Nông dân tiếp cận mua sắm qua trang thương mại điện tử tại ngôi làng Tuguan (Trung Quốc). |
Giữa cái nắng hè tháng Sáu, thay vì ở trong nhà để tránh nóng, người dân làng Tuguan, tỉnh Vân Nam tụ tập tại một cửa hàng tiện ích. Hàng chục nông dân chân đất, da rám nắng vây quanh chiếc máy tính để kiểm tra những giao dịch trực tuyến mới nhất về điện thoại di động, máy phun thuốc trừ sâu…
Nông dân chuộng mua sắm trực tuyến
Tất cả sản phẩm mà người dân quan tâm đều được bán trên trang thương mại điện tử mới của Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc), phiên bản dành cho nông thôn. Alibaba chỉ là một ví dụ trong hàng loạt tập đoàn thương mại điện tử đang có ý định tiến sâu vào nông thôn, “lôi kéo” người dân đặt hàng, thanh toán trực tuyến và nhận hàng tận nơi.
Ông Zhang Yibin – một người trồng nho ở Tuguan đã mua được một chiếc quạt, vài lọ thuốc trừ sâu và một chiếc xe ba bánh với tổng trị giá 13.600 NDT (hơn 2.000 USD) chỉ trong vòng hai tháng kể từ khi Alibaba mở trang mua sắm cho vùng nông thôn.
“Tôi vừa mua được hàng giá rẻ, có nhiều lựa chọn hơn mà không cần phải đi xa”, ông Zhang Yibin giải thích lý do chuyển từ cách mua hàng truyền thống sang mua trực tuyến. Ông Zhang cũng muốn tận dụng kênh thương mại này để bán nho cho khách hàng khắp cả nước.
Tháng 10/2014, Tập đoàn Alibaba đã quyết định đầu tư 10 tỷ NDT (tương đương 1,6 tỷ USD) để mở rộng tầm hoạt động tại 100.000 ngôi làng trên khắp Trung Quốc trong vòng ba đến năm năm. Kế hoạch ban đầu của Alibaba là bán đồ gia dụng, may mặc cho nông dân, sau đó dần phát triển thành nền tảng kỹ thuật số, cho phép nông dân bán rau và hoa quả cho người thành phố.
“Người dân trong vùng đã có cuộc sống khấm khá hơn và muốn mua sắm thêm nhiều thứ. Sau này, mọi người có thể bán nông sản trên Alibaba, từ đó cải thiện thu nhập và mang lại sự thịnh vượng cho ngôi làng”, ông Xu Dongzhu, Trưởng phòng Nông nghiệp Tuguan lạc quan.
Tiềm năng còn để ngỏ
Thách thức lớn nhất đối với các công ty thương mại điện tử là làm sao đưa hàng hoá đến tận tay người dân nông thôn khi hạ tầng cơ sở ở đây còn rất yếu kém. Trung Quốc không có những nhà vận chuyển có đủ khả năng giao hàng đến tất cả các địa chỉ ở vùng sâu vùng xa. Dịch vụ bưu chính quốc gia thì không đủ nhanh hoặc hiệu quả để phục vụ hết nhu cầu của các công ty bán lẻ trực tuyến. Nếu muốn đưa thương mại điện tử về nông thôn, các công ty này sẽ phải chấp nhận bỏ ra khoản tiền không nhỏ để đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Dù vậy, những khó khăn ấy không thể cản bước các “ông lớn” như Alibaba, JD.com… xâm nhập thị trường nông thôn.
Theo thông tin từ Trung tâm Thông tin mạng Internet Trung Quốc, lượng khách hàng mua sắm bằng thương mại điện tử tại vùng nông thôn Trung Quốc không bằng một phần ba khu vực thành phố. Song, thứ hạng của họ đang tăng lên một cách nhanh chóng. Năm 2014, con số này là 77 triệu người, tăng 41%, so với mức tăng 17% tại khu vực thành thị.
“Tỷ lệ người mua sắm trực tuyến ở khu vực nông thôn vẫn thấp hơn ở thành phố. Vì vậy, có một khoảng cách khổng lồ để khai phá, một thị trường rộng lớn để giành lấy”, nhà phân tích thương mại điện tử của hãng Analysys International nói.
Kế hoạch phát triển của những công ty thương mại điện tử phù hợp với chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ Trung Quốc nhằm thúc đẩy tiêu dùng của hộ gia đình, tăng tổng sản phẩm quốc nội. “Chính phủ sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển thương mại điện tử ở các vùng nông thôn”, Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định tại một cuộc họp về tình hình kinh doanh nông thôn do ông chủ trì cuối năm ngoái.