Đại sứ Trung Quốc tại Peru Jia Guide viết như vậy trong bài đăng trên tờ People’s Daily hôm 14/11 về triển vọng hợp tác song phương trước khi ông Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm tới Peru, một số nước Mỹ Latin và dự APEC 24. Từ bài viết trên và những động thái của Trung Quốc và các nước thuộc khu vực này, báo giới Trung Quốc cho rằng, chuyến thăm có ý nghĩa như cột mốc quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
45 năm gắn bó
"Người ta tin rằng, dưới sự lãnh đạo, dẫn dắt của nguyên thủ hai quốc gia, sự kết hợp hai nền văn minh phía Đông và phía Tây của Thái Bình Dương sẽ làm nên một chương mới của tình hữu nghị", Đại sứ Jia viết trong bài.
Peru và Trung Quốc đã có mối quan hệ hữu hảo lâu dài. Tác giả bài viết trích dẫn những phát biểu của cựu Tổng thống Peru Alan Garcia và Tổng thống đương nhiệm Pedro Pablo Kuczynski.
Theo đó, ông Garcia từng ca ngợi những cải cách xã hội và kinh tế của Trung Quốc là bước tiến lớn trên thế giới những năm cuối thế kỷ 20. Trong khi đó, ông Kuczynski ca ngợi tầm quan trọng của Trung Quốc đối với tương lai thế giới. Tổng thống Kuczynski cũng chọn Trung Quốc là điểm đến nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức.
Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 13/9. (Nguồn: Reuters). |
Theo Đại sứ Jia, số lượng người Trung Quốc sống ở Peru đã tăng lên đến 10% dân số nước này cho thấy quan hệ ngày càng gắn bó giữa hai nước, kể từ khi những người Trung Quốc lần đầu tiên đặt chân đến nước Mỹ La tinh này vào năm 1849.
Hơn 10.000 nhà hàng phục vụ các món ăn Trung Quốc ở Peru không chỉ làm cho ngành công nghiệp phục vụ Peru nổi bật lên mà còn đại diện cho sự hợp nhất về văn hóa, nhà ngoại giao này viết.
Đại sứ Jia cũng ca ngợi những thành quả gặt hái được từ các hợp tác song phương kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 45 năm, với việc thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao, củng cố niềm tin chính trị lẫn nhau, gia tăng thương mại và đầu tư, cải thiện cơ chế hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong các lĩnh vực đa phương, và tăng cường trao đổi văn hóa.
Những cơ hội chưa từng có
Peru là quốc gia Mỹ Latinh duy nhất đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, và đồng thời, ký thỏa thuận thương mại tự do toàn diện với Trung Quốc, vị Đại sứ nhấn mạnh.
Với số vốn đầu tư hơn 14 tỷ USD ở Peru, Trung Quốc cũng là đối tác thương mại, thị trường xuất khẩu và nguồn nhập khẩu lớn nhất của nước này. Hơn 170 doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư và phát triển kinh doanh trên đất Peru.
Điện thoại di động, ô tô, máy móc kỹ thuật của Trung Quốc được phổ biến tại thị trường Peru, trong khi bơ, nho và các sản phẩm từ vải ba ga (alpaca) từ Peru cũng được các khách hàng Trung Quốc ưa chuộng.
Trong bài viết, Đại sứ Jia cũng đánh giá cao các chủ đề của hội nghị APEC năm nay, và cho rằng chúng có điểm chung với Kế hoạch năm năm lần thứ 13 của Trung Quốc trong việc thúc đẩy cải cách và nâng cấp kinh tế.
Trung Quốc và Peru chia sẻ nhiều quan điểm đồng thuận trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, xây dựng khu vực mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương, tiến trình tự do hóa thương mại và đầu tư, tạo thuận lợi, chống chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy tiến trình toàn cầu hóa kinh tế và phát triển toàn diện, nhà ngoại giao nhấn mạnh.
Theo nhà ngoại giao này, việc trao đổi các chuyến thăm giữa hai nguyên thủ quốc gia trong hai tháng là chuyện hiếm trên thế giới. Trung Quốc và Peru cùng chia sẻ những mục tiêu phát triển và nhu cầu nội bộ nên tìm thấy ở nhau những cơ hội chưa từng có để tăng cường hợp tác, Đại sứ Jia cho biết.
Chương mới trong hợp tác
Theo Tân Hoa xã, ông Tập Cận Bình sẽ thăm cấp nhà nước tới Ecuador, Peru và Chile (17/11 – 23/11) và dự Hội nghị APEC (từ 19-20/11) tại Lima, Peru. Được biết, chuyến thăm được cả hai phía kỳ vọng sẽ cải thiện quan hệ đối tác hợp tác toàn diện và mở ra một kỷ nguyên mới trong các mối quan hệ với các nước thuộc khu vực.
Trong lĩnh vực kinh tế, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ Latin đã tăng hơn 20 lần trong thập kỷ qua và đạt 236,5 tỷ USD năm 2015. Hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 2 và nước có nguồn đầu tư lớn thứ 3 vào Mỹ Latin, còn khu vực này là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Trung Quốc.
Theo Tân Hoa xã, Trung Quốc đã hỗ trợ khoảng 2 triệu USD tiền mặt và viện trợ nhân đạo trị giá 9,2 triệu USD cho Ecuador sau trận động đất làm khoảng 668 người chết, 4.859 người bị thương và 80.000 người phải di dời hồi tháng 4.
Trung Quốc cũng đã cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để giúp các nước Mỹ Latin phát triển cơ sở hạ tầng.
Coca Codo Sinclair - nhà máy thủy điện lớn nhất từng được Trung Quốc xây dựng ở phía Đông Bắc Ecuador, dự kiến sẽ tạo ra 1.500 MW năng lượng và đáp ứng 30% nhu cầu của Ecuador.
Hãng tin này cho rằng, Coca Codo Sinclair cùng với nhiều nhà máy khác do Trung Quốc xây dựng sẽ giúp Ecuador chuyển từ một quốc gia khát điện trở thành nước xuất khẩu năng lượng sạch và đóng góp rất nhiều cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Trung Quốc-CELAC (Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean), các hợp tác cũng đã phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực khác như giáo dục, trao đổi văn hóa và con người. Trung Quốc hứa hẹn sẽ cấp 6.000 suất học bổng của chính phủ trong thời hạn 5 năm, kể từ năm 2014 cho các nước khu vực Mỹ Latin và Caribbean. Năm 2016 là "Năm trao đổi văn hóa" giữa Trung Quốc và khu vực này. Các hoạt động văn hóa đa dạng đã diễn ra ở cả hai phía nhằm thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và củng cố cơ sở cho một tình bạn lâu dài.
Người ta tin rằng chuyến thăm của ông Tập Cận Bình sẽ củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, thúc đẩy sự phát triển và xây dựng cộng đồng "chung một vận mệnh" giữa Trung Quốc và Mỹ Latin, hãng Tân Hoa xã nhận định.