông…

Trong bối cảnh đó, ngành Ngoại giao cần phát huy hiệu quả hoạt động đã đạt được theo hướng sâu sắc hơn, hiệu quả hơn, thiết thực hơn; tận dụng triệt để các quan hệ ngoại giao tốt đẹp để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; hỗ trợ, định hướng các ngành, các cấp và các doanh nghiệp khơi dậy tiềm năng, sự năng động để sẵn sàng tham gia các sân chơi, cuộc chơi mới một cách thuận lợi nhất, hiệu quả nhất.


9h15: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tham luận. 


Chủ tịch UBND Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo: Ngành Ngoại giao cần phối hợp với các Bộ, Ban, ngành và các hội doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá toàn diện thực trạng đầu tư trực tiếp của các nước vào Việt Nam. Từ đó, xây dựng các đề án thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong đó, chú trọng đến yếu tố khác biệt và tương đồng về văn hóa, tăng cường quảng bá, giao lưu văn hóa để tạo sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, tăng cường sự minh bạch và nhất quán trong triển khai thực thi các chính sách đầu tư, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư nước ngoài và có các giải pháp khắc phục sự xa cách về địa lý.

Để tạo đột phá cho xuất khẩu, Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và doanh nghiệp của các nền kinh tế đang nhập khẩu lớn nhất từ Việt Nam (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức…) để khuyến khích các quốc gia này tiếp tục nhập khẩu. Đồng thời, Việt Nam cũng cần có các biện pháp thực sự hiệu quả để các nền kinh tế lớn khác, tăng nhanh nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam phù hợp với nhu cầu riêng của họ và lợi thế cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.


8h45: Chủ tịch UBND Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu về "Vai trò quan trọng của ngành Ngoại giao tạo đột phá phát triển đất nước giai đoạn 2016-2025".


Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu chào mừng và dẫn đề phiên thảo luận thứ 2: Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của ngành Ngoại giao, phục vụ phát triển đất nước luôn là mục tiêu hàng đầu của mọi hoạt động đối ngoại. Trong thời kỳ đổi mới, công tác Ngoại giao kinh tế đã góp thiết thực, hiệu quả vào công cuộc cải cách, mở cửa, phá thế bao vây, cấm vận; huy động nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội, chủ động, tích cực triển khai hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Nhận thức về vai trò, vị trí và nhiệm vụ ngoại giao kinh tế đã được nâng lên ở các ngành, các cấp, địa phương và doanh nghiệp với chỉ thị số 41 năm 2010 của Ban Bí thư về “Tăng cường  công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Văn kiện đại hội XII nhấn mạnh việc triển khai mạnh mẽ hội nhập quốc tế, trong đó đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế. Tại phiên khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo ngành Ngoại giao tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước,  trong đó có việc dự báo, cung cấp thông tin, tích cực chủ động mở rộng thị trường, giúp đỡ địa phương, doanh nghiệp mở rộng thị trường bên ngoài…

Triển khai kết quả Hội nghị ngoại giao 28, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã ban hành Chỉ thị 03 về các biện pháp đẩy mạnh ngoại giao kinh tế giai đoạn 2014-2015. Trong 3 năm qua, công tác đối ngoại nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng đã góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích quốc gia, củng cố môi trường hòa bình, hợp tác, tạo thuận lợi và tranh thủ các nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước.

Đến nay, Việt Nam đã tham gia 12 Hiệp định thương mại tự do, tiếp cận thị trường với số dân 1,4 tỷ người. Trong 3 năm qua đã vận động thêm 27 đối tác công nhận quy chế thị trường của Việt Nam, nâng tổng số đối tác công nhận quy chế thị trường của Việt Nam lên 64. Trên bình diện đa phương,  ngành Ngoại giao đã tham mưu, đề xuất và đã được Đại hội Đảng chấp thuận chủ trương chuyển từ “tham gia tích cực” sang “chủ động đóng góp, xây dựng định hình các thể chế đa phương” nhằm bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược về an ninh, phát triển của Việt Nam tại ASEAN, LHQ, APEC, ASEM…

Ngành Ngoại giao cũng đã hỗ trợ đắc lực cho địa phương, doanh nghiệp nâng cao hiệu quả, tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, tạo chuyển biến quan trọng trong nhận thức và phối hợp hành động giữa địa phương, doanh nghiệp về chủ trương hội nhâp quốc tế sâu rộng. Trong 3 năm qua, Bộ Ngoại giao đã tổ chức hơn 100 hội thảo, hội nghị, tọa đàm về chủ đề hội nhập với sự tham gia của hàng chục nghìn người. 

Trước những chuyển biến sâu sắc trong khu vực và trên thế giới, công tác ngoại giao kinh tế nói riêng và công tác đối ngoại nói chung của ngành Ngoại giao phải được nâng lên một tầm cao mới về chất, chuyển mạnh trọng tâm và ưu tiên phục vụ các mục tiêu phát triển của đất nước. Ng oại giao kinh tế cũng như các trụ cột khác của ngành đều phải tập trung phục vụ mục tiêu tối thượng của lợi ích quốc gia, dân tộc: Đó là phát triển một cách bền vững trong một môi trường quốc tế hòa bình, ổn định và thuận lợi.

Với tinh thần đó, Hội nghị luôn sẽ lắng nghe ý kiến phát biểu của các đồng chí Lãnh đạo Cấp cao của Đảng và Nhà nước, các đồng chí Bộ trưởng, lãnh đạo một số Bộ, ngành và Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.


8h30: Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu dẫn đề. 


Hội nghị vinh dự được chào mừng:

  • Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ  Nguyễn Xuân Phúc tới dự và chỉ đạo Hội nghị
  • Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBND Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân
  • Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính Phủ Phạm Bình Minh

Và các đồng chí Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành TW, Chủ tịch và lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc TW, nguyên lãnh đạo Đảng và Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ, đại diện các doanh nghiệp và trưởng các cơ quan đại diên.


8h15: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vào Hội trường, bắt tay các đại biểu.


8h00: Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm tới dự Hội nghị.


7h50: Các đại biểu trao đổi trước thềm Phiên thảo luận thứ 2 của Hội nghị.


7h40: (VIDEO) Nhìn lại 28 Hội nghị Ngoại giao đã qua và chào mừng Hội nghị Ngoại giao 29.

This browser does not support the video element.


Trả lời báo chí bên lề Hội nghị Ngoại giao 29 (22-26/8), Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ Phạm Hải Bằng khẳng định quan hệ Việt Nam – Thụy Sỹ có nhiều bước chuyển lớn. Ông cho biết, vào tháng Mười tới, Việt Nam và Thụy Sỹ cùng kỷ niệm 45 năm quan hệ song phương bằng một loạt hoạt động tại các thành phố lớn của hai nước.


7h30: Phiên thảo luận thứ 2 của Hội nghị Ngoại giao 29 diễn ra với chủ đề "Nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao phục vụ phát triển".