📞

Trung Quốc bắt đầu đàm phán không chính thức với các bên tham gia CPTPP

Lê Ly 16:46 | 28/02/2021
TGVN. Trung Quốc bắt đầu đàm phán không chính thức với các bên tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Việc Trung Quốc tham gia các hiệp định thương mại khu vực như RCEP hay CPTPP có thể giúp cải thiện thương mại khu vực. (Nguồn: China Daily)

Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn cho biết cuộc đàm phán được tổ chức để hiểu rõ hơn một số chi tiết kỹ thuật của thỏa thuận này. Ngoài ra, theo quan chức Trung Quốc, Bắc Kinh đang xem xét liệu sự tham gia CPTPP có thích ứng với triển vọng thị trường trong nước.

Trong một thời gian dài, Trung Quốc không bày tỏ ý muốn tham gia hiệp định. Tuy nhiên, năm 2020, Trung Quốc cho biết họ đang xem xét tham gia CPTPP.

Chuyên gia Chen Hong, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương tại Đại học Sư phạm Hoa Đông nhận xét trong cuộc phỏng vấn của Sputnik: “Vào tháng 11/2020, khi phát biểu tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc đang tích cực nghiên cứu việc tham gia CPTPP. Sau khi ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Bắc Kinh tiếp tục tích cực tham gia vào nhiều cơ chế hợp tác đầu tư và thương mại đa phương và song phương. Điều này cũng cho thấy Trung Quốc tích cực ủng hộ thương mại tự do.

Sau khi Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi TPP, Nhật Bản, Australia và các nước khác bắt đầu thúc đẩy một định dạng mới là CPTPP. Vào thời điểm đó, nhiều người bày tỏ ý muốn Trung Quốc tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế khu vực. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và là đối tác thương mại lớn nhất hoặc lớn thứ hai của nhiều quốc gia.

Chuyên gia Chen Hong chỉ ra rằng, việc Trung Quốc tham gia các hiệp định thương mại khu vực như RCEP hay CPTPP có thể giúp cải thiện thương mại khu vực, đưa thương mại tự do lên một tầm cao mới, tăng cường đảm bảo về thể chế và tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh doanh giữa các nước thành viên.

Ở chiều ngược lại, việc tham gia RCEP hoặc CPTPP sẽ tác động tích cực đến việc đẩy nhanh cải cách các hệ thống và thủ tục liên quan ở Trung Quốc, vì vậy đây là sự hợp tác cùng có lợi.

Tuy nhiên, nếu Trung Quốc quyết định tham gia CPTPP, con đường gia nhập không dễ dàng. Bắc Kinh sẽ phải đạt thỏa thuận về các điều khoản với tất cả các bên tham gia, bao gồm Australia, Nhật Bản, Canada. Trung Quốc có những mâu thuẫn nhất định với các đồng minh truyền thống của Mỹ.

Ví dụ, Bắc Kinh có các vấn đề thương mại với Australia, sau khi Trung Quốc cấm một số mặt hàng nhập khẩu từ Australia gồm rượu vang, lúa mạch, thịt bò, than đá. Quan hệ với Canada cũng đang gặp không ít khó khăn, đặc biệt là sau khi Ottawa bắt giữ Giám đốc tài chính của tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei Mạnh Vãn Chu.

Cuối cùng, triển vọng của Trung Quốc gia nhập CPTPP vẫn chưa rõ ràng nếu Mỹ đột ngột muốn quay trở lại hiệp định. Không thể loại trừ khả năng Mỹ tham gia trở lại hiệp định bởi tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hủy bỏ nhiều sắc lệnh của người tiền nhiệm. Mặt khác, chính quyền Mỹ lại đi theo hướng hội nhập vào các cơ chế tài chính và thương mại quốc tế.

Vì thế, Trung Quốc và Mỹ có thể hợp tác với nhau vì lợi ích của sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Chuyên gia Chen Hong nhận xét: “Trung Quốc là một nhân tố quan trọng trong quá trình quản trị toàn cầu. Nếu Trung Quốc gia nhập CPTPP, điều này có thể thúc đẩy sự phát triển bình thường và hiệu quả của thương mại thế giới.

Chính quyền mới của Mỹ đang thay đổi hướng đi từ chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa bảo hộ vốn là đặc trưng của thời chính quyền tiền nhiệm của ông Trump, sang việc quay trở lại một số cơ chế đa phương. Trung Quốc muốn hợp tác với các nước khác, bao gồm cả Mỹ, để hợp lực và cùng nhau khôi phục nền kinh tế toàn cầu và thiết lập một trật tự kinh tế quốc tế công bằng”.

Từ một góc nhìn khác, Trung Quốc là thị trường tiêu dùng và đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các quốc gia tham gia CPTPP, bao gồm Australia, New Zealand và Nhật Bản. Tự do hóa thương mại sẽ củng cố vị thế cạnh tranh của các sản phẩm của họ trên thị trường, điều này đặc biệt quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Tỷ trọng của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới là lớn hơn so với tất cả các thành viên CPTPP cộng lại, vì vậy sự tham gia của Trung Quốc có thể làm tăng đáng kể ảnh hưởng của hiệp hội này đối với tất cả các quá trình thương mại trên thế giới.

(theo Sputnik)