Mặc dù điều này không gây quá nhiều bất ngờ, song lại có ý nghĩa ngày càng lớn. Điều này đồng nghĩa với việc tiến trình kết thúc thời kỳ đối đầu giữa Israel và các nước Arab sẽ tiếp diễn, mà có lẽ đỉnh điểm là một cuộc chính biến ở Iran. Đó chính là lộ trình của Trung Đông hiện nay.
Israel ký thỏa thuận với UAE và Bahrain tại Nhà Trắng - nằm trong lộ trình của Trung Đông hiện nay. (Nguồn: Reuters) |
Hồi kết của sự thù địch
Một số quốc gia Arab như Sudan, Saudi Arabia, Oman và Kuwait được cho là đang cân nhắc ký kết thỏa thuận hòa bình với Israel. Một hoặc hai nước trong số này có thể vẫn còn do dự. Còn Saudi Arabia, mặc dù ủng hộ tiến trình bình thường hóa khu vực với Israel, nhưng có thể không thừa nhận mối quan hệ chính thức với Israel.
Thế nhưng, điều đó không quan trọng. Ngay cả khi không thiết lập mối quan hệ chính thức, tất cả những nước này đều có ý thức chung là kết thúc sự thù địch với nhà nước Do Thái.
Giờ đây, khi nhìn vào bản đồ khu vực Trung Đông sẽ thấy liên minh Israel-UAE có thể tiếp cận hàng hải hầu như không bị cản trở ở ba phía của Bán đảo Arab: Biển Đỏ, Biển Arab và Vịnh Persia với cản trở duy nhất là từ quốc gia Qatar nhỏ bé và Yemen đầy hỗn loạn vì chiến tranh.
Trong khi đó, sự hiện diện quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Djibouti và có thể cả ở thành phố Port Sudan của Sudan vẫn sẽ là yếu tố mang tính trung lập liên quan đến mối quan hệ hợp tác an ninh mới giữa Israel và các nước Arab.
Mối quan hệ này có thể sẽ vượt ra khỏi lĩnh vực hàng hải và bao hàm cả lĩnh vực chiến sự cũng như an ninh công nghệ cao trong tất cả các khía cạnh.
Trung Đông hiện đang trong quá trình chuyển đổi phức tạp. Trong hàng chục năm qua, kể từ những năm 1960, các chế độ chuyên quyền thuộc đảng xã hội phục hưng Arab ở Syria và Iraq đã tổ chức một mặt trận chống lại Israel.
Tuy nhiên, những nước này, cùng với Libya mang tư tưởng cấp tiến, hiện đang suy yếu. Trong khi đó, Palestine, Qatar và các lực lượng theo dòng Hồi giáo Shi’ite ở Lebanon hiện đều từ bỏ mặt trận này, vì vậy mặt trận chống Israel hiện đang phải dựa vào sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Hàng thập kỷ trong vài tuần?
So với Thổ Nhĩ Kỳ, Iran có thể yếu thế hơn. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vẫn có thể điều hành đất nước trong một khuôn khổ các đảng phái chính trị đối địch phần nào mang tính dân chủ, kèm theo đó là mạng lưới các nhà báo và thị trưởng độc lập.
Trong khi đó, chế độ của lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei ở Iran lại thiết lập nên một nền chính trị thần quyền cực đoan vốn rất khác biệt so với chế độ của Erdogan ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, khác với Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền Iran phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu khí vốn đang trong tình trạng suy giảm, ngay cả khi việc một số quốc gia Arab đạt được thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel đã đe dọa vị thế của Tehran ở vùng Vịnh.
Cuối cùng, nhờ vị trí địa lý, văn hóa và lịch sử của thế kỷ XX, Thổ Nhĩ Kỳ gần như là một quốc gia châu Âu với tất cả những đặc tính ổn định mà bản chất nhà nước đó đem lại, song Iran lại không phải như vậy.
Các cuộc biểu tình chống chính phủ quy mô lớn đã càn quét Iran cuối năm 2019. Chế độ Iran hiện đang chịu sức ép chính trị ngày càng gia tăng khi chính người dân trong nước đều coi chính quyền Tehran là bất hợp pháp.
Lenin từng nói một câu nổi tiếng rằng: “Không có điều gì xảy ra trong hàng thập kỷ liền, nhưng có những điều tích tụ từ hàng thập kỷ lại xảy ra chỉ trong vài tuần”. Đúng là đã không xảy ra điều gì ở Iran kể từ cuộc Cách mạng Iran 1979 và cũng không có gì xảy ra giữa Israel với các nước láng giềng Arab kể từ năm 1994 khi Tel Aviv thiết lập quan hệ ngoại giao với Jordan.
Liệu có khi nào, hàng thập kỷ sẽ xảy ra ở Iran chỉ trong vài tuần hay không; không phải ngay lúc này mà có thể là trong nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo của Mỹ. |
Sau đó, chỉ trong vài tuần, những thế lực (Israel và các nước Arab) lớn mạnh trong hàng thập kỷ qua đã tiến tới bước phát triển tột bậc là hai thỏa thuận bình thường hóa quan hệ.
Liệu có khi nào, như một phần của tiến trình này, hàng thập kỷ sẽ xảy ra ở Iran chỉ trong vài tuần hay không; không phải ngay lúc này mà có thể là trong nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo của Mỹ.
Nói tóm lại, cuộc đấu tranh để chinh phục Iran đã bắt đầu ngay từ khi hình thành liên minh mới giữa Israel và các nước Arab vùng Vịnh.
Và chính sự vận động phát triển trong lòng Iran, một quốc gia 84 triệu dân có học vấn cao, sẽ có đủ sức mạnh để thực sự thay đổi khu vực trong những năm tới đây.
Sống ngoài dòng thời sự
Thế nhưng, bất chấp những sự kiện đầy bất ngờ diễn ra trong tuần qua, một bộ phận ở Washington vẫn sống ngoài dòng thời sự chủ lưu này khi công kích “các cuộc chiến tranh vô tận” như một phần lập luận để rút toàn bộ binh sĩ Mỹ ra khỏi Trung Đông.
Tạp chí Foreign Policy dẫn lời một trợ lý cấp cao cho ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden thậm chí còn đánh tụt khu vực Trung Đông xuống hàng quan trọng thứ 4 xét về địa lý, sau châu Âu, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Mỹ Latinh.
Trên thực tế, “các cuộc chiến bất tận” đang trong giai đoạn đi đến hồi kết từ nhiều năm nay khi số lượng binh sĩ Mỹ tiếp tục giảm xuống mức 3.000 từ 132.000 ở Iraq, xuống 4.500 từ 100.000 ở Afghanistan và chưa đến 1.000 quân ở Syria.
Chúng ta đang ở một thời kỳ mới: Một mối quan hệ hợp tác vừa rõ ràng vừa ngầm ẩn giữa Israel và các nước Arab, sự bành trướng của Thổ Nhĩ Kỳ theo kiểu tân đế chế Ottoman và một cuộc khủng hoảng nội bộ Iran, tất cả đều bị bao phủ bởi cái bóng kinh tế ngày một lan rộng của Trung Quốc.
Bắc Kinh ngày càng coi Trung Đông là một khu vực đầy khó khăn, song rất cần thiết trong nỗ lực kết nối các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường ở châu Á và châu Âu. Theo đó, Bắc Kinh đã đổ hàng trăm tỷ USD để xây dựng các hải cảng và căn cứ quân sự trên khắp khu vực Trung Đông.
Không còn thời gian để Mỹ rút khỏi Trung Đông hay thậm chí coi đó là một khu vực không có sự liên quan đến các khu vực khác. Thực ra, Trung Đông là một phần cơ bản của khu vực Á-Âu.
Do đó, trong nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo, đã đến lúc Mỹ cần tìm cách mở rộng và củng cố hòa bình giữa Israel với các nước Arab - tất cả đều nhằm quản lý một cách thông minh sự lớn mạnh tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.