Tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc mới đây đã đăng tải bài viết: “Sinh con là vấn đề gia đình và cũng là vấn đề quốc gia”. Nội dung bài viết cho thấy nỗ lực khuyến khích các cặp vợ chồng có thêm con cùng lời cảnh báo “tác động của tỉ lệ sinh thấp đã bắt đầu gây ảnh hưởng tới kinh tế và xã hội”.
Vào đầu tháng Tám vừa qua, Chính phủ Trung Quốc cho ra mắt mẫu tem bưu điện mới để chào mừng năm Kỷ Hợi 2019 với hình ảnh cặp vợ chồng lợn và ba chú lợn con, dường như gợi ý rằng chính phủ khuyến khích các gia đình có nhiều hơn một con. Một mẫu tem kỷ niệm tương tự được phát hành để chào mừng năm Bính Thân và hai con khỉ con, và điều này cũng được hiểu như “cái gật đầu” của Chính phủ để bỏ chính sách một con.
Mẫu tem bưu chính dành cho năm 2019 của Trung Quốc. (Nguồn: CNN) |
Một con là không đủ
Chính sách một con của Bắc Kinh vốn vấp phải nhiều chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Theo đó, phụ nữ nếu có con thứ hai sẽ bị buộc phá thai, đóng một mức phạt cao gấp nhiều lần so với thu nhập thông thường hoặc không cấp giấy tờ tùy thân cho con thứ nếu gia đình không đóng tiền phạt… Thế nhưng, Trung Quốc đang đứng trước rất nhiều khó khăn trong tương lai, khi chính sách chỉ cho phép đẻ một con tuy đã được dỡ bỏ từ năm 2015 nhưng tỉ lệ tăng trưởng dân số vẫn có chiều hướng giảm.
Vì nhiều lý do khác nhau, từ việc tư tưởng sinh một con đã “ăn sâu bám rễ” trong xã hội Trung Quốc. Áp lực cuộc sống, điều kiện kinh tế, giáo dục, y tế cũng như thói quen sinh hoạt đè nặng lên các bậc phụ huynh và con trẻ khiến nhiều người không muốn sinh con thứ hai. Điều này sẽ trở thành vấn đề xã hội lớn của Trung Quốc trong những năm tới.
Theo tờ Nhân Dân nhật báo, “đặc biệt ở các thành phố, chi phí sinh con sẽ ngày càng cao. Từ khi trẻ mới sinh cho đến khi tốt nghiệp trung học, chi phí sẽ ngày càng tăng thêm theo thời gian nên nhiều người trẻ không muốn có con”.
Hiện tại, lực lượng lao động của Trung Quốc đang bị thu hẹp dần. Trong khi đó, nhiều người trẻ tại quốc gia này đang phải gánh trọng trách chăm nuôi cha mẹ, thậm chí cả ông bà bởi dịch vụ xã hội cho người già vẫn còn thiếu. Theo thống kê, năm 2016, tỉ lệ tăng trưởng dân số của Trung Quốc là 5,86%. Năm 2017, tỷ lệ sinh của Trung Quốc là 1,6 con/phụ nữ, thấp hơn mức dự tính 2,1 con/ phụ nữ để duy trì ổn định dân số.
Zhang Yiqi, tác giả của bài báo, cho rằng chỉ đơn giản là đảo ngược chính sách sẽ không có hiệu quả. Chính phủ cần phải có những hành động như hỗ trợ giáo dục và y tế để giải quyết vấn đề tỉ lệ sinh thấp để các cặp vợ chồng trẻ có thêm con và để họ có một cuộc sống bớt áp lực hơn.
Áp lực xã hội
Bài viết trên tờ Nhân Dân nhật báo là dấu hiệu mới nhất cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang chuẩn bị để thay đổi hoàn toàn luật kế hoạch hóa gia đình do chính sách một con không đem lại sự bền vững cho kinh tế cũng như xã hội Trung Quốc trong tương lai.
Một số địa phương còn đang lên kế hoạch từng bước thực hiện cho phép sinh con thứ 3 và không phải nộp các khoản chi phí xã hội. Tại tỉnh Thiểm Tây, chính quyền còn có kế hoạch trong thời gian tới sẽ không hạn chế sinh. Ngoài ra, một số nơi như Liêu Ninh, Hồ Bắc, Tân Cương... đã đưa ra chính sách nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng tiếp tục sinh thêm con như tăng thời gian nghỉ thai sản, hỗ trợ chi phí sinh con, tặng tiền hoặc hiện vật.
Tuy nhiên, có nhiều sự lo ngại rằng việc khuyến khích đẻ thêm con sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến phụ nữ. Trong một báo cáo của mình hồi tháng Tư vừa qua, Tổ chức Human Rights Watch (HRW) cho biết tỷ lệ nữ giới đi làm giảm xuống 81% vào năm 2017, so với con số 83% vào năm 2007. Bên cạnh đó, khoảng cách tiền lương theo giới ở khu vực đô thị cũng đang tăng lên.
Một cuộc khảo sát của trang web tìm việc 51job.com năm 2017 cho thấy, 75% các công ty trở nên miễn cưỡng hơn khi tuyển phụ nữ sau khi chính sách một con được thay đổi. Theo HRW, người sử dụng lao động thậm chí còn không muốn tuyển phụ nữ chưa có con cái, dựa trên giả định rằng họ sẽ tiêu tốn tiền của công ty để trải qua hai kỳ thai sản. Hậu quả của việc “thư giãn” chính sách một con, HRW dự đoán, “có thể làm trầm trọng thêm sự phân biệt đối xử về giới” trong việc tuyển dụng.
Quang Đào (theo CNN)