Sinh viên học trực tuyến kéo dài sẽ nảy sinh nhiều bất cập |
Hôm nay (22/2), gần 200 trường đại học bắt đầu dạy học trực tuyến vì dịch Covid-19. Vậy nhà trường lo ngại điều gì nếu học trực tuyến kéo dài?
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng ĐH Giao thông Vận tải: "Học trực tuyến kéo dài sinh viên sẽ thụ động và thiếu tính tự giác"
Việc học trực tuyến là thay đổi hình thức truyền đạt kiến thức theo chương trình đào tạo. Nên việc học trực tuyến sẽ không ảnh hưởng đến kiến thức trong chương trình. Hai là hiện nay một số nền tảng và phần mềm hỗ trợ đã giúp cho việc tương tác nhiều hơn và nâng cao hơn trong giảng dạy, kiểm tra, đánh giá. Tuy nhiên, do hình thức trao đổi gián tiếp nên khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức của người học, việc này rất cần sự tự giác của người học và sự tương tác tốt của giảng viên.
Việc học trực tuyến là nhằm đảm bảo tiến độ theo kế hoạch năm học trong thời gian dịch bệnh theo yêu cầu chung. Tuy nhiên, còn có một số việc chưa thực hiện được, đó là thi hết học kỳ, một số học phần thực hành, thí nghiệm, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng phải thực hiện trực tiếp, nên có ảnh hưởng đến kế hoạch năm học. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của năm học trước, việc này nếu kéo dài vẫn có thể điều chỉnh để đảm bảo tiến độ chung.
Về việc bảo vệ luận văn trực tuyến có hiệu quả, đối với các trường hợp học viên cao học bảo vệ luận văn hoặc đối với bậc đại học bảo vệ đồ án, việc bảo vệ trực tuyến vẫn có thể thực hiện được. Việc bảo vệ bằng hình thức trực tuyến không ảnh hưởng đến chất lượng của luận văn và đồ án, vì quá trình chuẩn bị đồ án, luận văn là quá trình tích lũy kiến thức, là yếu tố quan trọng đối với người học. Chẳng hạn, vừa qua Nhà trường đã cho một số em sinh viên bảo vệ với hội đồng là các giảng viên nước ngoài. Tuy nhiên, với các đồ án có nghiên cứu thực nghiệm sẽ bị ảnh hưởng.
Điều tôi lo lắng khi kéo dài học trực tuyến là sinh viên sẽ thụ động và thiếu tính tự giác, khi tính tương tác trực tiếp giảm sẽ dẫn đến việc hoàn thiện con người trong học tập rèn luyện giảm.
Ngoài ra việc học trực tuyến kéo dài cũng sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch chung và nhiều hoạt động khác của nhà trường, lâu dài nữa ảnh hưởng đến tiến độ, kế hoạch năm học, chương trình đào tạo và chất lượng đào tạo.
GS.TS. Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Đại học Lâm nghiệp: "Ảnh hưởng rất lớn tới ý thực tự học của người học"
Để giải được bài toán đảm bảo chất lượng, Trường Đại học Lâm nghiệp đã quyết định chỉ tổ chức giảng dạy trực tuyến các nội dung kiến thức lý thuyết; các nội dung thí nghiệm, thực hành, các học phần giáo dục thể chất...đã được Nhà trường điều chỉnh kế hoạch tổ chức khi sinh viên quay trở lại học tập trung.
Trong tổ chức giảng dạy, Nhà trường cho đã bố trí một giảng đường với đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy trực tuyến, gồm trên 20 phòng học để giảng viên, vì lý do nào đó không thể giảng dạy ở nhà, ở khoa, bộ môn có thể đăng ký giảng dạy.
Bộ phận thanh tra đào tạo được cấp tài khoản để có thể tham gia vào các lớp học trong khoảng thời gian cho phép để thanh tra hoạt động dạy và học của thầy và trò; hàng tuần báo cáo Lãnh đạo nhà trường các vấn đề phát sinh để có giải pháp điều chỉnh phù hợp.
Với cách làm này, chúng tôi khẳng định chất lượng học tập không bị ảnh hưởng nhiều, minh chứng rõ ràng nhất là kết quả thi học kỳ II năm học 2019-2020 của sinh viên Đại học Lâm nghiệp không thấp hơn so với các học kỳ, năm học khác, mặc dù đề thi vẫn được rút ra từ ngân hàng đề thi của nhà trường.
Về bảo vệ khóa luận, đồ án tốt nghiệp online, ngoài Chương trình tiên tiến ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên (liên kết với Trường đại học Bang Colorado - Hoa Kỳ) được tổ chức bảo vệ luận văn bằng cả hình thức trực tuyến và trực tiếp, các chương trình khác đều được bảo vệ bằng hình thức họp trực tiếp.
Kinh nghiệm tổ chức cho thấy, việc tổ chức bảo vệ trực tiếp luôn được ưu tiên vì mức độ tương tác giữa các thành viên hội đồng và giữa các hội đồng và sinh viên cao hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh của dịch bệnh, sự di chuyển của các thành viên hội đồng bị ảnh hưởng thì hình thức bảo vệ trực tuyến cũng là một sự lựa chọn phù hợp.
Vấn đề mà chúng tôi lo ngại nhất khi tố chức giảng dạy trực tuyến kéo dài chính là khả năng tiếp cận của người học đối với nguồn học liệu của nhà trường, bởi không phải tài liệu nào cũng tìm được triên internet và giáo viên cũng không thể gửi hết tài liệu cho người học trước khi tổ chức lớp học. Điều này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn tới ý thực tự học của người học (một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng trong đào tạo tín chỉ).
PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng Phòng Quản lý đào tạo, Đại học Ngoại thương: "Triển khai các hoạt động bổ trợ để giúp sinh viên tránh trầm cảm"
Không thể khẳng định phương thức học trực tuyến kém chất lượng hơn học trực tiếp. Vấn đề là phương thức này cần một số điều kiện đảm bảo chất lượng khác biệt so với phương thức học trực tiếp, trong đó tập trung vào 3 yếu tố: Cơ sở hạ tầng công nghệ, trang thiết bị và học liệu; Phương pháp sư phạm công nghệ và Hệ thống hỗ trợ về phương pháp, kỹ năng và tâm lý cho người học.
Những khác biệt này đòi hỏi giảng viên, sinh viên, nhà trường phải thay đổi, thích nghi để đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến. Nếu quá trình này thực hiện tốt thì chất lượng đào tạo sẽ đảm bảo và chúng ta không phải lo ngại về lượng kiến thức thu lượm được.
Việc ứng phó nhanh của các trường đại học trong việc chuyển sang đào tạo trực tuyến khi dịch bệnh Covid diễn ra khiến cho tiến độ học tập của sinh viên không bị ảnh hưởng quá nhiều. Nhưng nhìn tổng thể cả chương trình đào tạo, các trường cũng cần có những điều chỉnh về tiến độ chung để đảm bảo các nội dung khó đào tạo trên nền tảng trực tuyến, như thí nghiệm, thực hành,... có thể triển khai khi sinh viên quay trở lại học tập trung.
Tuy nhiên, có lẽ điều mà các nhà giáo dục sẽ thấy lo ngại khi triển khai đào tạo trực tuyến là tâm lý của giảng viên, đặc biệt là của sinh viên trong các chương trình đào tạo tập trung.
Việc thiếu tương tác trong môi trường thực sẽ khiến sinh viên bị hạn chế điều kiện để học hỏi và thực hành những kỹ năng, thái độ ứng xử nghề nghiệp và cuộc sống cần thiết cho tương lai sau này. Việc truyền cảm hứng từ giảng viên, bạn bè đến từng sinh viên qua môi trường mạng là tương đối khó khăn, ảnh hưởng đến động lực trong học tập và lòng yêu nghề của các em.
Ngoài ra, sinh viên chỉ giao tiếp qua môi trường mạng khiến một số lượng sinh viên nhất định gặp những vấn đề tâm lý không tốt như trầm cảm, sa đà vào mạng xã hội hay các nhóm không lành mạnh,... Do đó, các trường đại học cũng phải triển khai các hoạt động bổ trợ khác để khắc phục những khó khăn này.
Trường Đại học Ngoại Thương đã thực hiện rất đa dạng các chương trình bổ trợ cho sinh viên từ năm thứ nhất đến năm cuối, để giúp cho sinh viên tăng cường kết nối tổ chức nghề nghiệp và cộng đồng, khám phá bản thân, phát huy năng lực, tự học để có thể thích nghi với những biến đổi của xã hội.