Ba lĩnh vực có tình trạng thâm hụt lớn nhất là du lịch, giao thông vận tải và bản quyền sở hữu trí tuệ, trong khi đó hai lĩnh vực dịch vụ tư vấn và thông tin lại đạt thặng dư.
Theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) cho biết trong nửa đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng 5,6%, lên 695,09 tỷ NDT, song nhập khẩu tăng tới 16,5% so với cùng kỳ năm 2016, lên mức 1.590 tỷ NDT.
Thâm hụt thương mại của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nay đang ở mức 896,96 tỷ NDT (khoảng 132 tỷ USD). (Nguồn: Getty Images) |
Nguyên nhân chính của tình trạng này là do tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thương mại dịch vụ thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng của các hoạt động nhập khẩu. Tuy nhiên, theo giới chức Bộ Thương mại Trung Quốc, cần nhìn nhận đầy đủ về tình trạng này bởi sự thâm hụt của các dịch vụ liên quan đến sản xuất sẽ giúp cải thiện năng lực chế tạo, trong khi sự thâm hụt của các dịch vụ có liên quan đến đời sống hàng ngày sẽ thúc đẩy tiêu dùng và cải thiện cuộc sống của người dân.
Theo thống kế chính thức, tổng giá trị thương mại dịch vụ của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay đạt 2.290 tỷ NDT, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính riêng tháng 6, các hoạt động xuất nhập khẩu thương mại dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng cực mạnh, tăng tới 29,7% so với cùng kỳ năm 2016 và là mức tăng trưởng cao nhất trong 18 tháng qua. Thâm hụt thương mại dịch vụ trong tháng 6 ở mức 200,8 tỷ NDT (khoảng 29,5 tỷ USD), với tổng giá trị xuất khẩu là 124,2 tỷ NDT, trong khi tổng giá trị nhập khẩu là 324,9 tỷ NDT.
Trung Quốc thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thâm hụt cán cân thương mại dịch vụ bởi lĩnh vực dịch vụ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có sức cạnh tranh thấp hơn so với nhiều nền kinh tế khác trên thế giới. Chính phủ Trung Quốc thời gian qua đã và đang tích cực đầu tư lớn cho lĩnh vực dịch vụ và triển khai nhiều giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh của lĩnh vực này, trong đó có chính sách mở cửa đối với các thị trường tài chính, giáo dục, văn hoá và y tế.