📞

Trung Quốc tuyên bố mở rộng hoạt động quân sự ở Thái Bình Dương: 'Tiền trảm hậu tấu' và ý đồ đằng sau

Phương Hà 14:04 | 18/06/2022
Trung Quốc đang đặt nền móng cho một căn cứ quân sự ở quần đảo Solomon và có thể hiện thực hóa nó bất kỳ lúc nào - động thái khiến Australia lo ngại...
Một báo cáo bị rò rỉ cho thấy, Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện ở Solomon để hỗ trợ an ninh. (Nguồn: The Guardian)

Cách tiếp cận từng bước

Bắc Kinh đang tăng cường quan hệ với quần đảo Solomon bằng cách lên kế hoạch xây dựng một căn cứ trên quần đảo ở Thái Bình Dương này. Hôm 15/6, truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên bố, nước này đã mở rộng hoạt động quân sự ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Căng thẳng giữa Bắc Kinh và phương Tây về nhiều vấn đề đã gia tăng trong 12 tháng qua. Trung Quốc tăng cường sự hiện diện của mình ở Biển Đông, thông qua việc thúc đẩy quân sự hóa đảo nhân tạo trái phép trên vùng biển này.

Bắc Kinh cũng đã tăng cường quan hệ ngoại giao với quần đảo Solomon - quốc gia gần đây tuyên bố họ có quyền lựa chọn đồng minh và các thỏa thuận an ninh.

Về thỏa thuận an ninh với Trung Quốc, ông Collin Beck, Bộ trưởng Ngoại giao thường trực và cũng là một nhân vật cấp cao trong chính phủ Solomon, cho biết: “Khi chúng tôi xem xét điểm yếu về an ninh của đất nước, bạn biết đấy, chúng tôi có một lượng lớn dân số trẻ, khoảng 18.000, đang tìm kiếm việc làm mỗi năm”.

Trong bối cảnh căng thẳng đang dâng cao trên quần đảo này, một báo cáo bị rò rỉ cho thấy, Bắc Kinh đang tăng cường sự hiện diện của mình ở Solomon để hỗ trợ an ninh.

Theo thỏa thuận, Trung Quốc sẽ cử “cảnh sát, cảnh sát có vũ trang, quân nhân và các lực lượng thực thi pháp luật khác” đến nước này vì nhiều lý do, bao gồm “duy trì trật tự xã hội” và “bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân”.

Các chính trị gia đối lập đã bày tỏ quan ngại rằng, quần đảo Solomon có thể sử dụng cảnh sát vũ trang và quân nhân Trung Quốc để dập tắt tình trạng bất đồng quan điểm và tiếp tục nắm giữ quyền lực.

Dự thảo thỏa thuận có điều khoản cho phép Trung Quốc “cập cảng, tiến hành tiếp tế hậu cần, tạm nghỉ và trung chuyển ở quần đảo Solomon”, dấy lên lo ngại rằng, Bắc Kinh có thể dần dần từng bước xây dựng một căn cứ quân sự.

Ông Beck "xoa dịu" dư luận khi tuyên bố rằng, quần đảo Solomon không có ý định cho phép Trung Quốc thiết lập sự hiện diện quân sự thường xuyên ở nước này.

Ông nói: "Điều đó không liên quan gì đến việc thiết lập một căn cứ quân sự".

Nỗ lực "cứu vãn" tình thế

Ngoại trưởng Australia Penny Wong có chuyến thăm quần đảo Solomon vào ngày 17/6, đây là chuyến thăm thứ ba của bà đến Nam Thái Bình Dương kể từ khi được bổ nhiệm vào tháng 5.

Trước đây, bà gọi hiệp ước an ninh giữa quần đảo Solomon và Trung Quốc là “thất bại chính sách đối ngoại lớn nhất kể từ sau Thế chiến II" của chính phủ Australia.

Ngoại trưởng Wong cho biết, chuyến đi của bà tới New Zealand và quần đảo Solomon củng cố “tình bạn và sự hợp tác chặt chẽ của Australia trong khu vực”.

Bình luận về chuyến công du, bà Wong nói: “Tôi mong muốn thảo luận về những cách chúng ta có thể tiếp tục đạt được tiến bộ trong việc phục hồi hậu đại dịch, các ưu tiên phát triển kinh tế và dịch chuyển lao động, cũng như giải quyết các lợi ích an ninh chung của chúng ta".

New Zealand cũng đã nêu quan ngại về việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương.

Phát biểu sau Diễn đàn an ninh Shangri-La gần đây tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Peeni Henare cho biết: “Chúng tôi đã đảm bảo rằng họ (Trung Quốc) hiểu rõ lập trường của chúng tôi về việc làm cho Thái Bình Dương an toàn, an ninh và ủng hộ nền độc lập của các quốc gia có chủ quyền ở Thái Bình Dương".

(theo express.co.uk)