Trung Quốc đối mặt với nhiều thuận lợi và thách thức khi đệ đơn gia nhập CPTPP - ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images) |
Ngày 17/9 vừa qua, Trung Quốc gây bất ngờ khi chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP. Không ít chuyên gia cho rằng đây chỉ là chiêu bài về mặt chiến lược của Bắc Kinh nhằm phản ứng sau khi Washington thành lập đối tác an ninh Mỹ - Anh - Australia (AUKUS).
Thêm vào đó, Trung Quốc cần có sự chấp thuận của 11 quốc gia trong CPTPP để chính thức gia nhập thỏa thuận. Trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc với Australia và Canada tiếp tục căng thẳng, nhiều người tin khả năng Bắc Kinh sẽ khó thuyết phục được hai quốc gia này.
Nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh các tiêu chuẩn về kinh tế và thương mại của Bắc Kinh còn cách CPTPP tương đối xa. Hầu hết cho rằng ngày Bắc Kinh gia nhập CPTPP còn xa, thậm chí có thể không bao giờ đến.
Tuy nhiên, ông Henry Gao, Phó Giáo sư Luật tại Đại học Quản lý Singapore, Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Thương mại quốc tế Thượng Hải (Trung Quốc), cùng ông Weihuan Zhou, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Herbert Smith Freehills CIBEL về luật và tư pháp tại Đại học New South Wales (Australia) lại nghĩ khác.
Tận dụng thời cơ
Trước hết, hai chuyên gia này nhận định dù nhiều lần khẳng định sẽ “đưa nước Mỹ trở lại”, song chính quyền của Tổng thống Joe Biden chưa thể khởi động hay hoàn thành bất kỳ một thỏa thuận thương mại quốc tế nào trong tám tháng cầm quyền.
Trớ trêu thay, đây là thời cơ hoàn hảo để Trung Quốc tìm cách gia nhập thỏa thuận thương mại từng được người Mỹ “đo ni đóng giày” để kiểm soát ảnh hưởng của chính Bắc Kinh.
Theo đó, gia nhập CPTPP sẽ phản ánh vai trò chủ động hơn của Trung Quốc trong xây dựng luật chơi quốc tế sau khi kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với láng giềng châu Á hồi năm ngoái và Hiệp định Toàn diện về Đầu tư cùng các nước châu Âu tháng 12/2020.
Ngoài ra, Trung Quốc có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đệ đơn xin gia nhập CPTPP. Từ năm 2013, Bắc Kinh đã xem xét trở thành một phần của hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trên và tới tháng 11/2020, Chủ tịch Tập Cận Bình chính thức xác nhận mong muốn này.
Quá trình chuẩn bị được đẩy nhanh vào đầu năm nay, sau khi Hội đồng Nhà nước Trung Quốc chính thức bổ nhiệm một đại diện thương mại quốc tế mới - quan chức cấp cao nhất phụ trách vấn đề đàm phán thương mại - sau khi vị trí này bị bỏ trống hơn hai năm liên tiếp.
Cùng lúc đó, Bộ Thương mại Trung Quốc dịch và đăng tải toàn bộ nội dung điều khoản của CPTPP.
Như vậy, quyết định đệ đơn gia nhập hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này là kết quả một quá trình chuẩn bị kéo dài.
Không ít chuyên gia cho rằng đây chỉ là chiêu bài về mặt chiến lược của Bắc Kinh nhằm phản ứng sau khi Washington thành lập đối tác an ninh Mỹ-Anh-Australia (AUKUS). |
Nỗ lực vì cuộc chơi chung
Tuy nhiên, liệu Trung Quốc đã sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn cao của CPTPP?
Thực tế cho thấy khoảng cách giữa các yêu cầu từ hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này và nghĩa vụ thương mại quốc tế của Trung Quốc không lớn như nhiều người tưởng tượng. Bởi lẽ, bất chấp quan ngại về chiến lược “tuần hoàn kép”, thời gian qua Trung Quốc tích cực gỡ bỏ rào cản về thương mại và đầu tư, tạo điều kiện để thúc đẩy đàm phán, trở thành một phần của CPTPP.
Đơn cử như câu chuyện về doanh nghiệp nhà nước (SOEs). Cách Trung Quốc dùng SOEs để đạt được các mục tiêu phát triển và chiến lược, từ lâu đã được cộng đồng quốc tế quan tâm đặc biệt.
Song khi đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) năm 2001, Trung Quốc đã chấp nhận tuân thủ điều kiện đặc biệt, nghiêm ngặt hơn thông thường như các đạo luật bao quát, mang tính răn đe về lũng đoạn thị trường, SOEs và vai trò của chính phủ trong hoạt động thương mại.
Dù CPTPP đã nâng cấp, cụ thể hóa một số điều luật chung của WTO, song các yêu cầu này được cho là sẽ bớt gay gắt hơn những gì mà Trung Quốc từng phải cam kết thực hiện khi gia nhập WTO.
Ngoài ra, hiện một số thành viên trong CPTPP đã được hưởng quyền miễn trừ tuân thủ nhiều điều khoản trong mục về SOEs.
Do đó, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ nỗ lực thúc đẩy để đạt lợi ích tương tự một khi gia nhập hiệp định thương mại tự do thế hệ mới gồm 11 quốc gia này.
Một lĩnh vực khác được đề cập trong CPTPP là yêu cầu về thương mại số, với nhiều người coi đây như nhiệm vụ “bất khả thi” cho Trung Quốc. Tuy nhiên, nước này đã chấp nhận cam kết tương tự của RCEP về đảm bảo dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới và cấm “bản địa hóa dữ liệu”.
Xét về mức độ, yêu cầu của RCEP không nghiêm ngặt như CPTPP, cụ thể như về chuyển giao mã nguồn.
Tới nay, yêu cầu của Trung Quốc về chuyển giao mã nguồn chủ yếu nằm trong lĩnh vực ngân hàng, hàng hóa hay dịch vụ chính phủ. Điều này không xung đột với CPTPP, khi chương về thương mại điện tử không đề cập các dịch vụ tài chính và hoạt động mua bán của chính phủ.
Thêm vào đó, trong bối cảnh quan hệ song phương còn căng thẳng, Bắc Kinh có thể phải nhượng bộ Canberra và Ottawa, từ đó thuyết phục hai quốc gia này chấp thuận đơn xin gia nhập của mình. Tương tự, Trung Quốc cũng cần tính khả năng Mỹ tận dụng điều khoản trong thỏa thuận Mỹ - Mexico - Canada (USMCA), ngăn Canada và Mexico phê chuẩn yêu cầu của chính mình.
Gỡ bỏ rào cản, nâng cao tiêu chuẩn thương mại và đầu tư quốc tế, vượt qua bất đồng song phương sẽ giúp Bắc Kinh tiến xa trên con đường gia nhập hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này.