Các nhà sử học rất có thể sẽ xem năm 2020 là năm nhiều biến cố. Nhờ Covid-19, nhiều quốc gia đã học được những bài học “quý giá” về chuỗi cung ứng phụ thuộc vào Trung Quốc và thái độ của cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc đã thay đổi. Nguồn: Internet. |
Trong bài phát biểu Năm Mới gần đây nhất, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng năm 2020 sẽ là “một cột mốc quan trọng”. Chủ tịch Tung Quốc đã đúng, nhưng không phải theo cách mà ông mong đợi. Không còn “bạn bè ở mọi nơi trên thế giới” như ông đã nói trong bài phát biểu, Trung Quốc đã làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín quốc tế, xa lánh các đối tác và chỉ để lại cho mình một đòn bẩy quyền lực thực sự: đó là vũ lực. Tuy nhiên, liệu viễn cảnh bị cô lập có thể ngăn cản được tham vọng đế quốc của Trung Quốc hay không thì vẫn còn phải chờ xem.
2020 – năm của nhiều biến cố!
Các nhà sử học rất có thể sẽ xem năm 2020 là năm nhiều biến cố. Nhờ Covid-19, nhiều quốc gia đã học được những bài học “quý giá” về chuỗi cung ứng phụ thuộc vào Trung Quốc và thái độ của cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc đã thay đổi. Tình hình bắt đầu thay đổi khi có thông tin cho rằng Tung Quốc che giấu thế giới thông tin quan trọng về virus corona gây ra đại dịch Covid-19, lần đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán - một phát hiện được xác nhận trong một báo cáo gần đây của tình báo Mỹ. Vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi Chủ tịch Tập Cận Bình cố gắng lợi dụng tình hình dịch bệnh, trước tiên là tích trữ sản phẩm y tế - một thị trường mà Trung Quốc thống trị - và sau đó là thúc đẩy hành động bành trướng hiếu chiến, đặc biệt ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Điều này đang làm thay đổi nhanh chóng bối cảnh địa chiến lược của khu vực, với các cường quốc khác đang chuẩn bị chống lại Trung Quốc.
Nhật Bản dường như bắt đầu hợp tác với nhóm “Five Eyes”- liên minh thu thập và chia sẻ thông tin tình báo lâu đời nhất thế giới, bao gồm Australia, Canada, New Zealand, Anh và Mỹ. Một liên minh mới “Six Eyes” sẽ đóng vai trò là trụ cột an ninh quan trọng của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hơn nữa, Nhóm Bộ Tứ - bao gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ - dường như đã sẵn sàng để tăng cường hợp tác chiến lược sâu sắc hơn. Đặc biệt, điều này cho thấy một sự thay đổi rất đáng chú ý từ phía Ấn Độ, quốc gia đã dành nhiều năm để xoa dịu Trung Quốc.
Phải thay đổi chính sách
Như Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien đã lưu ý, “Trung Quốc gần đây tỏ ra hung hăng với Ấn Độ”. Kể từ cuối tháng 4/2020, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã chiếm đóng một vài khu vực ở vùng Ladakh, phía Bắc Ấn Độ, làm gia tăng sức nóng cho cuộc xung đột biên giới âm ỉ kéo dài.
Điều này khiến Thủ tướng Narendra Modi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thay đổi chính sách. Ông Modi đang cân nhắc mời Australia tham gia cuộc tập trận hải quân thường niên Malabar với các lực lượng Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ vào cuối năm nay. Australia đã rút khỏi cuộc tập trận này vào năm 2008 khi đó chỉ có Mỹ và Ấn Độ tham gia. Mặc dù Nhật Bản chính thức tham gia vào năm 2015, song Ấn Độ vẫn do dự mời Australia tham gia trở lại cuộc tập trận này, vì sợ sẽ khiêu khích Trung Quốc. Giờ thì không còn sự do dự nữa. Với việc Australia một lần nữa tham gia cuộc tập trận Malabar, nhóm Bộ Tứ sẽ có một nền tảng chính thức, thiết thực cho các cuộc tập trận hải quân.
Hiện tại, sự hợp tác giữa các nước thành viên trong nhóm Bộ Tứ đang giành được một số lợi thế chiến lược. Tháng 6 vừa qua, Australia và Ấn Độ đã ký Thỏa thuận tương hỗ hậu cần nhằm tăng cường khả năng tương tác quân sự thông qua các hoạt động quốc phòng song phương. Ấn Độ có một thỏa thuận tương tự với Mỹ và dự kiến sẽ sớm ký thỏa thuận tương tự với Nhật Bản.
Về phần mình, Nhật Bản gần đây đã thêm Australia, Ấn Độ và Anh vào danh sách đối tác chia sẻ thông tin tình báo bằng cách điều chỉnh luật bí mật nhà nước năm 2014 mà trước đây chỉ có trao đổi với Mỹ. Điều này sẽ củng cố hợp tác an ninh của Nhật Bản theo luật năm 2016, trong đó xác định lại Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản thời hậu chiến do Mỹ áp đặt, theo cách Nhật Bản có thể hỗ trợ các đồng minh đang bị tấn công.
Lợi chung ích riêng
Do đó, các nền quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang thúc đẩy các mối quan hệ chiến lược chặt chẽ hơn để đối phó với mức độ hiếu chiến ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Bước hợp lý tiếp theo sẽ là các nước này đóng vai trò phối hợp, đồng bộ hơn trong việc thúc đẩy an ninh khu vực rộng lớn hơn. Vấn đề là các lợi ích an ninh của Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản hoàn toàn không tương đồng.
Đối với Ấn Độ và Nhật Bản, mối đe dọa an ninh mà Trung Quốc tạo ra là cấp bách hơn nhiều, được thể hiện qua sự hung hăng của Trung Quốc đối với Ấn Độ và hoạt động xâm nhập thường xuyên hơn vào vùng biển Nhật Bản. Hơn nữa, Ấn Độ là thành viên duy nhất trong nhóm Bộ Tứ vẫn duy trì thế trận phòng thủ trên bộ, và họ sẽ đối mặt với viễn cảnh rất thực tế về một cuộc xung đột với Trung Quốc ở biên giới Himalaya.
Ngược lại, Mỹ chưa bao giờ nghĩ đến một cuộc chiến trên bộ với Trung Quốc. Mục tiêu hàng đầu của Mỹ là ngăn chặn các thách thức kinh tế, địa chính trị và hệ tư tưởng của Trung Quốc đối với sự ưu việt toàn cầu của Mỹ. Việc Mỹ theo đuổi mục tiêu này sẽ là di sản chính sách đối ngoại để lại hậu quả nặng nề nhất của Tổng thống Donald Trump.
Trong khi đó, Australia phải can dự với một hành động cân bằng tinh tế. Trong khi Australia muốn bảo vệ các giá trị và ổn định khu vực, họ vẫn phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc vốn chiếm 1/3 lượng xuất khẩu của nước này. Vì vậy, ngay cả khi Australia theo đuổi các mối quan hệ gần gũi của mình với nhóm Bộ Tứ, họ đã từ chối lời kêu gọi của Mỹ tham gia các cuộc tuần tra hải quân ở Biển Đông. Như Ngoại trưởng Australia Marise Payne gần đây tuyên bố rằng Australia “không có ý định làm tổn thương mối quan hệ với Trung Quốc”.