📞

Trump "vượt rào" bằng thỏa thuận thương mại Mỹ - Mexico?

15:01 | 29/08/2018
Nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm điều chỉnh Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) có thể đã gây tác động ngược. 

Ép Ottawa vào thế khó

Canada - một đồng minh lâu đời và là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Mỹ, đã bị loại khỏi một thỏa thuận mới mà Tổng thống Trump vừa đạt được với Mexico. Ottawa hiện đang "cuống quýt" để giữ chân mình trong khối thương mại khu vực gồm 3 nước này. Trong khi đó, Mexico, vốn lâu nay là mục tiêu để Trump trút giận, lại chấp thuận một thỏa thuận sơ bộ với Mỹ nhằm thay thế NAFTA bằng một hiệp định khác mà theo đó sẽ chuyển phần nhiều hoạt động sản xuất về Mỹ. 

Sau khi có hiệu lực vào năm 1994, NAFTA đã phá bỏ rào cản thương mại giữa Mỹ, Canada và Mexico. (Nguồn: Adobe Stock)

Khi tuyên bố thỏa thuận sơ bộ này ngày 27/8, Tổng thống Trump nói rằng, ông muốn gọi nó là "Thỏa thuận Thương mại Mỹ - Mexico", thẳng thừng loại Ottawa ra khỏi cuộc chơi. Kết quả này khiến Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland vội vàng đến Washington để vớt vát những gì đã mất bằng một cuộc gặp với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer vào ngày 28/8 và dự kiến thảo luận các vấn đề cụ thể vào sáng 29/8. 

Ông Lighthizer dự định, ngày 31/8 sẽ thông báo chính thức lên Quốc hội Mỹ về thỏa thuận với Mexico. Sau đó, Tổng thống sắp mãn nhiệm của Mexico, ông Enrique Pena Nieto sẽ có 90 ngày để ký một thỏa thuận mới trước khi rời nhiệm sở vào ngày 1/12. Nếu không, Tổng thống đắc cử Andres Manuel Lopez Obrador có thể muốn đàm phán lại và gây phức tạp thêm đối với triển vọng ra đời một thỏa thuận mới. 

Nhằm gia tăng sức ép lên Ottawa, ông Trump hôm 27/8 cũng dọa áp thuế vào các dòng ô tô nhập khẩu từ Canada. Do đó, theo nhận định của Philip Levy- chuyên gia nghiên cứu cấp cao thuộc Hội đồng các vấn đề toàn cầu Chicago, nữ ngoại trưởng Canada sẽ thương lượng về vấn đề áp thuế ô tô hoặc về việc ông Trump hủy bỏ NAFTA.

Tuy nhiên, Levy cho rằng, dường như Trump vẫn đang để ngỏ khe cửa hẹp cho Ottawa tham gia khối thương mại Bắc Mỹ theo ý muốn của Washington, khi mà chính quyền Mỹ thông báo sẽ có 30 ngày để công bố toàn văn bản sao của thỏa thuận mới sau khi trình Quốc hội.

Thời gian này đủ để Mỹ chỉnh sửa các chi tiết của thỏa thuận và ép Canada tham gia nếu muốn, chuyên gia Levy giải thích. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin lạc quan về sự tham gia của Ottawa khi nói rằng: "Mục tiêu là nhanh chóng để Canada có chân trong thỏa thuận này". Đây cũng là mong muốn của các tập đoàn kinh doanh và thành viên Quốc hội Mỹ. 

Gian nan phiên bản NAFTA mới

Khi chính quyền Trump thông báo với Quốc hội hồi năm 2017 về ý định đàm phán lại NAFTA, giới chỉ trích ghi nhận rằng, Chính quyền khi ấy nói rằng sẽ bắt đầu tái đàm phán với cả Canada và Mexico. Nhưng không rõ liệu ê-kíp của ông Trump có đủ thẩm quyền để đạt được một thỏa thuận với chỉ một trong hai nước trên hay không.

Và Quốc hội, vốn phải thông qua bất kỳ phiên bản NAFTA mới nào, có thể không chấp thuận một thỏa thuận vắng bóng Canada. "Xét về mặt pháp lý và chính trị, lộ trình (được Quốc hội thông qua) có nhiều vấn đề phức tạp hơn và có nhiều rủi ro hơn", Stephen Orava, luật sư thương mại của Hãng King & Spalding chia sẻ. 

Dường như Canada không mặn mà như Mexico để "gật đầu" với phiên bản NAFTA mới. (Nguồn: AP)

Sau khi có hiệu lực vào năm 1994, NAFTA đã phá bỏ rào cản thương mại giữa Mỹ, Canada và Mexico. Nhiều hãng sản xuất đã chuyển nhà máy sản xuất ở Mỹ sang Mexico để tối ưu hóa lao động giá rẻ, rồi sau đó chuyển hàng hóa trở lại Mỹ. Thỏa thuận mới giữa Mỹ và Mexico đã làm thay đổi luật chơi, theo đó, chuyển một số nhà máy sản xuất trở lại hoạt động ở Mỹ, làm thỏa mãn phần nào cơn bực tức lâu nay của ông Trump, khi phàn nàn rằng Mỹ đã để mất nhiều công ăn việc làm ngành sản xuất cho Mexico. 

Mặc dù Ottawa và Washington là đối tác thương mại quan trọng của nhau và trên thực tế, Canada là một trong số ít nước nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ nhiều hơn là lượng hàng xuất khẩu, cũng như việc hai nước này là đồng minh trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất đến các cuộc xung đột ở Afghanistan, song quan hệ hai nước vẫn tồn tại những xung đột và mâu thuẫn. Và những xích mích này bùng nổ dưới thời của Tổng thống Trump.

Hai nước đã "lời qua tiếng lại" về các cáo buộc của Mỹ rằng Canada bán phá giá gỗ trên thị trường Mỹ và sử dụng các biện pháp thuế quan để bảo hộ nông dân nuôi bò sữa ở nước này. Thế nhưng, AP cho rằng, thuế quan không thực sự là vấn đề lớn trong mối quan hệ hai nước. Ở góc độ nào đó, rạn nứt quan hệ giữa Washington và Ottawa dường như mang tính cá nhân. Ông Trump đã nổi giận khi Thủ tướng Justin Trudeau phát biểu tại họp báo sau hội nghị G7 hồi tháng 6 rằng, ông sẽ không để Ottawa bị Washington "o ép". 

Dường như Canada không mặn mà như Mexico để có thể "gật đầu" ngay lập tức với phiên bản NAFTA mới, thuận theo yêu cầu của Trump. Bởi "Ottawa hài lòng với hiện trạng đã có. Còn Mexico lại coi NAFTA như một tấm vé để nước này thoát khỏi vị thế một nước đang phát triển. Vì vậy, Mexico muốn làm những gì có thể để duy trì thỏa thuận", Christopher Sands, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Canada thuộc Đại học Johns Hopkins bình luận. 

Mỹ và Canada không đạt được bước đột phá nào trong cuộc gặp hôm 28/8 tại Washington. Tuy nhiên, luật sư Orava tiếp tục nhận định rằng: "Vẫn có dư địa cho sự linh động đối với tất cả các bên", song thừa nhận "những ngày tới đây sẽ rất cam go". 

(theo AP)