Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) Matt Jackson. (Ảnh: PH) |
Thống kê không chỉ là con số
Năm 2024 kỷ niệm 30 năm Hội nghị quốc tế về Dân số và phát triển (ICPD) – một thỏa thuận mang tính bước ngoặt của 179 quốc gia trong đó có Việt Nam, đặt bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và quyền con người làm trung tâm của sự phát triển.
Trưởng đại diện UNFPA cho rằng, 30 năm trước, khi các nhà lãnh đạo thống nhất thực hiện Chương trình Hành động ICPD, nhiều người trên khắp thế giới đã không được nhìn nhận. Cuộc sống và trải nghiệm của họ không được ghi lại trong bất kỳ dữ liệu nào. Họ không được nhận diện và tiếng nói của họ cũng không được lắng nghe.
Tin liên quan |
Việt Nam ưu tiên xây dựng xã hội toàn diện, công bằng, tự cường để không ai bị bỏ lại phía sau |
"Song, những cải tiến về công nghệ và thu thập, phân tích dữ liệu trong 30 năm qua sẽ hỗ trợ chúng ta đo lường khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khoẻ sinh sản tốt hơn bao giờ hết. Chúng ta có thể nhận biết được ai được hưởng lợi từ những tiến bộ và đâu là những nhóm người bị bỏ lại phía sau", ông Matt Jackson nhấn mạnh.
Theo ông Matt Jackson, những tiến bộ đã đạt được cũng như những công việc còn dang dở, sử dụng dữ liệu dân số toàn diện và đáng tin cậy làm kim chỉ nam. Dữ liệu này cho biết rằng trên toàn cầu, nhiều nhóm cộng đồng thấy mình bị mắc kẹt dưới nhiều hình thức: bị gạt ra ngoài lề xã hội và phân biệt đối xử.
Dữ liệu cũng cho thấy việc giảm tỷ lệ tử vong mẹ trên toàn cầu, hỗ trợ tiếp cận các biện pháp tránh thai, hướng tới bình đẳng giới đã có những bước tiến đáng kể nhưng với tiến bộ chưa đồng đều.
"Chính những người này – những người khó tiếp cận nhất và bị bỏ lại sau cùng đang rất cần sự chú ý của chúng ta", ông Matt Jackson khẳng định.
Theo Trưởng đại diện UNFPA, thống kê không chỉ là những con số, thống kê còn là những câu chuyện về con người. Thống kê nói lên sức khỏe, hạnh phúc, những vấn đề, nỗ lực và hoàn cảnh kinh tế xã hội của mỗi chúng ta. Khi được phân tích, dữ liệu cho thấy chính sách nào phù hợp hay chính sách nào cần phải được điều chỉnh cho phù hợp.
Ông Matt Jackson nói: "Tại xã Đông Phú, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hόa, tôi đã gặp bà Lê Thị Hoa, một tình nguyện viên chăm sóc tại nhà, người đã chia sẻ câu chuyện bản thân hỗ trợ người cao tuổi trong cộng đồng. Bà Hoa được đào tạo thông qua Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau do UNFPA tài trợ.
Bà đã học cách tắm rửa và chăm sóc những người không có khả năng tự chăm sóc bản thân và cả cách thay quần áo cho người bị liệt. Bà dự định tiếp tục giúp đỡ người cao tuổi trong cộng đồng của mình cho đến khi nào còn có thể".
Hay câu chuyện của Hnhach, một phụ nữ dân tộc Ba Na ở xã Ɖê Ar, tỉnh Gia Lai, đã chia sẻ với UNFPA về vai trò quan trọng của cô đỡ thôn bản trong việc giúp cung cấp thông tin và cách chăm sóc sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng cũng như lợi ích của việc sinh con tại bệnh viện cho những người trong cộng đồng.
Ở tỉnh Lai Châu, ông Matt Jackson đã đến thăm một bản dân tộc Mông ở xã Mù Sang, nơi ông nghe được lắng nghe câu chuyện về lý do vì sao người dân chưa muốn sinh con tại các cơ sở y tế. Đó có thể là do khoảng cách từ nhà tới bệnh viện quá xa hoặc do phong tục địa phương là không sinh con trước mặt người lạ.
Trưởng đại diện UNFPA nhấn mạnh, những câu chuyện này chỉ ra tầm quan trọng của dữ liệu dân số đáng tin cậy và toàn diện đối với tương lai của Việt Nam.
Theo đó, dữ liệu được phân tách theo giới tính, dân tộc, độ tuổi, địa điểm và các yếu tố khác là vô cùng cần thiết để không để ai bị bỏ lại phía sau và chuẩn bị tốt nhất cho những sự thay đổi về nhân khẩu học như già hoá dân số nhanh chóng tại Việt Nam hoặc rủi ro từ biến đổi khí hậu.
Dữ liệu cho chúng ta biết nơi mà hệ thống y tế không hoạt động vì mọi người, nêu bật tình trạng thiếu hụt hộ sinh có tay nghề cao hoặc rào cản trong việc tiếp cận các biện pháp tránh thai, dẫn đến tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn vẫn còn cao. Dữ liệu cũng đo lường mức độ phổ biến của bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em và mang đến tiếng nói cho nhóm dân số già đang ngày càng tăng nhanh tại Việt Nam.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh (thứ 7 từ phải qua); Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Matt Jackson (thứ 5 từ phải qua), Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương (thứ 6 từ phải qua) tham gia điều tra, thu thập thông tin một hộ dân tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: PN) |
Dữ liệu nói về cuộc sống và nói lên hy vọng
Ông Matt Jackson cho biết, vừa qua, Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên hợp quốc đã triển khai hai cuộc điều tra quốc gia quan trọng nhằm cải thiện bộ dữ liệu về dân số và nhà ở của Việt Nam và hiểu rõ hơn về nhu cầu kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số. Dữ liệu tốt hơn giúp tạo ra các chính sách và chiến lược đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân. Dữ liệu cũng cho chúng ta biết nhiều hơn về cuộc sống, hy vọng và kỳ vọng của họ.
Một tín hiệu đáng mừng là nhờ đầu tư, luật mới và sự vận động mạnh mẽ trong 30 năm qua, tỷ lệ tử vong mẹ trên toàn cầu đã giảm 34%. Việt Nam thậm chí đã đạt được tiến bộ tốt hơn khi giảm tỷ lệ tử vong mẹ xuống 46%, nhưng tỷ lệ này vẫn cao gấp ba lần tại các nhóm dân tộc thiểu số so với mức trung bình của cả nước.
"Những thông điệp tích cực, trấn an từ những cô đỡ thôn bản như Hnhach đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tỷ lệ tử vong cao ở các bà mẹ thuộc nhóm dân tộc thiểu số. Dữ liệu cũng cho chúng ta biết rằng trong khi 96% trẻ sơ sinh được sinh ra tại bệnh viện ở Việt Nam được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế và thiết bị, thì con số này chỉ là 30% đối với các bà mẹ dân tộc thiểu số, cho thấy sự chênh lệch lớn trong việc tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe", ông Matt Jackson khẳng định.
Trên toàn cầu, số lượng phụ nữ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng gấp đôi lên tới 77% nhưng vẫn còn hơn 250 triệu phụ nữ muốn tránh thai nhưng không sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai là 60%, trong đó nhu cầu sử dụng các biện pháp tránh thai chưa được đáp ứng của phụ nữ chưa kết hôn cao gấp bốn lần so với phụ nữ đã kết hôn.
162 quốc gia trong đó có Việt Nam đã thông qua luật chống bạo lực và với Việt Nam là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được sửa đổi và thông qua năm 2022. Tuy nhiên, trên toàn cầu, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người, hay tại Việt Nam cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ bị bạo lực do bạn đời trong suốt cuộc đời và phần lớn trong số họ không bao giờ tìm kiếm sự giúp đỡ.
Ông Matt Jackson cho rằng, dữ liệu cung cấp những thăng trầm, tiến độ đạt được và những công việc còn dang dở để đạt được cam kết tại Hội nghị ICPD và Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Nhưng chính những câu chuyện từ những người như bà Hoa từ Thanh Hόa và cô Hnhach từ Gia Lai đã làm cho các con số trở nên có ý nghĩa. Dữ liệu cũng định hướng trọng tâm cho các nỗ lực của chúng ta.
Đối với Việt Nam, theo Trưởng đại diện UNFPA Matt Jackson, những nỗ lực ấy bao gồm: tiếp cận các nhóm dân tộc thiểu số với dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, đảm bảo rằng những người chưa lập gia đình và những người trẻ tuổi có thể tiếp cận với các biện pháp tránh thai, cải thiện các dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực và phá vỡ sự kỳ thị xung quanh bạo lực gia đình, lắng nghe và hỗ trợ tốt hơn cho những người khuyết tật, cộng đồng LGBTQI+, người cao tuổi, người di cư và tất cả các nhóm bị gạt ra ngoài lề.
Những cải tiến tích cực về công nghệ và phân tích dữ liệu cho phép chúng ta hiểu rõ hơn về những thành công và xác định những nhóm dân số đang bị bỏ lỡ hoặc bỏ lại phía sau.
"Khi chúng ta ưu tiên và lắng nghe dữ liệu toàn diện, phân tách, chúng ta có thể tự tin rằng tất cả hành động của chúng ta sẽ đảm bảo mọi người đều được tính đến. Chúng ta cũng sẽ có thể tiếp cận đến những người bị bỏ lại sau cùng với hy vọng về một tương lai công bằng", ông Matt Jackson chia sẻ.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thực hiện Chương trình CPD, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Matt Jackson muốn gửi gắm thông điệp: Hãy cùng cam kết tận dụng dữ liệu đáng tin cậy để giải quyết những thay đổi về nhân khẩu học và thách thức xã hội của Việt Nam, phấn đấu vì một tương lai mà mọi tiếng nói đều được lắng nghe và mọi mạng sống đều được trân trọng.
| Trưởng đại diện UNESCO: Cách tiếp cận chủ động của Việt Nam chiếm được lòng tin quốc tế! Theo Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart, cách tiếp cận đa diện, phát huy văn hóa ở mọi cấp độ phát triển ... |
| Đặc sắc hóa sản phẩm là chìa khóa để du lịch phát triển Đại dịch đã tạo ra sự thay đổi trong đời sống con người kể cả hành vi du lịch. Việc sống nhờ di sản lịch ... |
| Số hóa hệ sinh thái dữ liệu - 'chìa khóa' để quản lý quốc gia thông minh, vì mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau Số hóa hệ sinh thái dữ liệu phục vụ quản trị dữ liệu và cuộc sống người dân là nội dung trọng tâm được các ... |
| Ai sẽ đại diện Trung Quốc dự họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78? Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính sẽ tham dự Khóa họp thứ 78 của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York từ ... |
| Cần tạo 'đề kháng' cho người dùng trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân Chính tình trạng để lộ dữ liệu cá nhân và sự gia tăng các hành vi lừa đảo trực tuyến đã đặt ra nhu cầu ... |