📞

Trung Quốc: Giá thịt lợn tăng đột biến

Minh Hằng 06:37 | 10/07/2022
Số liệu chính thức công bố ngày 9/7 cho thấy lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc đã tăng trong tháng 6/2022 do giá thịt lợn tăng đột biến khi nguồn cung thắt chặt hơn.
Trung Quốc cân nhắc sử dụng nguồn dự trữ thịt lợn của nước này nhằm bình ổn giá. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hầu như đã không bị ảnh hưởng bởi giá lương thực tăng vọt trên toàn cầu, gây ra bởi căng thẳng giữa Nga và Ukraine, tuy nhiên sự ổn định này có thể bị "lung lay" bởi giá thịt lợn tăng, một loại thịt thiết yếu tại nước này.

Trong tháng 6/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), một thước đo đánh giá lạm phát bán lẻ, đã tăng 2,5%, tương ứng với mức dự báo của nhà phân tích nhưng giảm 0,2% so với mức của tháng 5/2022 do giá hầu hết các loại thực phẩm giảm trừ thịt lợn.

Trong một thông báo, nhà thống kê cao cấp thuộc Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) Dong Lijuan cho biết giá rau tươi, trứng và hoa quả tươi và hải sản đã giảm do các yếu tố như nguồn cung tăng và logistic được cải thiện. Tuy nhiên, giá thịt lợn tiếp tục tăng 2,9% do nhu cầu tăng và tình hình dịch bệnh.

Trong một dấu hiệu cho thấy sự quan ngại của các quan chức, trong tuần này, các nhà chức trách Trung Quốc thông báo đang cân nhắc sử dụng nguồn dự trữ thịt lợn của nước này để kiềm chế giá thịt sau khi giá tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2021 vào cuối tháng 6/2022.

Chính phủ Trung Quốc dự trữ thịt lợn đông lạnh và thỉnh thoảng sẽ “giải phóng” lượng thịt dự trữ để bình ổn giá, đặc biệt là trong thời điểm nhu cầu cao điểm như Tết Nguyên đán.

Giá thịt lợn đã bị ảnh hưởng lớn trong những năm gần đây sau khi các đàn lợn của nước này buộc phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi, khiến lạm phát tiêu dùng tăng đột biến.

Giá thực phẩm và xăng dầu đã lần lượt tăng 2,9% và 33,4% so với cùng kỳ năm 2021, phản ánh tác động lớn của căng thẳng Nga-Ukraine, dù cho mức lạm phát tiêu dùng vẫn duy trì từ tháng này sang tháng khác. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến giá trái cây tươi và giá vé máy bay, lần lượt tăng 19% và 28,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI), đo lường giá hàng hóa tại cổng nhà máy, đã tăng 6,1% so với một năm trước, thấp hơn một chút so với số liệu của tháng 5/2022 nhưng cao hơn so với dự báo của các nhà phân tích là 6%.

Ông Dong Lijuan cho biết giá dầu thô thế giới biến động đã ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp liên quan trong nước, trong đó chi phí của các ngành khai thác và xử lý nhiên liệu hóa thạch tăng.

Tuy nhiên, giá thép, xi măng và các ngành liên quan giảm do nhu cầu thấp hơn và đầu tư chậm lại, cũng như hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng bị cản trở bởi các đợt bùng phát trong nước gần đây.

(theo AFP)