Theo thông tin được công bố vào cuối Hội nghị kinh tế Trung ương Trung Quốc mới đây, nước này đang muốn tăng cường cải cách chính sách tiền tệ và tài khóa. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hy vọng, với chính sách tiền tệ linh hoạt và tài khóa mạnh mẽ hơn, có thể tạo ra các điều kiện tiền tệ phù hợp cho cải cách, trong đó có mở rộng thâm hụt tài khóa và bơm vốn cho thị trường nhà đất.
Chính phủ Trung Quốc sẽ hỗ trợ người dân nông thôn mua nhà thành phố. (Nguồn: DW) |
Phân tích công bố trên, các chuyên gia của ngân hàng Goldman Sachs cho rằng: “Từng câu chữ nói về vấn đề tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác đều toát lên khả năng ủng hộ các biện pháp kích thích”. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng không quên hối thúc cải cách và hạn chế sự phụ thuộc của nền kinh tế vào tín dụng.
Về khả năng tiến hành các chính sách kích thích kinh tế mới của Chính phủ Trung Quốc, Nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á của Capital Economics Mark Williams nhận định, Trung Quốc đang đối mặt với thách thức phải lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, do đó trong ngắn hạn rất có thể thế giới sẽ nhìn thấy ngay những nỗ lực nới lỏng, nhằm vực dậy nền kinh tế.
Trên thực tế, trong mấy tháng gần đây, chính sách tiền tệ linh hoạt là ý tưởng điều hành chủ đạo của Trung Quốc. Ngân hàng Trung ươngTrung Quốc (PBOC) cũng đang hướng tới một “hành lang lãi suất” để kiểm soát chi phí đi vay, thay vì trực tiếp thiết lập lãi suất cho vay và huy động như mô hình cũ.
Nhằm “mở lối thoát” cho thị trường bất động sản, Chính phủ Trung Quốc cũng cam kết sẽ hỗ trợ người dân nông thôn mua nhà ở thành phố và khuyến khích giảm giá nhà để giải quyết tình trạng tồn kho bất động sản. Các công ty bất động sản sẽ bị tinh giản và buộc phải thay đổi chiến lược thị trường.
Năm 2015, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng 7%. Theo tính toán của nhiều Tổ chức, có thể mục tiêu này “bị đe dọa”, nhưng dù đạt được thì Trung Quốc vẫn sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1990.
Thời gian tới, kinh tế Trung Quốc sẽ còn tiếp tục phải vượt qua nhiều khó khăn. Thậm chí, Royal Bank of Canada và Rabobank nhận định, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong vòng 5 năm tới của Trung Quốc sẽ đổ bể trừ khi Nhân dân tệ giảm ít nhất 8% so với đồng Đô la vào cuối năm 2016. Sáu tháng qua, trong danh mục đầu tư của mình, các quỹ đầu cơ đã giảm mạnh lượng cổ phiếu của những công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ.