📞

Trung Quốc nỗ lực giảm gánh nặng về hộ khẩu, thu hút nhân tài về địa phương

Thái Hoàng 21:28 | 18/07/2021
Khi cơ cấu nhân khẩu học thay đổi, dân số có xu hướng già đi, nhiều thành phố có quy mô nhỏ tại Trung Quốc đã nới lỏng các quy định về đăng ký hộ khẩu nhằm thu hút nhiều lao động trẻ, tài năng đến sinh sống và làm việc.
Một phiên chợ việc làm tại tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) thu hút đông người tham gia. (Nguồn: AP)

Khi Wei, một giảng viên đại học 29 tuổi bắt đầu nhận công việc mới tại thành phố Tô Châu ở phía Đông Trung Quốc vào tháng 9/2020, anh nhanh chóng nhận được hộ khẩu ngay trong ngày. Anh tiến sĩ trẻ tốt nghiệp đại học ở Bắc Kinh đã quyết định lựa chọn Tô Châu là quê hương thứ hai của mình.

Thay vì ở lại Bắc Kinh với nhịp sống gấp gáp, đắt đỏ và công việc cạnh tranh, anh Wei cùng vợ quyết định chuyển tới Tô Châu sinh sống sau khi nhận được một việc làm ổn định trong thành phố. Họ sớm mua được nhà tại thành phố 12,75 triệu dân sau một thời gian ngắn công tác.

Không giống như nhiều người trẻ tuổi thường lựa chọn các siêu đô thị như Bắc Kinh hay Thượng Hải để khởi nghiệp, Wei cho biết anh không có quá nhiều tham vọng. Thay vào đó, anh theo vợ đến Tô Châu khi cô nhận được việc ở đây và tập trung vào tìm kiếm cơ hội thích hợp cho bản thân.

Khi cơ cấu nhân khẩu học thay đổi, dân số có xu hướng già đi, nhiều thành phố có quy mô nhỏ tại Trung Quốc đã nới lỏng các quy định về đăng ký hộ khẩu nhằm thu hút nhiều lao động trẻ, tài năng đến sinh sống và làm việc.

Một loạt thành phố thuộc khu vực đồng bằng sông Dương Tử của Trung Quốc như Hàng Châu, Nam Kinh, Vô Tích đã công bố những chính sách về hộ khẩu mới từ cuối năm 2020.

Thay đổi từ cơ cấu nhân khẩu học

Ở Trung Quốc, việc đăng ký hộ khẩu có liên quan mật thiết đến việc tiếp cận an sinh xã hội, cơ sở giáo dục, cũng như việc mua bán, sở hữu nhà hay thậm chí đơn giản là đăng ký biển số xe.

Những người muốn chuyển hộ khẩu từ thành phố này đến thành phố khác thường được yêu cầu trước tiên phải có thời gian sinh sống và làm việc tại đó trong một khoảng thời gian nhất định.

Đặc biệt, để có được hộ khẩu tại các siêu đô thị như Thượng Hải hay Bắc Kinh, người dân phải có việc làm ổn định và đóng góp cho hệ thống bảo hiểm xã hội của thành phố trong khoảng thời gian ít nhất là 7 năm.

Bên cạnh đó, cư dân phải tích lũy đủ điểm, được xét theo các tiêu chí việc làm, trình độ học vấn và nhiều tiêu chí khác. Năm 2021, Bắc Kinh có khoảng 130.000 người nộp đơn xin cấp hộ khẩu nhưng chỉ có khoảng hơn 6.000 người đủ tiêu chuẩn, theo chính quyền địa phương.

Kế hoạch đô thị hóa quốc gia năm 2014 đặt mục tiêu có 100 triệu cư dân nông thôn sống ở các khu vực đô thị vào năm 2020. Tuy nhiên, số liệu năm ngoái cho thấy, trong 60,6% dân số Trung Quốc sống ở khu vực thành thị thì chỉ 44,4% là có hộ khẩu.

Trong khi đó, theo các phương tiện truyền thông trong nước, 14 thành phố cấp địa phương của Trung Quốc đã thông báo sự sụt giảm dân số tự nhiên, bao gồm 5 thành phố ở Đông Bắc và một số ở khu vực phía Đông.

Sau nhiều thập niên thực hiện chính sách một con nghiêm ngặt, cơ cấu nhân khẩu học của Trung Quốc đã thay đổi nghiêm trọng với tỷ lệ sinh thấp 1,3%, dân số ngày càng già đi với 190 triệu người trên 65 tuổi (chiếm 13,5%), dân số trong độ tuổi lao động giảm rõ rệt.

Số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cũng cho thấy, năm 2019, số người trong độ tuổi từ 16-59 là 896,4 triệu người, chiếm 64% tổng dân số. Con số này giảm từ 919,54 triệu người (chiếm 67,6% tổng dân số) vào năm 2013.

Lu Jiehua, giáo sư tại Đại học Bắc Kinh cho rằng dân số di cư của Trung Quốc từng tăng lên từ năm 2000 đã bắt đầu giảm xuống vào năm 2015.

"Các nhà hoạch định chính sách ở nhiều thành phố bắt đầu đầu nhận thấy rằng để phát triển kinh tế địa phương, rất cần phải tập hợp nguồn nhân lực. Vì dữ liệu dân số là thước đo cho sự phát triển kinh tế và xã hội của một thành phố nên ngày càng có nhiều thành phố nới lỏng chính sách đăng ký hộ khẩu để thu hút nhân tài", ông Lu Jiehua cho hay.

Đẩy mạnh thu hút nhân tài

Vào tháng Ba vừa qua, Tô Châu đột nhiên thu hút sự chú ý của giới truyền thông trong nước sau khi một giáo sư nổi tiếng đang giảng dạy sau đại học là ông Zhang Xuefeng đăng trên Weibo rằng ông quyết định định cư tại một thành phố nhỏ hơn sau khi sinh sống ở Bắc Kinh được 14 năm.

Để thu hút nhân tài, từ đầu năm nay, chính quyền Tô Châu đã công bố các chính sách mới cho phép những người có ít nhất một bằng đại học có thể nhận được hộ khẩu trực tiếp mà không cần thực hiện các khoản đóng góp vào hệ thống an sinh xã hội của địa phương trước đó.

Chỉ trong vòng một năm qua, khu công nghiệp của thành phố đã thu hút khoảng 16.200 người nhập cư là cư dân chính thức, theo chính quyền địa phương.Tháng trước, thành phố đã đưa ra những chính sách chiêu mộ nhân tài trong một số lĩnh vực cụ thể như giảng viên đào tạo trí tuệ nhân tạo hay thợ hàn. Chính sách này có hiệu lực từ ngày 15/6.

Tô Châu không phải là thành phố duy nhất trong khu vực kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều lao động trẻ. Một loạt thành phố như Nam Kinh, Nam Thông và Vô Tích đều đưa ra các chính sách mới để thu hút nguồn nhân lực trong những tháng gần đây.

Năm ngoái, gần một chục thành phố đã nới lỏng các chính sách về hộ khẩu, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông trong nước. Các thành phố này bao gồm Thanh Đảo và Hợp Phì ở phía Đông Trung Quốc, và Đông Quan ở phía Nam.

Vào tháng Hai năm nay, chính quyền tỉnh Giang Tây, miền Đông Trung Quốc cũng bãi bỏ hoàn toàn các hạn chế, cho phép người dân từ các vùng nông thôn được đăng ký hộ khẩu tại các thành phố họ chuyển đến mà không bị hạn chế.

Trong những năm gần đây, chính quyền trung ương đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến chính sách đăng ký hộ khẩu, đưa ra các hướng dẫn cho các thành phố địa phương.

Tháng 12/2019, Trung Quốc đã lên kế hoạch loại bỏ các yêu cầu về cư trú đối với các thành phố có dân số dưới 3 triệu người và mở rộng quy định đối với các thành phố lên đến 5 triệu người.

(theo Caixin Global)