Nhỏ Bình thường Lớn

Xu hướng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam đang rõ nét hơn

Chia sẻ với TG&VN, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Thị Hương nhận định, dù còn nhiều khó khăn nhưng từ nay đến cuối năm, kinh tế Việt Nam vẫn có triển vọng tăng trưởng từ các yếu tố tích cực.

Khu vực sản xuất sơ khai là “bệ đỡ”

Tổng cục Thống kê vừa công bố tình hình kinh tế quý III/2023 và 9 tháng đầu năm. Bà có thể phân tích rõ hơn về bức tranh tăng trưởng của Việt Nam trong 9 tháng?

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam quý III/2023 và 9 tháng đầu năm vẫn đang trong xu hướng dần cải thiện.

Xu hướng phục hồi kinh tế đang rõ nét hơn
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương.

Tăng trưởng trong quý III/2023 đạt 5,33%, cao nhất so với 2 quý đầu năm. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,72%; công nghiệp xây dựng tăng 5,19% và dịch vụ tăng 6,24%.

Tính chung 9 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt 4,24%; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,43%; công nghiệp xây dựng tăng 2,41% và dịch vụ tăng 6,32%.

Nhìn chung, đóng góp cho mức tăng trưởng 4,39% của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế trong 9 tháng qua chủ yếu vẫn từ khu vực dịch vụ 3,01 điểm %; khu vực công nghiệp và xây dựng vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đã tạm thời chấm dứt đà tăng trưởng âm từ quý I, đóng góp 0,98 điểm % và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 0,40 điểm %.

Sự phục hồi của hoạt động công nghiệp trong quý III/2023 tiếp tục là tín hiệu lạc quan hơn cho triển vọng kinh tế những tháng cuối năm.

Nhìn từ phía cầu, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 9 tháng đầu năm theo giá hiện hành ước đạt 2260,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ 2022 và cải thiện ở cả 3 khu vực. Cán cân thương mại ước tính thặng dư trên 21 tỷ USD, tuy nhiên kim ngạch xuất, nhập khẩu đều giảm là tín hiệu đáng lo ngại.

Tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình mặc dù không sôi động như thời kỳ trước dịch Covid-19 nhưng cơ bản vẫn đảm bảo mức tăng ổn định do quý III/2023 có nhiều hoạt động, sự kiện mà người dân có nhu cầu tăng tiêu dùng như mùa du lịch, khai giảng năm học mới, tết Trung Thu…

Theo bà, kết quả tăng trưởng 9 tháng đầu năm được đóng góp và hỗ trợ bởi những yếu tố nào?

Có 5 yếu tố thuận lợi góp phần tạo nên kết quả tăng trưởng 9 tháng đầu năm. Cụ thể như:

Thứ nhất, khu vực sản xuất sơ khai tiếp tục là "bệ đỡ" của nền kinh tế.

Tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng sẽ được cải thiện trong các quý tới. Tuy nhiên, với những khó khăn từ bên ngoài và nội tại nền kinh tế thì tăng trưởng kinh tế sẽ không cao như kỳ vọng.

Thứ hai, khối ngành dịch vụ đang từng bước phục hồi với điểm sáng là hoạt động du lịch. Du lịch phát triển cao điểm kể từ cuối tháng 4 đã kích cầu tiêu dùng gia tăng; từ đó, lan tỏa mạnh tới sản xuất của nhóm ngành dịch vụ khác như vận tải, lưu trú ăn uống, lữ hành...

Thứ ba, kinh tế vĩ mô giữ ổn định, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ kết hợp hiệu quả đã giúp kiểm soát lạm phát ở vùng an toàn, lãi suất điều hành giảm dần là cơ sở để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất.

Thứ tư, Chính phủ đang nỗ lực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đây sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.

Thứ năm, hoạt động sản xuất công nghiệp đang dần được phục hồi, trong đó, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đã quay trở lại mức trên 50 trong tháng 8/2023, sau 5 tháng giảm liên tiếp.

Vậy còn khó khăn, thách thức thì sao?

Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, nền kinh tế vẫn còn một số khó khăn, thách thức đã kìm hãm tăng trưởng của 9 tháng đầu năm 2023. Đơn cử như cầu thế giới phục hồi yếu; lạm phát vẫn ở mức cao; chi phí nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao, chuỗi cung ứng thiếu ổn định đều dẫn tới năng lực sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp giảm sút.

Động lực từ khu vực sản xuất tuy đã có cải thiện so với 6 tháng đầu năm nhưng còn khá yếu do thiếu hụt đơn hàng; chi phí đầu vào tăng cao; thị trường xuất khẩu thu hẹp…

Ngoài ra, hoạt động xuất, nhập khẩu phục hồi chậm do nhu cầu thế giới giảm. Thị trường bất động sản tiếp tục ảm đạm, dòng tiền luân chuyển hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 lớn. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chưa thực sự hiệu quả và bền vững.

Xu hướng phục hồi kinh tế đang rõ nét hơn

Với những khó khăn từ bên ngoài và nội tại nền kinh tế thì tăng trưởng kinh tế sẽ không cao như kỳ vọng. (Ảnh: Linh Chi)

Tăng trưởng sẽ cải thiện trong những quý tới

Bà đánh giá thế nào về kết quả tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả năm 2023 và xa hơn?

Tăng trưởng kinh tế quý III/2023 đã được cải thiện đáng kể và xu thế phục hồi cũng trở nên rõ nét hơn. Dù còn nhiều khó khăn nhưng từ nay đến cuối năm, kinh tế Việt Nam vẫn có triển vọng tăng trưởng từ các yếu tố tích cực.

Đơn cử như đầu tư sẽ được hỗ trợ lớn từ đầu tư công đang được triển khai ráo riết theo cam kết của Chính phủ, các Bộ ngành và chính quyền địa phương. Đầu tư công sẽ là “đòn bẩy” cho các luồng đầu tư ngoài Nhà nước và đầu tư FDI.

Về phía cung, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục thể hiện vai trò là “trụ đỡ” vững chắc của nền kinh tế. Khu vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo thoát khỏi vòng suy giảm âm từ đầu năm và có dấu hiệu khởi sắc trong quý III/2023 sẽ giảm tối đa áp lực cho tăng trưởng.

Trong khi đó, khu vực dịch vụ những tháng cuối năm được dự báo sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng khá. Lạm phát được kiểm soát hiệu quả sẽ giúp ổn định dòng tiền là yếu tố quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Song song với đó, mặt bằng lãi suất đã giảm và dự kiến lãi suất cho vay khả năng tiếp tục giảm trong thời gian tới sẽ kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh và kích thích tiêu dùng của người dân. Hoạt động xuất nhập khẩu những tháng cuối năm có khả năng được cải thiện do hoạt động sản xuất đã bớt khó.

Ngoài ra, Việt Nam Nam đang tích cực triển khai dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Đây là động lực chính để phát triển kinh tế những tháng cuối năm.

Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức trong những tháng cuối năm. Đơn cử như: Sản xuất công nghiệp tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm. Hoạt động xuất, nhập khẩu có khả năng chưa thể tăng do tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới.

Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp chưa thoát khỏi khó khăn và đầu tư nước ngoài vẫn còn hạn chế khi các nhà đầu tư chưa mở rộng quy mô đầu tư vào các dự án đang hoạt động ở Việt Nam.

Trên cơ sở các nhận định trên, theo đánh giá của tôi, tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng sẽ được cải thiện trong các quý tới. Tuy nhiên, với những khó khăn từ bên ngoài và nội tại nền kinh tế thì tăng trưởng kinh tế sẽ không cao như kỳ vọng.

Đâu là giải pháp để nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể, thưa bà?

Để kịp thời có giải pháp khắc phục khó khăn, đồng thời chủ động khai thác các cơ hội đạt được kết quả phát triển kinh tế-xã hội cao nhất những tháng tiếp theo trong năm 2023, Tổng cục Thống kê kiến nghị, Chính phủ tiếp tục tập trung triển khai nhanh, hiệu quả các chủ trương, chính sách về tài chính, tiền tệ; theo dõi sát và cập nhật kịp thời diễn biến tình hình thế giới, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước có quy mô kinh tế lớn, là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng đối với Việt Nam.

Song song với đó, thực hiện hiệu quả các giải pháp về tiền tệ, lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; điều hành tỷ giá phù hợp; tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu và an toàn của hệ thống tài chính, ngân hàng. Liên tục cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để chủ động điều hành, ứng phó với các tình huống phát sinh.

Ngoài ra, đẩy mạnh tiêu dùng thông qua các giải pháp tập trung phát triển thị trường trong nước; thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; quyết liệt thực hiện các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Phát huy tối đa các nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài; tăng cường hợp tác công tư (PPP); tích cực, chủ động thu hút FDI có chọn lọc, bảo đảm chất lượng…

Xin cảm ơn bà!

Định vị thương hiệu, đưa 'hạt gạo làng ta' vươn biển lớn

Định vị thương hiệu, đưa 'hạt gạo làng ta' vươn biển lớn

Gạo Việt Nam đang ngày càng vươn xa, khẳng định vai trò vị thế trên thị trường xuất khẩu thế giới. Tuy nhiên, mặt hàng ...

Chương trình Thương hiệu Quốc gia 'chắp cánh' cho doanh nghiệp Việt bay xa

Chương trình Thương hiệu Quốc gia 'chắp cánh' cho doanh nghiệp Việt bay xa

Với sự hỗ trợ của Chương trình Thương hiệu Quốc gia, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của ...

Để nền kinh tế tiếp tục vượt ‘gió ngược’

Để nền kinh tế tiếp tục vượt ‘gió ngược’

Kinh tế Việt Nam cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức trước những “cơn gió ngược” và đạt được nhiều kết ...

Tổng điểm về mức độ tự do kinh tế của Việt Nam năm 2023 đạt 6,26, tăng 4 bậc

Tổng điểm về mức độ tự do kinh tế của Việt Nam năm 2023 đạt 6,26, tăng 4 bậc

Mới đây, Viện Fraser của Canada công bố Báo cáo tự do kinh tế thế giới năm 2023. Theo đó, chỉ số tự do kinh ...

Kinh tế Việt Nam: Nắm bắt cơ hội mới

Kinh tế Việt Nam: Nắm bắt cơ hội mới

Báo cáo Tự do kinh tế thế giới do Viện Fraser của Canada, vừa công bố, Việt Nam đã tăng thêm bốn bậc và xếp ...