Đi ngược thế giới, Trung Quốc lo vấn đề giảm phát. (Ảnh: Liu Liqun/Getty Images) |
Ngày 9/8, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho hay, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở nước này đã giảm vào tháng 7 - lần đầu tiên sau hơn hai năm. Trong 10 tháng liên tiếp, giá bán buôn mà các doanh nghiệp thường trả cho các nhà máy và nhà sản xuất khác cũng đã giảm so với một năm trước đó. Và bất động sản - lĩnh vực chiếm tới 25% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc - cũng đang gặp bất ổn.
Những vấn đề nói trên đã làm gia tăng mối lo ngại về giảm phát - một mô hình có khả năng làm tê liệt giá cả giảm trên diện rộng, có xu hướng làm giảm giá trị ròng của các hộ gia đình và khiến người vay rất khó trả nợ.
Giảm phát đặc biệt nghiêm trọng ở một quốc gia có nợ rất cao như Trung Quốc.
"Bóng ma" giảm phát bủa vây
GS. Eswar Prasad tại Đại học Cornell (Mỹ) nhận định: “Nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với 'bóng ma' giảm phát".
Triển vọng giảm phát kéo dài chỉ làm tăng thêm các vấn đề khó khăn của đất nước, khi căng thẳng địa chính trị đang thúc đẩy Mỹ và các đối tác kinh tế quan trọng khác như Đức tìm kiếm các lựa chọn mới về nguồn cung cấp hàng hóa.
Bà Wang Dan, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Hang Seng Trung Quốc cho rằng, nhu cầu đối với hàng hóa của Trung Quốc từ người mua trong nước và nước ngoài đang yếu đi. Điều này thể hiện qua sự sụt giảm mạnh trong xuất khẩu vào mùa Hè này. Đây là một thách thức lớn với nền kinh tế.
Tin liên quan |
Trung Quốc chính thức rơi vào giảm phát |
Nhà kinh tế này lý giải, xuất khẩu giảm sâu “do cả nhu cầu chậm lại từ các nước phát triển và nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung khỏi Trung Quốc”.
CPI đã giảm 0,3% trong tháng 7 so với một năm trước đó. CPI bị kéo xuống do giá thực phẩm giảm - đặc biệt là thịt lợn, một loại thực phẩm chính trong chế độ ăn uống của người Trung Quốc. Bên cạnh đó, giá ô tô giảm - kết quả của cuộc chiến giá cả trong ngành này cũng là nhân tố đẩy CPI đi xuống.
Giá sản xuất cũng đã giảm 4,4% trong tháng 7 so với một năm trước, do nhu cầu yếu buộc các nhà máy và doanh nghiệp khác phải giảm giá.
New York Times nhận thấy, đáng lo ngại nhất - ở một quốc gia mà 3/5 tài sản hộ gia đình gắn liền với bất động sản - chính là giá nhà đất cũng đang trên đà xuống dốc.
Các nhà kinh tế tại Gavekal Dragonomics, một cơ quan nghiên cứu có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc) thì cho rằng, tình trạng suy thoái đồng thời ở cả hai động lực quan trọng nhất của đất nước là tài sản và xuất khẩu chính là nguyên nhân dẫn đến giảm phát.
Trong một báo cáo gần đây, họ viết: “Cú sốc này đã gây nguy hiểm cho sự phục hồi mà người tiêu dùng hy vọng và khiến chính phủ phải thay đổi chính sác, dù sự thay đổi đó không đột ngột như nhiều người đã hy vọng…
Các nhà sản xuất hàng hóa hiện có rất nhiều lý do để giảm giá: Nguyên liệu đầu vào rẻ hơn (đặc biệt là dầu mỏ), công suất dư thừa, nhu cầu yếu và hàng tồn kho cao. Điều này cũng đang làm giảm giá cả”.
Chờ chính phủ "ra tay"
Đã gần 8 tháng kể từ khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nới lỏng các biện pháp phòng dịch Covid-19 nghiêm ngặt. Sau khi bùng nổ vào đầu năm nay, nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu chậm lại. Các nhà hoạch định chính sách đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc đưa ra những giải pháp mới để giúp vực dậy tăng trưởng.
Nhưng đến nay, vẫn chưa có gói kích thích quy mô lớn nào được đưa ra. Các chuyên gia nhận định, tình trạng giảm phát có thể sẽ buộc chính phủ nước này phải tung ra nhiều gói kích thích thêm nữa.
Ông Eswar Prasad, chuyên gia tài chính tại Đại học Cornell (Mỹ) khẳng định: "Nền kinh tế Trung Quốc hiện có nguy cơ trượt vào giai đoạn giảm phát, châm ngòi cho vòng xoáy đi xuống về tăng trưởng và niềm tin ở khu vực tư nhân".
Tin liên quan |
'Hụt hơi' về kinh tế, viễn cảnh Trung Quốc đuổi kịp Mỹ vẫn còn xa vời |
Theo New York Times, biện pháp khắc phục tiêu chuẩn cho tình trạng giảm phát là chính phủ phải tăng cung tiền, đặc biệt là bằng cách khuyến khích các ngân hàng cho vay nhiều hơn. Nhưng gần đây, không có nhiều công ty hay hộ gia đình tỏ ra quan tâm đến việc vay vốn.
Trung Quốc đã tránh giảm phát trên diện rộng vào đầu năm 2009, khi giá cả giảm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và một lần nữa vào năm 2012, khi nước này cũng phải đối mặt với nhu cầu trong nước và nước ngoài yếu.
Nhưng việc "giải cứu" nền kinh tế khi đó dễ dàng hơn. Giá bất động sản đã tăng vọt trong thập niên qua, khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) bơm ra một khoản tiền lớn để giữ cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh và ngăn chặn đồng NDT quá mạnh, làm suy yếu khả năng cạnh tranh xuất khẩu của các nhà máy trong nước.
Chỉ là hiện tượng tạm thời?
Dù vậy, vẫn có những đánh giá lạc quan hơn. Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, không có rủi ro giảm phát trong cả năm 2023 tại Trung Quốc do giá tiêu dùng dự kiến sẽ tăng trong quý III/2023, đồng thời, nhiều chính sách kích cầu sẽ được triển khai.
Nhà phân tích kinh tế vĩ mô Wang Qing tại Công ty Golden Credit Rating International nói: "Mức tăng CPI âm có thể chỉ là hiện tượng tạm thời".
Đồng quan điểm, nhà phân tích Julian Evans-Pritchard của công ty nghiên cứu kinh tế vĩ mô Capital Economics nói: “Lạm phát thấp vẫn là điều đáng lo ngại. Tuy nhiên, Trung Quốc dường như không ở trên bờ vực của vòng xoáy giảm phát”.
Nhà phân tích này giải thích, lý do chính khiến chỉ số giá tiêu dùng giảm là giá thực phẩm giảm. Xét riêng về giá thịt lợn, giá tại đất nước đã tăng đột biến vào tháng 7/2022. Vì vậy, mức giảm được ghi nhận trong tháng 7 năm nay đã được so sánh với mức rất cao của năm ngoái.
Ông Evans-Pritchard nhấn mạnh: "Thịt lợn là loại thực phẩm chủ yếu trong chế độ ăn uống của người Trung Quốc, thường được sử dụng như một thước đo lạm phát chính. Và lạm phát cơ bản - một chỉ dấu tốt hơn cho áp lực giá cơ bản - đã tăng từ 0,4% so với cùng kỳ lên 0,8% trong tháng".
| Kinh tế Trung Quốc giảm tốc, dấy nên nỗi lo về 'hiện tượng Nhật Bản hóa' Nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu rơi vào suy thoái tương tự Nhật Bản sau khi kết thúc bong bóng giá bất ... |
| Suy thoái kinh tế không còn là nỗi lo chính của Mỹ Các nhà kinh tế của JP Morgan Chase & Co không còn cho rằng Mỹ sẽ suy thoái trong năm 2023. |
| 750 mặt hàng mới của Nga bị cấm xuất khẩu sang Nhật Bản Danh sách những mặt hàng mà Nhật Bản cấm xuất khẩu sang Nga được bổ sung thêm khoảng 750 mặt hàng mới (bao gồm cả ... |
| Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh mới liên quan đến đầu tư công nghệ tại Trung Quốc, Bắc Kinh bày tỏ 'rất thất vọng' Ngày 9/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp cấm các dự án đầu tư nhất định của nước này ... |
| Nga dừng thỏa thuận về thuế với hơn 30 quốc gia 'không thân thiện', Thụy Sỹ nói chưa nhận thông báo chính thức Ngày 9/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh về dừng các thỏa thuận đánh thuế hai lần với hơn 30 quốc gia “không ... |