📞

Trung Quốc 'nắm trong tay' yếu tố quan trọng nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Việt An 16:21 | 01/02/2023
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận định, việc Trung Quốc xoay trục khỏi chính sách “Zero Covid” là yếu tố quan trọng nhất đối với tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023.
Trung Quốc mở cửa - "cú hích" cho tăng trưởng toàn cầu. (Nguồn: US News)

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sỹ), bà Georgieva đã đặt câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra nếu việc Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn thúc đẩy giá dầu và khí đốt tăng vọt, gây áp lực lên lạm phát?”.

Bloomberg Economics dự báo, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng tốc từ 3% năm 2022 lên 5,8% vào năm 2023. Sau khi tính toán mối liên hệ giữa tăng trưởng của Trung Quốc, giá năng lượng và lạm phát toàn cầu. Trong khi đó, giá tiêu dùng toàn cầu có thể tăng gần 1 điểm phần trăm trong quý IV/2023.

Nếu kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh hơn dự báo, với GDP tăng vọt lên 6,7%, giá tiêu dùng sẽ tăng gần 2 điểm phần trăm.

Không giống như năm 2009, khi gói kích thích trị giá 4.000 tỷ NDT của Trung Quốc đã giúp khởi động đà phục hồi, trong năm 2023, đồng thái của Trung Quốc có thể khiến lạm phát gia tăng vào đúng thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác chạy đua để kiểm soát giá cả.

Trong bối cảnh lạm phát giá tiêu dùng gần đây chạm mức 9,1% ở Mỹ và 10,6% ở Khu vực đồng Euro, con số tại Trung Quốc có vẻ không đáng kể. Song, nếu xét trong bối cảnh các ngân hàng trung ương tập trung vào việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%, lạm phát tại Trung Quốc đóng vai trò quan trọng.

Nếu sự phục hồi của Trung Quốc khiến lạm phát của Mỹ vẫn duy trì quanh mức 5% tại thời điểm quý II/2023, Fed có thể sẽ không ngừng chu kỳ tăng lãi suất tại cuộc họp tháng Năm như kỳ vọng của thị trường.

Bloomberg cũng nhận thấy, việc Trung Quốc mở cửa trở lại thậm chí còn được cho là sẽ rút ngắn thời kỳ suy thoái của Anh khi khách du lịch chi tiêu cao quay trở lại.

Tuy nhiên, đà phục hồi của Trung Quốc sẽ không theo đường thẳng.

Việc nới lỏng chính sách kiểm soát dịch Covid-19 đã gây ra sự sụt giảm ngay lập tức trong hoạt động kinh tế. Song song với đó, cũng không rõ nhu cầu tại Trung Quốc có bị dồn nén như ở các nền kinh tế lớn khác hay không, khi chính phủ đưa ra biện pháp kích thích tương đối hạn chế.

Dù vậy, Bloomberg cho rằng, dữ liệu cho thấy đà đi xuống của nền kinh tế Trung Quốc đã đi đến hồi kết khi làn sóng Covid-19 giảm bớt. Lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều tăng trưởng trong tháng Một năm nay, lần tăng đầu tiên trong bốn tháng qua.

Ngoài ra, những dấu hiệu sớm từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán chỉ ra rằng, chi tiêu của người dân cho du lịch đều gia tăng so với cùng kỳ năm trước.

(theo Bloomberg)