Wang Xing đang thành công với website Meituan, phiên bản nhái Groupon của Mỹ. |
Nhái từ Facebook tới Groupon
Cuối năm 2005, Xiaonei, một trang mạng xã hội ở Trung Quốc xuất hiện và nhanh chóng thu hút lượng truy cập lớn. Điểm đặc biệt của website này là được sao chép từ trang mạng số 1 thế giới Facebook và phát triển không ngừng trở thành phiên bản “Facebook Trung Quốc”. Nhưng không đầy một năm sau, cha đẻ của Xiaonei, Wang, đã phải bán cho Công ty Oak Pacific Interactive với giá 4 triệu USD vì không đủ khả năng tài chính.
Sau thành công trên, nhóm của Wang tiếp tục cho ra đời phiên bản nhái của Twitter mang tên Fanfou. Tuy nhiên, Fanfou đã không thành công như "người anh cả" vì trang Xiaonei, với tên mới là Renren, đã nhanh chóng nở rộ dưới sự điều hành của những người chủ mới và được định giá hơn 4 tỉ USD.
Không dừng lại, nhóm của Wang lại tiếp tục cho ra đời những trang web nhái khác. Và tháng 3/2010 họ tung ra Meituan, một phiên bản nhái của trang mua sắm đang rất nổi tiếng Groupon. Đó là một trong hai trang web nhái Groupon lớn nhất của Trung Quốc. Với doanh thu hơn 12 triệu USD/tháng, Meituan đang chuẩn bị nhận khoản đầu tư 50 triệu USD của các nhà đầu tư.
Cuộc chiến nóng bỏng
Trung Quốc được đánh giá là thị trường rất tiềm năng cho các dịch vụ mua hàng qua mạng với hơn 457 triệu người dùng. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Đã có không ít công ty có vốn đầu tư nước ngoài nhưng vẫn không thể cạnh tranh lại các công ty trong nước.
Meituan là cỗ máy kiếm tiền tốt nhất của Wang trong "sự nghiệp" nhân bản các mô hình web thành công từ trước tới giờ. Nhưng để có được sự thành công đó, Wang đã phải đánh bại hàng loạt web nhái khác. Theo ước tính, chỉ trong vòng 1 năm, Trung Quốc đã chứng kiến sự ra đời của 3.000 doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình Groupon.
Sự cạnh tranh đã đẩy chi phí nhân sự, đặc biệt là đội ngũ kinh doanh, lên cao tại hơn 100 thành phố ở Trung Quốc, ăn lẹm vào khoản hoa hồng mà các website nhái này được hưởng từ mỗi coupon được bán ra cho các suất ăn nhà hàng, vé xem phim và các dịch vụ khác. Khoản hoa hồng của Meituan giờ đã giảm một con số, từ mức ban đầu là 20%. Và các công ty đối thủ khác cũng chỉ được hưởng khoản thu dưới 10%. Tại Mỹ, Groupon thông thường hưởng mức "ăn chia" 30% hoặc cao hơn.
Cuộc chiến ngày càng trở nên nóng bóng khi tháng 3/2010, mạng Groupon "xịn" đã chính thức tiến quân vào thị trường Trung Quốc, thông qua địa chỉ Gaopeng.com do tên miền Groupon.cn đã bị một doanh nghiệp Trung Quốc nhanh chân đăng ký. Trước mắt, Gaopeng.com sẽ hợp tác với Tencent.com, trang web chuyên cung cấp các dịch vụ giải trí và thương mại điện tử.
Groupon tuyên bố: "Liên doanh mới của chúng tôi ở đất nước đông dân nhất thế giới là sự kết hợp giữa những kinh nghiệm mua sắm của Groupon, một tập đoàn có quy mô toàn cầu, với những hiểu biết sâu sắc về thị trường của đối tác Tencent". Với khoản tiền đầu tư 950 triệu USD vừa nhận được hồi tháng 1/2011, Groupon đang có tiềm lực tài chính rất ổn định để mở rộng dịch vụ mới của mình.
Trước sức ép từ Groupon "xịn", thay vì đầu hàng, các website nhái cũng bơm thêm ngân sách quảng cáo. Groupon.cn, trang ăn tối nổi tiếng Dianping and Nuomi, Renren cũng thi nhau tăng cường quảng cáo. Người chiến thắng rõ ràng nhất chính là các công ty quảng cáo. Còn giải thưởng lâu dài dành cho các website nhái có thể là thị trường tiêu dùng rộng lớn và béo bở của Trung Quốc.
Kinh doanh kiểu copy mô hình của các công ty Internet phương Tây là một con đường khá dễ đi ở Trung Quốc, nơi có khách hàng lớn, có rào cản ngôn ngữ và các quy định về chính trị thường khó khăn cho các doanh nghiệp nước ngoài. Vì thế, Trung Quốc trở thành thị trường nội địa hứa hẹn cho các công ty bản địa. Groupon là mô hình rất dễ sao chép, thị trường Trung Quốc cũng đã quen với việc mua khuyến mãi trước khi Groupon thực sự bắt đầu tại Mỹ.
Mô hình kinh doanh kiểu Groupon thu hút được nhiều doanh nghiệp trên thế giới bắt chước, là bởi nó mang lại lợi ích cho cả ba bên: Khách hàng chi trả ở mức giá thấp hơn; người làm kinh doanh có cơ hội tăng doanh thu và có thêm khách hàng tiềm năng mới; và trang web trung gian thì thu được phí từ chiết khấu của nhà cung cấp sản phẩm. Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh gay gắt nhất, cho tới lúc này, có thể không ở đâu bằng Trung Quốc.
Thụy My