Gần 20% hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Nếu một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thành hiện thực, tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ giảm ít nhất 0,5% và tốc độ giảm có thể gia tăng theo cấp độ nóng lên của cuộc chiến. Nợ trên GDP của Trung Quốc đã tăng vọt hơn 300% từ 160% của thập kỷ trước. Và nền kinh tế thứ hai thế giới hiện đang phải đối diện với “báo động đỏ” về một bong bóng nợ tài chính đang chờ cơ hội để phát nổ.
Nợ của Trung Quốc đã tăng vọt lên hơn 300% từ mức 160% của một thập kỷ trước. (Nguồn: Shutterstock) |
Bong bóng nợ cận kề
Tính đến thời điểm này cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa xảy ra, những lời đe dọa, “nắn gân” nhau giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới cũng đang tạm lắng. Ngày 18/4 vừa qua, Bộ Thương mại Trung Quốc đã áp đặt mức thuế lên tới 178,6% tổng giá trị đơn hàng lên hạt bo bo - một loại hạt dùng để sản xuất rượu và nhiên liệu sinh học của Mỹ xuất khẩu vào Trung Quốc.
Bắc Kinh gọi đây là "thuế chống bán phá giá" vì kết luận điều tra sơ bộ cho thấy các công ty Mỹ đã bán phá giá sản phẩm này trên thị trường Trung Quốc, cạnh tranh không lành mạnh gây tổn hại hoạt động sản xuất và kinh doanh trong nước. Trong khi đó, lời đe dọa của Tổng thống Donald Trump về việc áp đặt mức thuế trị giá 150 tỷ USD trên mọi thứ nhập khẩu từ Trung Quốc từ tấm pin mặt trời cho đến ô tô, máy bay vẫn còn nguyên giá trị.
Nếu cuộc chiến thương mại thực sự xảy ra, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể sẽ chịu không ít tiêu cực. Vài năm gần đây, Bắc kinh bắt đầu điều chỉnh nền kinh tế, thay đổi cấu trúc tăng trưởng theo hướng dựa nhiều hơn vào tiêu dùng trong nước, nhưng vẫn xuất khẩu hàng tỷ USD hàng hóa và dịch vụ mỗi năm. Năm 2017, xuất khẩu của Trung Quốc sáng Mỹ đạt 506 tỷ USD, tương đương 20% tổng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ chỉ bán được 130 tỷ USD hàng hóa cho người Trung Quốc.
Hồi tháng Một, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra dự báo, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ tăng 6,6% năm 2018, nhưng bây giờ có thể giảm ít nhất 0,5%, nếu những mức thuế trên được áp dụng. Và nó có thể chậm hơn nữa, nếu chiến tranh thương mại toàn cầu thực sự nóng lên. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể bị giảm, một phần là do sự phụ thuộc vào chi tiêu trong nước đang dần tăng lên như định hướng, nhưng đây không phải là nguyên nhân tiềm ẩn đang “gặm nhấm” GDP của quốc gia này.
Trong chỉ vài năm qua, nợ của Trung Quốc đã tăng vọt lên hơn 300% từ mức 160% trong một thập kỷ trước, khiến nhiều người, bao gồm cả các quan chức Trung Quốc bắt đầu lo ngại về bong bóng nợ tài chính đang cận kề.
"Nếu bạn nhìn vào các chỉ số truyền thống như nợ trên GDP, hoặc nợ công ty trên GDP sẽ thấy nó vẫn đang gia tăng theo thời gian như thế nào, đèn vàng đã nhấp nháy", David Dollar, Chuyên gia cao cấp tại Viện nghiên cứu Brooking tại Trung Quốc cảnh báo.
Tại sao nó trở nên tồi tệ như vậy? Sau cuộc suy thoái, nước này đã phải chi hàng nghìn tỷ cho các dự án cơ sở hạ tầng, giải cứu nhiều ngân hàng, trong đó có cả các ngân hàng không được kiểm soát và hệ thống ngân hàng ngầm, đồng thời cho các công ty vay tiền để trả các món nợ. Theo Xiaoming - Chủ tịch của Huarong – một trong những công ty quản lý tài sản lớn nhất Trung Quốc, tổng các khoản vay không hiệu quả có thể đạt kỷ lục 476 tỷ USD vào năm 2020.
Các khoản vay nợ không hiệu quả là các khoản vay do các ngân hàng hoặc ngân hàng ngầm cho các doanh nghiệp hoặc cá nhân vay mà chưa được thanh toán hoặc thanh toán không lãi suất. Rủi ro đã xảy ra khi các khoản vay này không bao giờ được trả lại, các ngân hàng bắt đầu mất tiền, Giáo sư kinh tế tại Trường Quản lý Rotman của Toronto - Peter Pauly phân tích.
Nhiều khoản vay này đã được thực hiện để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng – yếu tố đã giúp nền kinh tế Trung Quốc “tăng trưởng nóng” trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến 2011. Trong giai đoạn này, tăng trưởng GDP của Trung Quốc dao động từ 9,5% đến 10,5%, nhưng rõ ràng, tăng trưởng đã được trả bằng một cái giá không rẻ.
“Nhờ bước nhảy vọt này, cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đã được cải thiện nhiều, nhưng phía sau đó là đầu tư đã được thực hiện thông qua một hệ thống tài chính tiền tệ kém, GS. Pauly phân tích. Đó là một kiểu vực dậy những vùng còn kém phát triển và sử dụng đòn bẩy tài chính một cách quá đà, là hậu quả của không kiểm soát được quá trình đó.
Lớn hơn khủng hoảng tài chính
Vấn đề cho vay không hiệu quả có thể tồi tệ hơn mọi người nghĩ, GS. Peter Pauly nhận định. Bắc Kinh đang phải đối phó với một khu vực ngân hàng kém phát triển với rất ít các quy định để giám sát lĩnh vực quan trọng này, ít nhất là so với Mỹ. “Để cải cách toàn bộ hệ thống và giải quyết các khoản nợ xấu đã được thực hiện là một thách thức vô cùng lớn đối với Chính phủ”, ông nói.
Bắc Kinh đang phải đối phó với một khu vực ngân hàng kém phát triển với rất ít các quy định để giám sát. (Nguồn: AFP) |
Vậy vấn đề lớn nhất là gì? Hệ thống ngân hàng ngầm trị giá 20.000 tỷ USD, gần như không thể kiểm soát được. Trên thực tế, giá trị của các khoản vay không hiệu quả có thể còn tồi tệ hơn, vì chẳng ai biết chính xác những gì đang xảy ra bên trong hệ thống ngân hàng ngầm này. "Không ai biết ai nợ cái gì, với ai, hay bao nhiêu," GS. Pauly nói. "Chỉ khi nó thật sự phá sản thì mọi thứ cũng bắt đầu sụp đổ".
Hệ thống ngân hàng ngầm có thể là vấn đề tài chính đáng lo ngại nhất trong nhiều thập kỷ, GS. Pauly nhận định, thậm chí nó còn là vấn đề tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng tài chính thế chấp đã thúc đẩy cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ (năm 2007).
Louis Lau - Giám đốc Nhóm đầu tư của Brandes Investment Partners cho biết, nhiều tổ chức phi ngân hàng đã tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng nguy hiểm như mỏ đồng và mỏ than hoặc các công trình xây dựng không mấy hiệu quả, bằng cách sử dụng nhiều công cụ tài chính mới chưa từng có.
Các ngân hàng truyền thống cũng đã bán các khoản nợ xấu của họ cho các tổ chức phi ngân hàng này, sau đó họ “nhào nặn” chúng thành các loại sản phẩm mới để bán cho người tiêu dùng và cũng có thể quay trở lại các ngân hàng.
Có quá nhiều các sản phẩm quản lý tài sản không thể kiểm soát được là "nguy cơ rất lớn" đối với nền kinh tế, GS. Louis Lau nói. Nếu các khoản vay này không được trả lại thì các ngân hàng có thể bắt đầu phá sản, trong khi một trong số các chính quyền địa phương đã được hưởng lợi từ các khoản vay này.
Cuối cùng, Trung Quốc đã đi quá xa trong việc thúc đẩy nền kinh tế hồi phục sau cuộc suy thoái. Theo chuyên gia David Dollar, "Khủng hoảng toàn cầu là một cú sốc lớn đối với Bắc Kinh và họ đã phản ứng rất nhanh bằng việc đầu tư quá nhiều cho cơ sở hạ tầng. Nhưng nền kinh tế này đã vượt qua khủng hoảng bằng các khoản đầu tư không đủ bù chi.
Nếu các ngân hàng Trung Quốc bắt đầu “đổ bể”, chắc chắn sẽ khiến thị trường hoảng sợ. Tuy nhiên, hầu hết các khoản nợ này nằm trong tay các tổ chức tín dụng của Trung Quốc, nên khó có thể thấy khủng hoảng ngân hàng ở quốc gia này theo cùng một cách mà chúng đã thấy ở Hy Lạp hay Tây Ban Nha.
Trung Quốc cũng đã bắt đầu cải cách những yếu kém trong ngành ngân hàng. Một trong những điều mà chính phủ đã yêu cầu các ngân hàng là ngừng cung cấp các khoản đầu tư được bảo lãnh. Trước đó, nhiều ngân hàng đã chủ động bảo lãnh hay buộc Chính phủ phải bảo lãnh cho những người nắm giữ các khoản đầu tư này khi các khoản bảo lãnh chưa được đáp ứng - và nó cũng chính là nguyên nhân làm số dư nợ trong bảng cân đối không thể giảm, GS. Louis Lau phân tích.
Áp lực chiến tranh thương mại
Trong khi đó, ngay cả khi Trung Quốc có thể ngăn chặn một cuộc khủng hoảng xảy ra, việc khắc phục hậu quả cũng không kém phần tồi tệ, làm ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng. GS. Louis Lau chỉ ra rằng, trong lịch sử, các nước có gánh nặng nợ cao cuối cùng đều phải tìm cách giảm tốc độ tăng trưởng. Cặp đôi vấn đề - chiến thương mại và vấn đề GDP của Trung Quốc kết hợp có thể khiến tăng trưởng giảm nhanh hơn người ta nghĩ.
Tranh châm biến về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. (Nguồn: FT) |
Xét ở tình hình hiện tại, nếu thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc vẫn chỉ ở mức đe dọa, sẽ không có tác động tàn phá đến nền kinh tế thứ hai thế giới. So với trước, nền kinh tế này đã giảm phụ thuộc vào xuất khẩu, "Mỹ đã tính toán sai về điều này", Chuyên gia Dollar nói. Và nó có thể tránh thuế quan Mỹ bằng cách xuất khẩu hàng hóa sang các nước khác, GS. Pauly nói thêm.
Tuy nhiên, nếu Mỹ quyết định đánh thuế cao vào tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể bị chậm lại theo một cách khác. Lúc đó, cặp đôi vấn đề - chiến tranh thương mại và bất ổn về tài chính sẽ khiến nền kinh tế thứ hai thế giới tăng trưởng không thể chậm hơn nữa.
"Nếu tăng trưởng chậm lại đến 2%, đó sẽ là một cuộc khủng hoảng thật sự", Chuyên gia David Dollar nhận định. Dù bất kỳ trường hợp nào xảy ra, các vấn đề khiến giới đầu tư lo lắng đều không bao giờ là một điều tốt. Ngay cả khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể tự cứu mình, thì những vấn đề nội tại cũng không nên được xem nhẹ.