Mỹ cấm vận Cuba không phải là câu chuyện mới trong quan hệ quốc tế thế kỷ XX. (Nguồn: Tạp chí Borgen) |
Chưa có câu trả lời cụ thể, chính xác câu hỏi trừng phạt bắt đầu từ khi nào và ở đâu. Nhưng có thể tìm trong lịch sử những chuyện liên quan hoặc gần giống như trừng phạt kinh tế hiện nay.
Chuyện không mới
Thời phong kiến, nước thiên tử có quyền phạt các nước chư hầu phải cống nạp, khi phát hiện hoặc cho là họ có hành vi sai trái. Nếu không, thiên tử sẽ sử dụng quân của các nước chư hầu khác tấn công. Cống nạp còn hơn là chiến tranh. Các nước chư hầu chấp nhận và thành luật lệ của thiên tử.
Sau Thế chiến II, Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô tổ chức hội nghị quyết định các biện pháp trừng phạt 3 nước gây chiến bại trận. Nước Đức phát xít bị chia làm 4 khu vực, 3 khu vực do Mỹ, Anh, Pháp chiếm đóng (Cộng hòa Liên bang Đức) còn 1 khu vực do Liên Xô kiểm soát (Cộng hòa Dân chủ Đức). Đến ngày 3/10/1990, Cộng hòa Dân chủ Đức mới thống nhất trở lại vào Cộng hòa Liên bang Đức.
Phe đồng minh còn kiểm soát các ngành công nghiệp sản xuất kim khí, chế tạo máy và hóa chất của Đức nhằm ngăn chặn phục hồi chủ nghĩa phát xít, buộc Đức bồi thường chiến tranh.
Tương tự, Nhật cũng bị Mỹ chiếm đóng lâm thời và đền bù chiến tranh cho phe đồng minh.
Từ thực tiễn, điều 41, Hiến chương Liên hợp quốc quy định Hội đồng Bảo an quyết định trừng phạt phi vũ trang, bằng cách ngăn chặn một phần hoặc toàn bộ quan hệ kinh tế, tài chính và quan hệ ngoại giao, nhằm tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới chủ thể bị trừng phạt theo quy định của luật pháp quốc tế.
Các biện pháp trừng phạt gồm: cấm xuất, nhập khẩu một số loại hàng hóa nhất định, phong tỏa tài sản, cấm mọi giao dịch kinh tế, thương mại, cấm, hạn chế đi lại đối với quốc gia, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Nếu trừng phạt phi vũ trang không hiệu quả, có thể trừng phạt bằng vũ lực. Điều 42 Hiến chương Liên hợp quốc quy định Hội đồng Bảo an có quyền áp dụng các hành động cần thiết của lực lượng vũ trang của các quốc gia thành viên, bao gồm: biểu dương lực lượng, phong tỏa và các cuộc hành quân nhằm duy trì, khôi phục hòa bình, an ninh quốc tế.
Năm 1950, Liên hợp quốc ra nghị quyết trừng phạt Triều Tiên, sau đó là Khodesnia (nay là Zimbabwe), chế độ Apartheid ở Nam Phi, Iraq, Somalia... Liên hợp quốc cũng ra nghị quyết về việc chấm dứt biện pháp trừng phạt kinh tế.
Ranh giới giữa hành động trừng phạt và nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ của quốc gia, không sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực, nên Liên hợp quốc ít sử dụng biện pháp trừng phạt bằng vũ lực. Trong một số trường hợp, Liên hợp quốc ra nghị quyết cho phép các quốc gia thành viên sử dụng mọi biện pháp cần thiết để đạt mục đích trừng phạt.
Trò chơi quyền lực
Biện pháp trừng phạt được áp dụng ngày càng nhiều trong quan hệ quốc tế và nâng lên mức cao hơn là cấm vận. Từ cấm vận một số mặt hàng xuất nhập khẩu mở rộng ra cấm vận toàn diện kinh tế, thương mại. Từ cấm vận kinh tế, thương mại mở rộng sang cấm vận nhiều lĩnh vực khác.
Ngoài các biện pháp do Liên hợp quốc quyết định, một số nước lớn, nhất là Mỹ cũng áp dụng biện pháp trừng phạt, cấm vận ngoài khuôn khổ Liên hợp quốc nhằm thực hiện ý đồ chiến lược, thể hiện vị thế, sức mạnh, quyền lực trong quan hệ quốc tế.
Trừng phạt, cấm vận từ chỗ là 1 công cụ pháp lý quốc tế, buộc các quốc gia phải tuân thủ “luật chơi chung”, đã trở thành vũ khí ngoại giao, kinh tế, chính trị, quân sự, “trò chơi quyền lực” của các nước lớn.
Cấm vận Cuba, cuộc chiến chính trị, tư tưởng. Năm 1958, sau khi lực lượng cách mạng lật đổ chế độ độc tài Fulgencio Batisla, Mỹ lập tức áp đặt lệnh cấm bán vũ khí cho Cuba.
Gần 2 năm sau, Mỹ cấm xuất khẩu sang Cuba các loại hàng hóa, nguyên liệu, máy móc thiết yếu và cấm nhập khẩu đường, mặt hàng chiến lược của Cuba. Năm 1962, lệnh cấm vận mở rộng bao gồm hầu hết các mặt hàng xuất nhập khẩu.
Trong hơn 60 năm, Mỹ đã ban hành 6 đạo luật bổ sung lệnh cấm vận Cuba, lập kỷ lục cấm vận dài nhất trong lịch sử hiện đại. Theo Cuba, tính đến 4/2019, riêng ngành y tế đã thiệt hại hơn 160 triệu USD. Dưới tác động của Mỹ, một số tập đoàn, công ty của các nước khác có quan hệ làm ăn với Mỹ cũng phải thực hiện lệnh trừng phạt kinh tế Cuba.
Mỹ và phương Tây bao vây cấm vận toàn diện Việt Nam. Mỹ cấm vận miền Bắc Việt Nam từ năm 1964, khi bắt đầu tiến hành chiến tranh phá hoại nhiều mặt. Năm 1975, sau khi Việt Nam giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến, thống nhất đất nước, Mỹ mở rộng cấm vận cả nước, nhằm rửa hận thất bại trong chiến tranh xâm lược, hỗ trợ chiến lược không đánh mà vẫn thắng.
Năm 1979, Việt Nam đánh trả quân Khmer Đỏ gây chiến tranh biên giới Tây Nam, giúp nhân dân, lực lượng cách mạng Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng, hồi sinh đất nước, xây dựng và bảo vệ thành quả cách mạng.
Mỹ, phương Tây và một số nước khác vu cáo Việt Nam “xâm lược Campuchia”, bao vây cấm vận toàn diện, cản trở Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc, hòng đẩy nước ta vào khủng hoảng, buộc phải chấp nhận các điều kiện áp đặt của họ.
Với đường lối đổi mới của Đảng, ngoại giao giữ vai trò tiên phong trong phá bao vây cấm vận. Đến năm 1994, Mỹ chính thức dỡ bỏ lệnh cấm vận, năm 2016 dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí.
Cấm vận ngăn chặn Iran trở thành cường quốc khu vực, tranh giành vị thế với Mỹ. Với lý do ngăn chặn phát triển vũ khí hạt nhân, năm 1995, Mỹ ban hành lệnh cấm vận thương mại Iran. Thực chất là làm kinh tế suy sụp, xã hội bất ổn, kích động bạo loạn lật đổ chính phủ Iran, bị cho là có tham vọng trở thành cường quốc khu vực, đối thủ tranh giành vị thế với Mỹ.
Năm 2015, Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức (nhóm P5+1) và Iran ký thỏa thuận hạt nhân quốc tế mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), lệnh cấm vận được dỡ bỏ.
Năm 2018, Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vì lý do Iran không tuân thủ đầy đủ các điều khoản đã ký kết, áp dụng trở lại lệnh cấm vận. Các quốc gia, tập đoàn, công ty làm ăn với Iran đều bị Mỹ trừng phạt.
Năm 2020, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bác bỏ đề xuất của Mỹ gia hạn lệnh cấm vận Iran. Ngoài ra, Mỹ, Israel còn đe dọa sử dụng biện pháp vũ trang ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Gần đây, Iran tố cáo Israel đứng sau hành động ám sát tướng lĩnh, nhà khoa học hạt nhân của họ.
Một người dân đi qua nơi bức tường của nơi từng là Đại sứ quán Mỹ tại Iran, trong đó một phần tổ hợp được dùng làm bảo tàng và không gian tụ tập cho các nhóm sinh viên. (Nguồn: AFP) |
Cấm vận trở thành một thủ đoạn trong chiến tranh, “cách mạng màu”. Năm 1990, Iraq tiến công Kuwait. Theo yêu cầu của Mỹ và một số nước, Hội đồng Bảo an ra nghị quyết số 660 lên án cuộc chiến tranh; nghị quyết số 661 áp đặt lệnh cấm vận kinh tế, yêu cầu Iraq rút quân khỏi Kuwait.
Do Iraq không chấp hành, Hội đồng Bảo an ra nghị quyết cho phép các quốc gia thành viên sử dụng mọi biện pháp cần thiết để đạt mục đích trừng phạt.
Mỹ và đồng minh tận dụng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an làm suy yếu tiềm lực kinh tế, quân sự Iraq, đồng thời biện minh cho “tính chính thống” của chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991. Thủ đoạn này còn được sử dụng trong cuộc chiến tranh của Mỹ và đồng minh ở Nam Tư và ở một số khu vực khác.
Mỹ và phương Tây còn viện lý do vi phạm nhân quyền, gian lận bầu cử ở một số nước để tiến hành trừng phạt, cấm vận, hỗ trợ lực lượng đối lập tiến hành “cách mạng màu”, gây bất ổn xã hội, kích động biểu tình, lật đổ chính quyền không thân thiện với họ.
Trừng phạt, cấm vận được áp dụng ngày càng nhiều trong cạnh tranh lợi ích giữa các nước lớn. Điển hình là giữa Mỹ và đồng minh với Nga, Trung Quốc. Năm 2014, Mỹ và phương Tây áp đặt lệnh cấm vận Nga vì lý do sáp nhập bán đảo Crimea, cô lập Nga khỏi nền kinh tế thế giới. Năm 2017, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật “Chống lại sự xâm lược của chính phủ các nước Nga, Iran, Triều Tiên” nhưng chủ yếu là Nga! Với cáo buộc Nga can thiệp bầu cử ở Mỹ, hoạt động “thiếu minh bạch” tại Ukraine, Syria, các vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal, chính trị gia đối lập Alexei Navalny… lệnh cấm vận tiếp tục bổ sung, tập trung vào các lĩnh vực kinh tế then chốt (xuất khẩu năng lượng, vũ khí…). Mỹ còn đóng cửa một số tổ chức, cơ quan ngoại giao, cấm một số quan chức, tập đoàn, công ty của Nga nhập cảnh vì liên quan đến lý do cấm vận.
Nga cũng áp dụng đòn đáp trả như tăng thuế nhập khẩu, cấm nhập khẩu một số mặt hàng thực phẩm của Mỹ, đóng cửa một số cơ quan ngoại giao, cấm nhập cảnh một số quan chức chính phủ Mỹ.
Từ năm 2018, các lệnh trừng phạt kinh tế trở thành “cuộc chiến thương mại” giữa Mỹ và Trung Quốc, đến nay chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Hai bên liên tục áp thuế đối với hàng ngàn mặt hàng xuất khẩu của nhau, cấm xuất khẩu một số nguyên liệu chiến lược, sản phẩm công nghệ cao như đất hiếm, chip…
Đằng sau trừng phạt là sự cạnh tranh quyền lực giữa 2 cường quốc hàng đầu. Vị thế nền kinh tế và khoa học công nghệ số 1 thế giới, sức mạnh, niềm tự hào của Mỹ có nguy cơ bị Trung Quốc soán ngôi, thậm chí có lĩnh vực đã bị qua mặt.
Từ cuộc chiến thương mại, trừng phạt mở rộng sang lĩnh vực chính trị, an ninh, ngoại giao (đóng cửa một số lãnh sự quán, cấm nhập cảnh các cá nhân là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, bắt giữ cá nhân nghi làm gián điệp, che dấu thân phận liên quan đến quân đội, cấm Tập đoàn công nghệ và truyền thông hàng đầu Huawei…) và văn hóa (đóng cửa các Viện Khổng tử, ngừng các chương trình hợp tác văn hóa với Trung Quốc).
Gần đây, xảy ra đối đầu ngoại giao, kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc và Australia. Với lý do Australia ủng hộ Mỹ trong cạnh tranh thương mại, điều tra nguồn gốc virus corona, tích cực tham gia hoạt động của Bộ Tứ, ủng hộ hoạt động FONOP ở Biển Đông, Trung Quốc trừng phạt thương mại, áp đặt thuế đối với lúa mạch, tạm ngừng nhập khẩu thịt bò, mở các cuộc điều tra về rượu là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Australia.
Trung Quốc gia tăng các biện pháp trừng phạt Australia như áp đặt thuế đối với lúa mạch, tạm ngừng nhập khẩu thịt bò, mở các cuộc điều tra về rượu là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Australia. (Nguồn: News18) |
Hiệu quả hạn chế
Lệnh trừng phạt, cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng có tác động tích cực, như thúc đẩy khai tử chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid ở Nam Phi; sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống, lãnh chúa Charles Taylor ở Liberia, đưa ra xét xử ở tòa án quốc tế về tội ác chống lại loài người. Cấm vận vũ khí cũng có tác dụng hạn chế xung đột, nội chiến ở một số nước châu Phi.
Nhưng nhiều biện pháp trừng phạt, cấm vận do Mỹ và đồng minh tiến hành không mang lại nhiều kết quả. Lệnh cấm vận gây cho Việt Nam rất nhiều khó khăn, cản trở quá trình khắc phục hậu quả chiến tranh, làm kinh tế Việt Nam rơi vào khủng hoảng. Nhưng Việt Nam vẫn đứng vững và phát triển, trở thành 1 thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế. Đến năm 1995, Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, xây dựng quan hệ đối tác toàn diện, đưa quan hệ Mỹ - Việt Nam bước sang 1 trang mới.
Cấm vận gây rất nhiều khó khăn cho Cuba, nhưng “hòn đảo tự do” vẫn đứng vững, từng bước phát triển. Cuba trở thành thành viên của WTO. Đại hội đồng Liên hợp quốc đã nhiều lần bỏ phiếu ủng hộ Cuba, yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận không phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Ông Kelsey Davelport, nhà phân tích thuộc Hiệp hội kiểm soát vũ khí Mỹ nhận xét: “Trong trường hợp Iran, Mỹ đã khiến các biện pháp trừng phạt bị tổn hại với tư cách công cụ gây ảnh hưởng”.
Cấm vận cũng không ngăn được Triều Tiên dừng các vụ thử hạt nhân; không có kết quả với nhóm các nhà nước Hồi giáo, tổ chức khủng bố quốc tế ở Pakistan, Somalia, Hezbollah ở Lebanon…
Lợi ích đan xen với Trung Quốc, Nga khiến lệnh cấm vận của Mỹ không được nhiều nước, ngay cả đồng minh đồng thuận.
Mặt trái của trừng phạt, cấm vận
Cơ chế, tổ chức hệ thống thương mại, tài chính thế giới trong thời đại hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa, tạo cho các nước lớn nhiều quyền lực, thúc đẩy họ sử dụng công cụ cấm vận vì mục đích riêng.
Hầu như không quốc gia, tập đoàn, công ty nào muốn phát triển mà không quan hệ, hợp tác với Mỹ, với các tập đoàn, công ty của Mỹ. Điều đó tạo cho Mỹ quyền lực lớn và họ lạm dụng trừng phạt, cấm vận nhiều nhất, dưới danh nghĩa Liên hợp quốc, lôi kéo đồng minh tham gia hoặc đơn phương. Mỹ ban hành hơn 20 chương trình, nhiều đạo luật cấm vận áp dụng đối với nhiều nước.
Nhiều biện pháp trừng phạt, cấm vận của Mỹ và đồng minh ảnh hưởng lớn đến kinh tế, thương mại toàn cầu, gây chia rẽ giữa Mỹ và đồng minh. Biện pháp trừng phạt kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc cản trở chuỗi cung ứng nguyên liệu, sản phẩm toàn cầu, ảnh hưởng lớn đến phục hồi kinh tế thế giới trong đại dịch Covid-19. Việc ngăn chặn các giao dịch chuyển tiền, cô lập ngân hàng của các nước bị cấm vận không chỉ ảnh hưởng đến đầu tư, hệ thống ngân hàng thế giới mà còn gây bất lợi cho chính Mỹ. Một số tập đoàn, công ty của Mỹ không thực hiện lệnh rời khỏi Trung Quốc của Tổng thống Trump.
Mỹ và phương Tây thường áp dụng “tiêu chuẩn kép”. Họ cấm vận Iran, Triều Tiên vì lý do phát triển vũ khí hạt nhân nhưng chính các nước lớn cũng không chịu sự kiểm soát quốc tế, cắt giảm kho vũ khí hạt nhân khổng lồ, tiếp tục phát triển các phương tiện mang phóng; làm ngơ trước các nước đồng minh cũng sở hữu vũ khí hạt nhân.
Mỹ và đồng minh cấm vận, trừng phạt nước khác với lý do vi phạm nhân quyền theo tiêu chí phương Tây. Nhưng chính Mỹ và đồng minh cũng vi phạm nhân quyền. “Hai mặt” là một biểu hiện của các biện pháp trừng phạt, cấm vận của Mỹ và đồng minh.
Người dân là nạn nhân
Biện pháp trừng phạt, cấm vận của Mỹ và đồng minh đẩy các nước không chịu sự “dẫn dắt” của họ vào tình trạng bất ổn, mâu thuẫn giữa người dân với chính quyền, kích động biểu tình, bạo loạn lật đổ chế độ, dựng lên chính quyền thân phương Tây.
Ông Judith Alisonlee đồng chủ tịch Nhóm Thương mại quốc tế thuộc hãng luật Gibson Dunn đánh giá: “Bị áp đặt lệnh trừng phạt chẳng khác nào chịu án tử về mặt kinh tế”. Một số chính phủ bị lật đổ, nhưng nạn nhân chính vẫn là người dân, dù họ không liên quan đến các lý do cấm vận.
Các nước bị phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, mất nguồn đầu tư nước ngoài, không thể nhập khẩu công nghệ để phát triển kinh tế, GDP giảm mạnh, số người thất nghiệp tăng cao.
Chính phủ không đủ tài chính để nhập khẩu lương thực, thuốc, dụng cụ y tế, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, nhất là ở các nước đang phát triển, chậm phát triển.
Lệnh cấm vận ảnh hưởng đến các hoạt động cứu trợ nhân đạo, thúc đẩy làn sóng tị nạn ở một số khu vực, quốc gia Trung Đông, Bắc Phi.
Đặc biệt trong đại dịch Covid-19 và các thiên tai, thảm họa khác, tác động tiêu cực của cấm vận đến người dân càng gia tăng.
Bà Hilal Elver, chuyên gia quyền con người của Liên hợp quốc, báo cáo viên đặc biệt về quyền tiếp cận lương thực đánh giá: Trừng phạt tác động bất lợi, nhanh chóng lên các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Phúc lợi của người dân chịu tổn thất nghiêm trọng.
Cao ủy Liên hợp quốc Michelle Bachelet cho rằng: các lệnh cấm vận quốc tế, đơn phương cần được “đánh giá lại khẩn cấp”, phòng tránh sự sụp đổ của hệ thống y tế ở bất cứ quốc gia nào đều là chuyện sống còn.
Vì nếu điều đó xảy ra, nó sẽ gây tác động cực lớn lên số người chết, số người dân phải chịu khổ sở và sự lây truyền dịch bệnh rộng hơn ra khu vực và toàn cầu.
Thế giới thay đổi thái độ
Trước việc lợi dụng cấm vận để thực hiện ý đồ chính trị và tác động tiêu cực của nó, thái độ của cộng đồng quốc tế ngày càng thay đổi.
Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua gần 30 nghị quyết yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận Cuba, vì nó vi phạm luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc. Ngày 26/10/2020, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết tương tự, với 187 phiếu thuận, 2 phiếu chống và 3 phiếu trắng.
Trước đó, ngày 18/8/2020, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng không thông qua đề xuất của Mỹ gia hạn biện pháp cấm vận vũ khí đối với Iran.
EU và một số nước thành viên phản đối lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba, Nga, Iran. Đại diện cấp cao về chính sách an ninh, đối ngoại EU Federica Mogherini, Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmstrom và một số bộ trưởng EU tuyên bố sẽ sử dụng mọi biện pháp có thể, kể cả hợp tác với đối tác khác để bảo vệ lợi ích của họ.
Pháp, Anh, Đức và 6 nước khác tìm cách lách lệnh cấm vận của Mỹ, tạo ra một cơ chế thương mại không sử dụng đồng USD. Nhiều tập đoàn công nghiệp EU tìm cách tách khỏi hệ thống tài chính do Mỹ chi phối.
Các nước bị áp đặt lệnh cấm vận như Nga, Cuba, Iran, Venezuela… cũng tìm các biện pháp đối phó. Chính phủ Venezuela tố cáo các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ là hệ thống chiến lược có chủ đích, vi phạm quyền con người.
Nga, Trung Quốc và một số nước khác thỏa thuận thanh toán không sử dụng USD. Trung Quốc đang thử nghiệm “tiền điện tử”. Các động thái đó có thể làm suy yếu đồng USD, nghĩa là làm suy yếu vị thế tài chính của Mỹ.
Biện pháp trừng phạt, cấm vận nhằm thực hiện ý đồ chính trị, lợi ích quốc gia dân tộc cực đoan, đã làm mất giá trị, sai lạc bản chất, mục đích của công cụ này. |
Các nghị quyết của Liên hợp quốc về dỡ bỏ lệnh cấm vận đơn phương không có tính ràng buộc, biện pháp chế tài nên tác dụng bị hạn chế. Phản ứng của một số nước chưa đủ khả năng ngăn chặn việc lạm dụng công cụ cấm vận.
Để biện pháp cấm vận đúng mục đích, đối tượng, hạn chế tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế thế giới, quan hệ quốc tế, đời sống của người dân cần:
Một, “đánh giá lại khẩn cấp” các biện pháp cấm vận từ trước đến nay, tác động của nó đối với người dân, sự phát triển kinh tế thế giới, khu vực.
Hai, làm rõ cơ sở pháp lý của các lệnh cấm vận quốc tế và đơn phương, tính 2 mặt, việc áp dụng “tiêu chuẩn kép” trong áp đặt cấm vận.
Ba, phát huy vai trò của Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực trong ngăn chặn, dỡ bỏ các lệnh cấm vận vi phạm luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc. Bốn, đổi mới tổ chức, cơ chế hoạt động của các tổ chức kinh tế, thương mại, tài chính toàn cầu, nhằm ngăn chặn hành vi lợi dụng nó nhằm phục vụ ý đồ, lợi ích riêng.
| Cấm vận vũ khí Iran: Bắc Kinh hoan nghênh, Mỹ 'ra tay' với loạt công dân và thực thể Trung Quốc TGVN. Ngày 19/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng, sự kết thúc lệnh cấm vận vũ khí và ... |
| PHÂN TÍCH. Mỹ-Iran: Bên quyết phá, phía cố giữ TGVN. Xung khắc Mỹ-Iran có diễn biến mới khi HĐBA LHQ không thông qua việc kéo dài lệnh cấm xuất khẩu vũ khí cho Iran. ... |
| Iran tuyên bố đáp trả 'thích đáng' nghị quyết IAEA, Anh, Pháp, Đức không ủng hộ tái áp đặt lệnh trừng phạt của LHQ TGVN. Đại diện thường trực của Iran tại các tổ chức quốc tế ở Vien (Áo), ông Gharib Abadi này 19/6 đã chỉ trích Hội ... |