Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan trước cuộc hội đàm tại Bắc Kinh ngày 27/8. (Nguồn: Reuters) |
Định hình quan hệ theo hướng phù hợp
Việc Phó Tổng thống Kamala Harris ra tranh cử Tổng thống Mỹ làm thay đổi tính toán của Bắc Kinh đặt trong bối cảnh chuyến thăm Trung Quốc của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan (27-29/8).
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình muốn thông qua cuộc gặp với ông Sullivan để thúc đẩy thế ổn định trong quan hệ giữa hai siêu cường toàn cầu, tìm cách định hình quan hệ theo hướng phù hợp với mong đợi của Bắc Kinh khi kỳ bầu cử tổng thống Mỹ đến gần.Trong tuần này, cố vấn Sullivan đã gặp một số quan chức cấp cao tại Bắc Kinh.
Phía Trung Quốc đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đúng những thỏa thuận mà lãnh đạo cấp cao hai nước đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh ở California tháng 11/2023 – ở đó Tổng thống Joe Biden cam kết Mỹ sẽ tránh một cuộc "Chiến tranh Lạnh" với Trung Quốc và tìm kiếm những lĩnh vực hợp tác mới.
Theo truyền thông Trung Quốc, trong trao đổi với ông Sullivan, ông Tập Cận Bình nói rằng Mỹ và Trung Quốc cần phải là nguồn tạo ổn định cho hòa bình thế giới, và ông kỳ vọng Mỹ sẽ nhìn nhận sự phát triển của Trung Quốc dưới góc độ tích cực.
Tiếp Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh: "Trong thế giới đầy biến động và thay đổi này, các quốc gia cần sự đoàn kết và hợp tác, chứ không phải sự loại trừ hay thoái lui". |
Nhà Trắng cho biết ông Tập Cận Bình và ông Joe Biden dự kiến có cuộc điện đàm trong một vài tuần tới.
Tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 29/8, ông Sullivan cho biết lãnh đạo hai nước có thể gặp trực tiếp vào cuối năm.
Lịch trình chuyến thăm Trung Quốc lần này của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ có cả cuộc gặp hiếm hoi với quan chức cấp cao quân đội Trung Quốc – một biểu hiện cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng giữ cầu quan hệ.
Trong nhiều tháng, giới lãnh đạo Trung Quốc thiên theo kịch bản cựu Tổng thống Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng và có thể gây ra tình thế quan hệ khó đoán định.
Nhưng việc Phó Tổng thống Kamala Harris ra tranh cử, nổi lên là ứng cử viên nặng ký trong cuộc đua tổng thống đã tạo cho Bắc Kinh động lực mới để củng cố thế hợp tác vốn mong manh với Washington hơn một năm qua.
Di sản ràng buộc
Phát biểu trước báo giới trong các cuộc tiếp xúc với quan chức Trung Quốc, ông Sullivan chia sẻ kinh nghiệm bản thân khi làm việc với bà Harris trong bốn năm qua, nói rằng bà là người đại diện cho bước tiếp nối của chính quyền Tổng thống Biden trong nỗ lực bảo đảm rằng cạnh tranh Mỹ-Trung sẽ không biến thành xung đột.
Theo Daniel Russel, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ và Hiện là Giám đốc Viện chính sách hội châu Á (ASPI), tại thời điểm chỉ còn 6 tháng nữa ông Biden rời Nhà Trắng, Bắc Kinh mong đợi bà Harris - nếu là người thắng cử, sẽ nhận thức rõ trách nhiệm thực thi các thỏa thuận đã đạt được dưới thời hai nhà lãnh đạo Joe Biden-Tập Cận Bình. Trung Quốc cho rằng đó chính là một di sản và sẽ ràng buộc bà Harris.
Trong quãng thời gian ông Biden cầm quyền tại Nhà Trắng, quan hệ ngoại giao Mỹ-Trung mang đặc trưng chuyển động chậm chạp và ít đột phá.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan: "Tổng thống Biden cam kết quản lý một cách có trách nhiệm mối quan hệ quan trọng này để đảm bảo rằng sự cạnh tranh không biến thành xung đột hoặc đối đầu, và hợp tác khi chúng ta cùng có lợi ích". |
Giới chức Mỹ, trong đó có ông Sullivan, nỗ lực tìm cách giữ hai nền kinh tế hàng đầu thế giới tránh lâm vào xung đột, đồng thời xây dựng mặt trận phản đối ý định của Trung Quốc muốn trỗi dậy và gia tăng ảnh hưởng toàn cầu.
Trong ngày 29/8, ông Sullivan có cuộc gặp với Thượng tướng Trương Hữu Hiệp. Ông Sullivan là cố vấn an ninh quốc gia Mỹ lần đầu tiên tiếp xúc với Phó Chủ tịch Quân ủy Trung Quốc kể từ năm 2016.
Trao đổi với báo chí, ông Sullivan cho biết qua cuộc gặp lần này muốn nêu rõ ý định cũng như quan ngại của Mỹ trước một loạt những vấn đề quân sự nhạy cảm, đồng thời lắng nghe quan điểm từ phía Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia nghiên cứu về quan hệ Mỹ-Trung đánh giá rằng vì là người ít kinh nghiệm ngoại giao, bà Harris sẽ dập khuôn phần lớn các chính sách của ông Biden, ít nhất là trong giai đoạn đầu nắm quyền nếu thắng cử.
Do đó, rất khó để nhận định chính xác hành xử của Harris khi đứng trước một cuộc khủng hoảng tiềm tàng.
Bắc Kinh sẽ phải lần mò, tìm kiếm tín hiệu dựa trên việc lựa chọn nhân sự của Harris cho đội ngũ quan chức cấp cao phụ trách chính sách với Trung Quốc.
Yun Sun, Giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson Center có trụ sở tại Washington, bình luận: “Quả thực Trung Quốc đang ở thế chờ đợi. Qua chuyến thăm của ông Sullivan, có thể thấy rõ rằng Trung Quốc đã tận dụng cơ hội này để tái khẳng định quan điểm của Bắc Kinh về quan hệ song phương, với hy vọng xác lập tiền lệ và nguyên tắc cho chính quyền tiếp theo tại Mỹ”.
| Mỹ trừng phạt nhiều thực thể Trung Quốc liên quan đến Nga, Bắc Kinh chính thức lên tiếng Ngày 25/8, Bộ Thương mại Trung Quốc lên tiếng lo ngại sau quyết định của Mỹ về việc đưa nhiều thực thể của nước này ... |
| Tổng thống Mỹ tiếp theo không nên tạo cuộc chiến kinh tế đồng thời với cả Trung Quốc và Nga, đây là lý do Trong bài viết mới đây trên Aljazeer, tác giả Maximilian Hess (*) cho rằng, nếu tổng thống Mỹ tiếp theo quyết định tiến hành một ... |
| Bắc Kinh chỉ điểm lựa chọn đúng đắn duy nhất trong quan hệ Mỹ-Trung Mới đây, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tạ Phong khẳng định, hợp tác là lựa chọn đúng đắn duy nhất trong quan hệ Mỹ-Trung, ... |
| Cuộc đối thoại hiếm hoi giữa Cố vấn An ninh Mỹ và tướng quân đội Trung Quốc: Bắc Kinh nhắc nhở 'ranh giới đỏ' đầu tiên Washington không được vượt qua Ngày 29/8, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã gặp Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Trương Hựu Hiệp ... |
| Vấn đề hạt nhân: Nga chẳng ngán 'búa tạ' Mỹ, Trung Quốc theo đuổi chiến lược tự vệ, Washington-Bắc Kinh còn 'đoạn đường dài' phải đi Ngày 29/8, cả Nga, Trung Quốc và Mỹ đều đưa ra các bình luận mới nhất về vấn đề hạt nhân. |