📞

Trường học trong thế kỷ 21

16:17 | 01/03/2018
Theo xu thế Cách mạng Công nghiệp 4.0, Việt Nam đang ngày càng chú trọng đầu tư vào thế hệ trẻ. Cụ thể hơn là đầu tư vào chất lượng của hệ thống giáo dục, nhất là khi nhân loại đang đối diện với những thách thức như trí tuệ nhân tạo và biến đổi khí hậu…

Một hệ thống giáo dục thành công dựa trên nhiều yếu tố. Trong đó, các nhà quản lý và người thầy vẫn được coi là hai yếu tố chính. Câu hỏi được đặt ra, quản trị thế kỷ 21 yêu cầu những năng lực gì?

Những thách thức…

Thực tế, trường học truyền thống tại Việt Nam lâu nay vẫn đặt nặng sự quan tâm vào kiến thức được truyền đạt. Theo đó, vai trò của người học là lắng nghe, ghi chép và học thuộc lòng. Vai trò của người thầy là chia sẻ, giảng giải và kiểm tra mức độ ghi nhớ của học trò về những nội dung đã học.

Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ thông tin, bất kỳ kiến thức nào của nhân loại đều có thể được tra cứu trên internet với thời gian ra kết quả được tính bằng giây. Bất kỳ ai, ở bất cứ nơi nào, chỉ cần có internet và kỹ năng tìm kiếm cơ bản là có thể đọc, nghe, biết điều mình muốn biết. Việc truyền đạt kiến thức ở trường học từ vai trò là nhiệm vụ trọng tâm trở thành nhiệm vụ thứ yếu.

Tương tự, việc ghi nhớ cũng không còn cần thiết. Người học cần những thầy cô biết tổ chức việc học, dẫn dắt việc tìm kiếm kiến thức. Quan trọng hơn cả là làm sao có thể ứng dụng kiến thức thu thập được trong thực tiễn nhằm giải quyết các vấn đề cụ thể, đa dạng trong môi trường học cũng như môi trường thực tế.

Như vậy, trường học sẽ cần nhà quản trị có khả năng nắm bắt công nghệ, định hướng thầy cô trong quá trình tổ chức lớp học và tạo động lực để việc tổ chức các hoạt động thực học được hiệu quả.

Các lớp học được trang bị dụng cụ học tập hiện đại. (Nguồn: Báo Quảng Ninh)

Thực tế cho thấy, mạng xã hội có những tác động trái chiều tới sự phát triển của xã hội nhưng không thể cấm và không thể phủ nhận. Vậy cần năng lực gì để có thể quản lý và sử dụng hiệu quả mạng xã hội trong việc nâng cao hiệu quả quản trị trường học?

Những yêu cầu và phản hồi từ phụ huynh, học sinh trước đây có thể được gửi đến ban giám hiệu nhà trường thông qua giáo viên chủ nhiệm, hội phụ huynh. Nhưng hiện nay, với sự tiện dụng của mạng xã hội, bất kỳ vấn đề lớn nhỏ đều được phụ huynh, học sinh đưa lên diễn đàn chung để thảo luận.

Theo đó, người quản lý phải có khả năng chịu được sức ép của truyền thông, biết tập trung vào vấn đề quan trọng thay vì chạy theo dư luận. Đồng thời, họ phải có khả năng quản trị khủng hoảng truyền thông và vận dụng truyền thông trở thành kênh tương tác, đối thoại với cộng đồng, phụ huynh.

Toàn cầu hoá và tầm nhìn nhà quản trị

Thế giới mở rộng và cơ hội giao lưu, hợp tác quốc tế trong giáo dục ngày càng lớn. Từ đó, dẫn đến các triết lý, quan điểm, kỳ vọng về chất lượng giáo dục ngày càng đa dạng. Giáo dục công lập sẽ đứng trước những kỳ vọng đa dạng của rất nhiều khách hàng khác nhau.

Vì thế, người quản lý trường học phải nắm được vai trò, trách nhiệm và đối tượng học sinh tại địa bàn của mình. Không chỉ vậy, họ còn phải nắm được những đặc điểm riêng có trong hệ thống giáo dục Việt Nam, những đặc thù của hệ thống giáo dục tại địa phương. Qua đó, họ mới có thể truyền thông hiệu quả về các chính sách của giáo dục, cũng như dẫn dắt trường học của mình đạt được mục tiêu trên con đường đã định.

Lớp học hiện đại. (Nguồn: Dân trí)

Nếu thiếu những năng lực ấy, hẳn trong giáo dục sẽ diễn ra tình trạng “đẽo cày giữa đường”, dẫn đến chuyện mọi nhà đều là chuyên gia về giáo dục, nhưng thực tế, rất ít người có khả năng triển khai hiệu quả. Bên cạnh đó, họ cũng không giải thích được giáo dục Việt Nam đi theo triết lý nào, con đường nào, tại sao lại phải thế này, tại sao chưa làm thế khác?

Tất cả những điều này đòi hỏi nhà quản trị trường học thế kỷ 21 cần có năng lực về quản trị chiến lược. Họ có tầm nhìn, hiểu sứ mệnh và nhận thức được giá trị cốt lõi mà nhà trường đang theo đuổi. Từ đó, họ có những mục tiêu cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn và phương pháp khả thi để đạt mục tiêu đó.

Tự chủ trong giáo dục – vấn đề cốt lõi

Không phải bây giờ người ta mới nhắc nhiều đến khả năng tự chủ trong quản trị giáo dục thế kỷ 21. Nhưng cụ thể hóa thành những chính sách, đưa ra lộ trình cụ thể để ban giám hiệu các trường phổ thông có thể hiện thực hóa việc tự chủ trong giáo dục thì còn là câu chuyện dài.

Hình dung một chủ doanh nghiệp, hoặc một cán bộ quản lý từ 50 nhân sự trở lên đã phải được đào tạo rất bài bản về các kỹ năng lãnh đạo, quản lý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Vậy thì một giáo viên cần phải có những tố chất gì khi dẫn dắt cho 50 học sinh/ lớp? Nếu không được trang bị những kỹ năng quản lý và lãnh đạo cơ bản thì một hiệu trưởng làm sao có thể quản lý nhà trường với hàng ngàn học sinh và hàng trăm giáo viên? Họ phải ứng xử ra sao trong mối quan hệ đa chiều ở nhiều lứa tuổi khác nhau?

Tất cả những chức năng này đòi hỏi một nhà quản trị chuyên nghiệp, có hiểu biết trong lĩnh vực giáo dục chứ không phải một nhà giáo dục giỏi giảng dạy là có thể đáp ứng.

Thế giới phẳng nên chúng ta gặp phải không ít thách thức. Vì thế, những nhà quản trị trường học, những người tiên phong và nòng cốt trong việc nâng cao chất lượng giáo dục cần được trang bị tương ứng với sứ mệnh quan trọng mà họ đang nắm giữ.

Đỗ Thùy Dương

(Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Nội)