Thực tế, câu hỏi này không dễ trả lời lúc này. Bởi cơ hội và rủi ro phần lớn không phụ thuộc vào Trung Quốc, mà phụ thuộc vào định hướng tương lai của lực lượng Taliban.
Nhìn bề ngoài, Afghanistan dưới sự lãnh đạo của Taliban, với khuynh hướng chính trị tương đối ôn hòa hiện tại và thái độ tích cực tìm kiếm hợp tác với Trung Quốc, có khả năng mang lại lợi ích to lớn cho Trung Quốc.
Trung Quốc đang nhìn thấy cơ hội vô cùng lớn từ Afghanistan sau khi quân đội Mỹ rút quân. (Nguồn: Getty) |
Afghanistan đang sở hữu những tiềm năng gì?
Trước hết, vị trí địa lý của Afghanistan là rất quan trọng. Là ngã tư của lục địa Á-Âu, quốc gia này có thể nói là điểm nút trọng yếu của sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI). Hơn nữa, Afghanistan được kết nối với Trung Quốc và Iran ở phía Đông và phía Tây, phía Nam giáp với Pakistan.
Trên thực tế, cả Iran và Pakistan đều là Đối tác chiến lược quan trọng của Trung Quốc trong BRI, nếu Afghanistan có thể tham gia vào khuôn khổ BRI và các dự án được triển khai thông suốt thì quốc gia này sẽ đóng vai trò rất tích cực trong việc xây dựng hệ thống kinh tế lục địa Á-Âu trong tương lai của Trung Quốc.
Còn về mặt chính trị, khi Afghanistan tham gia vào trung tâm địa chính trị cũng sẽ củng cố đáng kể nền tảng của Liên minh tam giác Trung Quốc-Nga-Iran, tăng cường liên kết nội bộ trong liên minh này.
Afghanistan sở hữu tiềm năng khoáng sản lớn. Theo ước tính, trữ lượng quặng sắt của Afghanistan là khoảng 10 tỷ tấn; đồng, vàng và quặng molybdenum khoảng 30 triệu tấn; đá cẩm thạch 30 tỷ m3, khí đốt tự nhiên có khoảng 1.180 tỷ đến 19.150 tỷ m3, dầu mỏ khoảng từ 3,91-356 tỷ thùng.
Tuy nhiên, kể từ năm 1979, Afghanistan luôn trong tình trạng chiến tranh, nên các hoạt động khảo sát bị ngưng trệ, do đó con số này khả năng có thể thấp hơn rất nhiều so với thực tế.
Điều này đặc biệt có sức hấp dẫn đối với Trung Quốc. Xét cho cùng, với tư cách là nước sản xuất lớn nhất thế giới, nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định chắc chắn là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc.
Hơn nữa, trong theo xu hướng lớn của đối đầu Mỹ-Trung, đây là một điều rất khó khăn đối với Trung Quốc bởi phần lớn các mỏ khoáng sản hiện có trên thế giới đều do phương Tây kiểm soát.
Một khi khoáng sản của quốc gia này được khai thác với quy mô lớn, xét về cả chủ quan và khách quan thì chỉ có thể cung cấp cho Trung Quốc, và phần lớn giao dịch sẽ được thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ.
Còn về số tiền Trung Quốc đã trả cho Afghanistan, trong bối cảnh đất nước có trình độ khoa học và cơ sở hạ tầng kém, cho dù là mua sản phẩm hay tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng, thì số tiền đó cũng sẽ lại quay trở về Trung Quốc.
Đây rõ ràng là “mỏ vàng lớn”, đôi bên cùng có lợi. Chính trị, kinh tế, quân sự, chiến lược, tất cả các khía cạnh của Afghanistan có giá trị to lớn đối với Trung Quốc.
Nhưng điều kiện tiên quyết để “kho báu” này có thể được khai thác là lực lượng Taliban có thể kiểm soát được tình hình.
Tính toán của Trung Quốc
Nếu Taliban có thể ổn định đất nước Afghanistan thì Trung Quốc có thể đầu tư mạnh, nhưng nếu Taliban không làm được thì Trung Quốc sẽ khó có thể rót vốn đầu tư.
Suy cho cùng, dù là xây dựng cơ sở hạ tầng hay khai thác khoáng sản, điều này cần đầu tư nhiều trong giai đoạn đầu, ít nhất cũng phải lên đến hàng trăm tỷ USD và lợi nhuận thu được phải mất nhiều năm. Nếu lỡ đầu tư vào Afghanistan mà Taliban không kiểm soát được tình hình, thì tiền đầu tư của Trung Quốc coi như “đổ xuống sông xuống biển”.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng không thể không đầu tư vào Afghanistan. Xét cho cùng, Afghanistan thực sự là một "mỏ vàng lớn" và là ngã tư của lục địa Á-Âu. Quốc gia này có thể mang lại giá trị và ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt là ổn định nguồn cung cấp nguyên liệu.
Hơn nữa, nếu Trung Quốc không đầu tư vào Afghanistan, Taliban sẽ khó có thể duy trì sự ổn định lâu dài về quyền lực, khi đó nơi đây sẽ xảy ra nội chiến và hỗn loạn, và trở thành căn cứ địa cho các lực lượng khủng bố cực đoan. Chính vì vậy, thích hợp nhất hiện nay là Trung Quốc thực hiện từng bước một.
Afghanistan là một quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản. (Nguồn: Al Jazeera) |
Trong giai đoạn đầu, các dự án phát triển khoáng sản mà Trung Quốc đã ký với Chính phủ Afghanistan trước đây, dù sao cũng đã có nền tảng và có thể khôi phục trở lại ngay sau khi ổn định tình hình.
Đối với các dự án do các nước khác và chính phủ Afghanistan ký kết, nếu họ không thể tiếp tục thực hiện hoặc Taliban không muốn hợp tác với các nước này, Trung Quốc cũng có thể có điều kiện xem xét tiếp quản.
Điều này không chỉ để tránh tổn thất, mà còn là một cách để hỗ trợ cho lực lượng Taliban. Có tiền, họ sẽ không bị chia rẽ do tranh giành lợi ích, có khả năng bình định các lãnh chúa và bộ tộc, có khả năng mua sắm lương thực, từ đó ổn định quyền lực chính trị.
Đồng thời, hợp tác Trung-Nga có thể cung cấp một phần lương thực cho Taliban. Tình thế khó khăn nhất hiện nay của Taliban là không đủ lương thực. Nếu muốn ổn định được tình hình ở Afghanistan thì lương thực là điều kiện cơ bản nhất.
Về vấn đề này, các quốc gia Hồi giáo như Pakistan và Iran có thể không hỗ trợ được, nhưng đối với Trung Quốc và Nga, đặc biệt là Nga, điều này là khả thi. Nga là nước xuất khẩu lương thực lớn trên toàn cầu, còn Trung Quốc luôn đủ dự trữ lương thực.
Về trung hạn, nếu lực lượng Taliban ổn định được tình hình, kiểm soát hiệu quả đối với Afghanistan và về cơ bản loại bỏ ma túy và chủ nghĩa khủng bố, thì nước này có thể sẽ phát triển khai thác khoáng sản.
Hiện cảng phía Nam Gwadar, Pakistan và cây cầu Lục địa Á-Âu thứ hai ở phía Bắc đã được xây dựng, và Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan đang dần thúc đẩy. Trung Quốc có thể trực tiếp đến khảo sát, khai thác, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, kết nối cơ sở khoáng sản của Afghanistan với cảng Gwadar, đường sắt Á-Âu và thậm chí là Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan.
Các dự án này là cơ hội tiềm năng cho các công ty Trung Quốc, và các mỏ khoáng sản đã khai thác cũng sẽ trở thành nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho ngành sản xuất của Trung Quốc.
Do không được phép sử dụng hệ thống thanh toán bằng USD, nên giao dịch giữa Afghanistan và Trung Quốc sẽ sử dụng đồng Nhân dân tệ. Điều đó cũng sẽ thúc đẩy hiệu quả quá trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ và phá vỡ tiêu chuẩn định giá hàng hóa của đồng USD.
Về phía lực lượng Taliban, họ sẽ thu được nhiều lợi ích từ việc khai thác khoáng sản với lượng lớn, một số lượng lớn người dân Afghanistan cũng sẽ có cơ hội việc làm, từ đó có thêm động lực và năng lực thúc đẩy các tiêu chuẩn quốc gia bình thường.
Về dài hạn, nếu mọi thứ suôn sẻ trong giai đoạn trung hạn, thì nền tảng của Taliban ở Afghanistan sẽ được củng cố và được người dân ủng hộ, đồng thời Afghanistan hội nhập sâu rộng vào hệ thống kinh tế của BRI.
Afghanistan sau đó có thể phát huy giá trị địa chiến lược của mình, khởi động xây dựng công trình giao thông vận tải quy mô lớn, toàn diện, không chỉ ở khu vực khai thác, mà còn cả giao thông vận tải tại các địa phương, thậm chí cả các công trình kết nối Afghanistan và các nước láng giềng, Trung Quốc có thể đầu tư quy mô lớn để mở cửa hoàn toàn, kể cả Hành lang Wakhan.
Bằng cách này, giá trị chiến lược của ngã tư lục địa Á-Âu sẽ được phát huy triệt để, và Tam giác Trung Quốc-Nga-Iran cũng sẽ có được nguồn năng lượng to lớn nhờ sự hình thành của hệ thống giao thông. Nhờ đó, Trung Quốc, Nga và Iran có thể gia tăng ảnh hưởng ở ba hướng Nam Á, Trung Đông và thậm chí cả Ấn Độ Dương.
Tất nhiên, đây mới chỉ là tầm nhìn chiến lược, để hiện thực hóa được kế hoạch chiến lược này, sớm nhất cũng phải mất 20 năm. Ngay cả kế hoạch trung hạn, liệu có thể thành hiện thực hay không vẫn chưa thể biết được.
Suy cho cùng, mọi kịch bản đều phụ thuộc vào việc Taliban có thể thực hiện được nền tảng quản trị bình thường và đến nay vẫn chưa biết được liệu Taliban có thể thực hiện được mục tiêu này hay không.