Khủng hoảng Evergrande chưa được giải quyết, Trung Quốc lại phải đối mặt với tình trạng thiếu điện. (Nguồn: Bloomberg) |
Nguồn cung than bị thắt chặt, một phần do sự khởi sắc trong hoạt động công nghiệp khi nền kinh tế phục hồi từ đại dịch Covid-19 và những tiêu chuẩn khí thải ngày càng nghiêm ngặt đã gây ra tình trạng thiếu điện trên khắp Trung Quốc.
Trung Quốc đã cam kết cắt giảm mật độ năng lượng, tức lượng năng lượng tiêu thụ trên mỗi đơn vị tăng trưởng kinh tế, khoảng 3% trong năm 2021 để có thể đạt được các mục tiêu khí hậu mà nước này đặt ra. Chính quyền các tỉnh thành cũng tăng cường thực thi các biện pháp hạn chế lượng khí thải trong những tháng gần đây, sau khi chỉ có 10/30 khu vực ở đại lục đạt được các mục tiêu năng lượng đặt ra trong nửa đầu năm nay.
Giới chuyên gia nhận định, Trung Quốc sẽ không thay đổi trọng tâm vào mật độ năng lượng và quá trình phi carbon hóa, đặc biệt khi Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26) sắp diễn ra vào tháng 11 tới tại Glasgow (Anh).
Trên thực tế, tổng sản lượng điện của Trung Quốc tính đến hết tháng 8/2021 vẫn cao hơn 10,1% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2019, khi các công ty điện lực trên khắp cả nước gia tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu công nghiệp tăng mạnh.
Cùng với sản lượng điện gia tăng, lượng khí thải độc hại cũng vượt các mức ở thời kỳ trước đại dịch trong quý I năm nay.
Chính quyền địa phương các tỉnh Chiết Giang, Trấn Giang, Vân Nam và Quảng Đông đã yêu cầu các nhà máy hạn chế lượng điện tiêu thụ hay cắt giảm sản lượng.
Nhiều công ty điện lực đã gửi thông báo đến các nhà máy tiêu thụ nhiều điện, trong đó yêu cầu các nhà máy này ngừng hoạt động sản xuất trong giờ cao điểm từ 7 giờ sáng đến 11 giờ đêm, hoặc đóng cửa hoàn toàn trong hai đến ba ngày một tuần.
Nhiều nhà máy khác thì được yêu cầu đóng cửa cho đến một thời điểm xác định hoặc đến khi có thông báo mới. Trong đó, các nhà máy chế biến đậu tương ở Thiên Tân nằm ở phía Đông Trung Quốc đã phải đóng cửa từ ngày 22/9.