📞

Trưng bày Xuân xưa trên báo Tết: Khi di sản báo chí trở thành cầu nối thế hệ

Linh Tống - Xuân Sơn 11:55 | 20/03/2023
Tham quan sự kiện Trưng bày 'Xuân xưa trên báo Tết 1865-2000' trong khuôn khổ Hội báo Xuân toàn quốc 2023, các thế hệ độc giả đều bày tỏ sự quan tâm sâu sắc và đưa ra những phản hồi tích cực.
Những vách trưng bày các ấn phẩm báo Tết đặc sắc trong giai đoạn 1865-2000. (Ảnh: Linh Sơn)

Trong khuôn khổ chương trình Hội báo xuân toàn quốc 2023, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tổ chức sự kiện Trưng bày 'Xuân xưa trên báo Tết 1865 - 2000'

Buổi trưng bày chuyên đề “Xuân xưa trên báo Tết 1865-2000” được ví như cuộn phim hoài cổ chiếu lại những dấu mốc nổi bật trong quá trình hình thành và phát triển của chuỗi giai phẩm báo Tết Việt Nam trong hơn 100 năm qua. Đồng thời, bộ sưu tập đa dạng của hơn 200 ấn phẩm rực rỡ là chứng nhân lịch sử cho kinh nghiệm làm nghề dạn dày, phong phú của thế hệ người làm báo đi trước.

Buổi trưng bày không chỉ đưa công chúng hiện nay ngược dòng về quá khứ và chiêm nghiệm di sản báo chí quý báu, mà còn nêu bật thành quả lao động xuất sắc, cũng như triển vọng tương lai của nền Báo chí Việt Nam chuyên nghiệp, đổi mới.

Điểm nhấn của sự kiện được phản ánh thông qua cách thức trưng bày công phu bên ngoài, lẫn nội dung độc đáo bên trong. Người xem có cơ hội ngắm nhìn những ấn phẩm Tết hấp dẫn, được chắt lọc dựa trên hàng trăm số báo Xuân từ năm 1856-2000 và tổng hợp lại thành 10 vách.

Không chỉ giá trị hàn lâm, mà tính thẩm mỹ của sản phẩm, từ màu sắc cho tới đường nét, đều thể hiện được nét tài hoa và năng lực xuất sắc của thế hệ làm báo trong những thế kỷ trước, do đó thu hút được sự ngưỡng mộ và đánh giá cao của công chúng thưởng lãm.

Bác Hà Quang, thành viên Hội Thủy lợi Việt Nam, chia sẻ cảm xúc với Báo TG&VN. (Ảnh: Linh Sơn)

Chia sẻ cảm nghĩ về buổi trưng bày, bác Hà Quang, thành viên của Hội Thủy lợi Việt Nam, cho biết: “Đây là sự kiện hết sức trọng đại không chỉ cho người làm báo, mà còn đối với công chúng người dân, bộ sưu tầm báo Tết có ý nghĩa quý báu, cho thấy nét đẹp quê hương, đất nước, con người mà hiếm có thể phát hiện trong thời đại ngày nay.”

Đối với bác Quang, dù có nhiều sự khác biệt trong hình thức trình bày và cả nội dung bên trong, báo Xuân xưa và nay nhìn chung đều thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của độc giả bởi sự đầu tư về chất xám cũng như về mặt mỹ thuật của ấn phẩm.

Buổi trưng bày đặc biệt này đã kêu gọi được sự tham dự của đối tượng người xem trên nhiều độ tuổi, trong đó, độc giả Bùi Gia Bảo - sinh viên Đại học Điện lực cũng có những cảm nhận riêng biệt đối với giá trị của buổi trưng bày. Độc giả này cho rằng sự thú vị của những ấn phẩm Tết xưa nằm ở ngay ở xuất phát điểm của người trẻ - những người có ít điều kiện tiếp cận với số báo của thế kỉ trước.

Vì vậy, đây là cơ hội tuyệt vời để thế hệ đi sau tìm hiểu về nguồn cội dân tộc nói chung, cũng như vai trò của báo Xuân nói riêng trong đời sống xã hội hiện tại và tương lai.

Dãy sản phẩm sở hữu tính hàn lâm và thẩm mĩ cao. (Ảnh: Linh Sơn)