TIN LIÊN QUAN | |
Trung Quốc phản đối mọi sự can thiệp từ bên ngoài vào vấn đề Đài Loan | |
Phong tục đón Tết truyền thống đặc biệt của người Trung Quốc |
2018 là một năm có nhiều thay đổi và dấu mốc quan trọng trong chính trị nội bộ Trung Quốc.
Kiện toàn bộ máy, tập trung ổn định nội bộ
Ngay sau Đại hội Đảng lần thứ 19, Trung Quốc đã kiện toàn nhân sự cấp cao trong toàn hệ thống chính trị, từ Đảng tới Chính phủ, Quốc hội và Chính hiệp. Đặc biệt, trong năm 2018, Trung Quốc đã hoàn tất việc sắp xếp lại toàn bộ bộ máy lãnh đạo tại các bộ, ngành, địa phương; tiến hành đợt cải tổ bộ máy Đảng và Nhà nước có quy mô lớn nhất kể từ năm 1978 đến nay.
Mục đích của đợt cải tổ quy mô lớn này là nhằm tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tiến tới xây dựng một hệ thống quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả với việc Đảng đóng vai trò then chốt trong mọi mặt của đời sống xã hội. Để đáp ứng được yêu cầu mới, Trung Quốc đã thể chế hóa, nâng cấp một loạt “tiểu tổ lãnh đạo” trước đây thành các ủy ban trung ương với vai trò rất lớn, được quyền đặt văn phòng tại nhiều bộ, ngành để trực tiếp chỉ đạo, giám sát…
Công nhân trên công trường xây dựng ở Bắc Kinh. (Nguồn: World finance) |
Về lý luận, Trung Quốc đã đưa “tư tưởng Tập Cận Bình về xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” vào điều lệ Đảng và Hiến pháp, đã sửa đổi hiến pháp và bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ đối với chức vụ Chủ tịch nước.
Phòng chống tham nhũng được thể chế hóa thêm một bước. Ủy ban giám sát quốc gia Trung Quốc cơ bản được hình thành và đi vào vận hành, tồn tại độc lập so với Quốc Vụ Viện (Chính phủ) và chính quyền các cấp, với chức năng chính là giám sát toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị khi thực thi công vụ.
Càng về cuối năm, Trung Quốc có một số dấu hiệu bất ổn định như phức tạp tại Tân Cương, Tây Tạng; tình trạng tụ tập đông người đòi quyền lợi ở nhiều nơi, quan hệ khó khăn với Đài Loan. Sau kỳ họp Nhân Đại tháng 3/2018 đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về tập trung quyền lực, xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước. Dù vậy, về tổng thể Trung Quốc vẫn cơ bản giữ được ổn định chính trị - xã hội. Đây là tiền đề quan trọng để Trung Quốc bước vào năm 2019.
Sức ép lớn đối với nền kinh tế
Năm 2018, kinh tế Trung Quốc có hai bộ mặt khác nhau. Nửa đầu năm, kinh tế Trung Quốc nhìn chung vận hành tương đối ổn. Tái cơ cấu kinh tế đạt kết quả tích cực, tiếp tục chuyển đổi mô hình từ tăng trưởng tốc độ cao sang tăng trưởng chất lượng cao. Cải cách kết cấu theo hướng trọng cung, cơ bản cắt giảm sản lượng than và thép. Tỷ trọng dịch vụ trong GDP đạt 53,1%, tăng so với mức 51,6% của năm 2017. Tỷ lệ đóng góp của tiêu dùng trong GDP đạt 78%.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 7/2018 trở đi, kinh tế Trung Quốc bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều dấu hiệu xấu.
Tốc độ tăng trưởng GDP quý III/2018 chỉ đạt 6,5% - mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Tỷ lệ thất nghiệp cũng có dấu hiệu gia tăng. Giá trị đồng NDT giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Thị trường chứng khoán cũng liên tục sụt giảm mạnh. Đáng lo ngại là nợ công của Trung Quốc đã lên tới mức kỷ lục 28.000 tỷ USD, tương đương 250% GDP và bằng tất cả nợ công của các nước đang phát triển trên thế giới cộng lại.
Để đối phó với những tác động tiêu cực của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Bắc Kinh đã nhiều lần bơm tiền vào nền kinh tế, hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại, phá giá đồng NDT… để kích thích tăng trưởng.
Sau cuộc họp ngày 31/10/2018, Bộ Chính trị Trung Quốc phải thừa nhận nước này đang đứng trước nhiều khó khăn của khu vực kinh tế tư nhân, nguy cơ tiếp tục suy giảm tăng trưởng. Nền kinh tế Trung Quốc cũng đang gặp nhiều vấn đề ngày càng lớn về bảo đảm cân đối vĩ mô. Trung Quốc đã kêu gọi bảo đảm 6 ổn định gồm: công ăn việc làm, ngoại thương, đầu tư, dự trữ chiến lược, tài chính, giá cả bất động sản ở các thành phố cấp hai và cấp ba. Nhu cầu đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào Mỹ, nhu cầu giữ ổn định để tránh hạ cánh cứng và chuyển đổi mô hình kinh tế của Trung Quốc đang ngày càng lớn và cấp bách hơn bao giờ hết.
Chính thức từ bỏ “giấu mình chờ thời”
Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chính thức khẳng định từ bỏ chủ trương “giấu mình chờ thời” được thực thi từ thời Đặng Tiểu Bình. 2018 là năm đầu tiên Trung Quốc triển khai đường lối đối ngoại “tích cực hành động”, phấn đấu hoàn thành “Giấc mộng Trung Quốc”. Trung Quốc tích cực triển khai “chính sách ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc” với 3 nội dung cơ bản là xây dựng “cộng đồng chung vận mệnh nhân loại”, thiết lập “quan hệ quốc tế kiểu mới” và đẩy mạnh sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI).
Trung Quốc đã nỗ lực kiện toàn cơ chế ra quyết sách với việc nâng cấp “Tiểu tổ lãnh đạo công tác đối ngoại trung ương” thành “Ủy ban công tác đối ngoại trung ương” và tăng ngân sách cho ngành ngoại giao lên 15,5% (so với năm 2017), đạt mức 9,45 tỷ USD trong năm 2018.
Nhìn chung, môi trường đối ngoại của Trung Quốc trong năm 2018 trở nên phức tạp hơn nhiều, chủ yếu do cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng. Các nước lớn ngày càng lo ngại trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, đặc biệt là lo ngại chiến lược “Chế tạo tại Trung Quốc 2025”.
Trong quá trình triển khai chính sách, Trung Quốc đã tập trung nhiều nỗ lực để xử lý quan hệ với Mỹ. Quan hệ Mỹ - Trung đã chuyển sang giai đoạn phát triển mới về chất với đặc trưng là cạnh tranh chiến lược gia tăng. Cuộc chiến thương mại mà Mỹ phát động chống lại Trung Quốc từ đầu tháng 7/2018 đang có dấu hiệu lan rộng sang các lĩnh vực phi thương mại như công nghệ, chính trị, an ninh, quốc phòng…
Trung Quốc đã có những đối sách linh hoạt, vừa đáp trả mạnh mẽ, vừa chủ động đi vào đàm phán và bước đầu có một số nhượng bộ để giữ vững môi trường hòa bình, ổn định phục vụ mục tiêu phát triển và chấn hưng dân tộc.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc cũng đã có những điều chỉnh linh hoạt trong quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, cải thiện quan hệ với Nhật Bản, điều chỉnh quan hệ với Ấn Độ, tăng cường tranh thủ ASEAN, chủ động giảm va chạm trên Biển Đông; tranh thủ các diễn đàn đa phương, đặc biệt là các cơ chế thương mại đa phương, đề cao chủ nghĩa đa phương, chống lại chủ nghĩa bảo hộ và có xu hướng muốn quảng bá “mô hình phát triển đặc sắc Trung Quốc” ra bên ngoài.
Ưu tiên cao cho ổn định trong - ngoài
Năm 2019, Trung Quốc vẫn sẽ ưu tiên cao cho ổn định cả ở bên trong và môi trường bên ngoài. Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát mọi mặt tình hình.
Nền kinh tế sẽ tiếp tục suy giảm tốc độ tăng trưởng nhưng Trung Quốc sẽ chú trọng hơn tới việc đa dạng hóa thị trường, tạo công ăn việc làm, ổn định đầu tư, thương mại và tài chính…
Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng vẫn có bước tiến nhưng còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Trung Quốc sẽ hỗ trợ mạnh mẽ khối kinh tế tư nhân, đẩy mạnh tự chủ trong nghiên cứu khoa học và thúc đẩy sáng tạo, nhất là 10 ngành ưu tiên trong Chương trình “Chế tạo tại Trung Quốc 2025”.
Về đối ngoại, Trung Quốc ưu tiên xử lý quan hệ với Mỹ, coi đây là nhân tố có tính quyết định tới sự thành công của đường lối đối nội và đối ngoại Trung Quốc và hướng mạnh hơn tới mục tiêu 100 năm thứ nhất vào năm 2021. Trung Quốc sẽ tiếp tục linh hoạt và mềm dẻo với các nước láng giềng, trong đó có ASEAN, nhưng sẽ không từ bỏ các mục tiêu chiến lược và những lợi thế mà Trung Quốc đang có trong tay, nhất là trên Biển Đông.
TS. Trần Việt Thái
Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao
Đàm phán thương mại Mỹ - Trung: Ông Trump có thể một lần nữa vung "thanh đại đao" thuế quan Giới thạo tin cho biết, có rất ít dấu hiệu cho thấy các quan chức Trung Quốc sẽ sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu ... |
Dịch vụ "tắm lẩu" nở rộ ở Trung Quốc Một thành phố du lịch ở miền Đông Trung Quốc đang tìm cách thu hút khách du lịch với dịch vụ tắm nước nóng được ... |
Trung Quốc đẩy mạnh phát triển du lịch chất lượng cao Chính phủ Trung Quốc đã tung ra nhiều biện pháp quan trọng để cải thiện chất lượng dịch vụ du lịch trong bối cảnh tăng ... |