Hai mươi năm trước “Cho đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in kỷ niệm đầu tiên khi chúng tôi đặt chân lên đảo Trường Sa thân yêu…”. Thượng tá Vũ Quang Đồng – Phó Chính uỷ Đoàn B77 đã mở đầu dòng hồi ức của mình như vậy. Gần 20 năm đã trôi qua, hình như anh chưa quên một điều gì, kể cả những dấu mốc thời gian. Và tôi, người thực hiện bài viết này chỉ còn biết ghi chép một cách chân thực nhất. Tháng 5/1988, đang công tác ở trạm ra đa 20 thì anh được lệnh về nhận quyết định trạm trưởng Trạm ra đa 11-đơn vị sẽ đi làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Khi ấy, anh đang bị bệnh kiết lỵ rất nặng, anh em phải dìu xuống tàu. Sau 3 ngày hành quân trên biển, đối diện với những cơn say sóng vật vã, tàu đã đến đảo Trường Sa lớn. Nhưng lúc này đang sóng to, gió lớn, không có cách gì mà cập được bến. Anh được lệnh cùng 4 đồng chí nữa bơi vào đảo để tìm nơi đặt đài ra đa và sở chỉ huy. Cũng ngay trong ngày hôm đó họ đã nối được thông tin liên lạc với sở chỉ huy của tiểu đoàn ở đất liền. Vài hôm sau sóng đã lặng hơn, tàu bắt đầu ủi bãi nhưng do luồng vào bị cát lấp cạn nên còn cách bờ khoảng 15 mét thì tàu bị mắc lại. Vất vả lắm, họ mới đưa được khí tài vào đảo. Khi chiếc xe cuối cùng lên được đảo, anh em ôm nhau hò reo mừng rơi nước mắt. Sau 3 ngày triển khai khí tài và sở chỉ huy, đúng 8giờ ngày 27-6-1988, cánh sóng ra đa đầu tiên được phát lên không trung, khẳng định sự có mặt của bộ đội ra đa tại Trường Sa. Thời điểm ấy, nơi ăn ở của bộ đội còn hết sức khó khăn. Họ phải ngủ trong vòm sắt của lính nguỵ để lại, ngày thì nóng, đêm thì lạnh. Phải mất 3 tháng trời ròng rã không có ngày nghỉ họ mới được lên ở trên nhà. Cái tết đầu tiên ra đảo, cũng là cái tết đầu tiên họ phải xa đất liền, xa người thân. Họ đã đón mùa xuân mới trong tâm thế canh trực căng thẳng vô cùng. Trong suốt mấy ngày tết, đối phương luôn cho các tàu cao tốc loại nhỏ chạy uy hiếp xung quanh đảo. Chỉ một phút lơ là mất cảnh giác là hậu quả thật khôn lường. Đêm về, trong giấc ngủ chập chờn, sao bỗng dưng thèm những âm thanh thân thuộc đến vô cùng. Bên mâm cỗ đơn sơ ấm tình đồng đội, bỗng thấy Tổ quốc thật gần trong mỗi trái tim. Và 20 năm sau: Ở Trường Sa không có chỗ cho sự giả dối Ở Trường Sa nếu không thể thao là ốm Ở Trường Sa bất cứ ai cũng rất nhanh thạo việc Ở Trường Sa, đón Tết là kỷ niệm khó quên… Trung tá Phạm Quốc Tuyến đã hùng hồn nói với tôi như vậy. Anh vừa trở về từ Trạm rađa 11, ăm ắp trong anh là những kỷ niệm vô cùng đẹp đẽ về tình đất, tình người trên đảo san hô. Tôi bảo, nếu ở Trường Sa tôi thích ngồi trên nóc lô cốt giữa bốn bề mênh mang là biển, ngắm trăng dát vàng lên khắp trùng khơi. Nếu ở Trường Sa, tôi thích dạo trên con đường hoa sữa giữa biển Đông… Tuyến cười: Trời ơi, đó là Trường Sa trong mắt các nhà văn. Đúng là hoa phong ba có nét gì đó rất giống hoa sữa nhưng đảo không “hoành tráng” đến thế đâu. Khí hậu khắc nghiệt lắm. Ngoài cây phong ba và cây tra, cả đảo chỉ có 2 cây bàng vuông cổ thụ. Dưới tán cây là nơi tụ họp của tất cả anh em trên đảo giống như một cái nhà văn hoá di động. Nơi đây mặt trời thường mọc sớm hơn nhưng lại lặn muộn hơn trong đất liền. Vì vậy mà khí hậu gần như nóng quanh năm. Điều đó lý giải vì sao người ở đảo thường “da thì đen và tóc thì khét cháy”. Chị biết không, ở Trường Sa chúng tôi có thể làm mọi việc. Từ nhóm bếp, tưới rau đến làm giá đỗ. Biết nhạy cảm với thời tiết. Nghĩa là khả năng sinh tồn rất cao. Biết nhìn màu trời, màu nước biển để phân biệt khi nào biển động để thu hái rau kịp thời. Đặc biệt, ai ra đây cũng phải biết thể thao, nghe thì có vẻ như vô lý nhưng ở Trường Sa nếu không thể thao là ốm ngay. Phải luôn vận động để dùng phản ứng cơ thể đẩy nước muối ra ngoài. Còn một điều nữa, ở Trường Sa anh em sợ nhất là tàu ra mà không có thư. Nó khiến họ có cảm giác bị bỏ quên, bị cô lập nên rất dễ tủi thân. Được cái ở đây mọi người đều rất bình đẳng, họ luôn coi nhau như người một nhà và biết sống vì nhau hơn. Nghe Tuyến kể đến đây, tôi chợt nhớ đến lá thư của Trung tá Lại Hồng Sơn (Đoàn B70) gửi về toà soạn. Trong thư Sơn viết: “Trường Sa những ngày biển động… Nỗi nhớ quê hương cồn cào da diết, nhớ đến quay quắt, thẫn thờ… Mấy anh em vừa làm xong nhiệm vụ bảo quản, bảo dưỡng máy móc khí tài liền kéo nhau ra biển. Hình như tít tắp chân trời có bóng dáng một con tàu nhỏ? Mà không, chỉ là ảo giác do mong nhớ quá thôi. Các bạn biết không? Rẻo đất biển đảo thiêng liêng xa xôi, mùa này chỉ có sóng lừng và gió táp. Sóng đập ầm ầm vào thềm đá, sóng đánh vào đảo tung bụi nước trắng mờ như sương mù. Nước mặn của biển cả dính vào quần áo, đầu tóc gây cảm giác nhớp nháp khó tả. Nước muối bám dính khắp nơi: Sàn nhà, đồ vật, sổ sách, giấy tờ… ngay cả chiếc rađiô cũng bị nước muối ăn, cứ rè rè như bị cảm lạnh. Vậy là muốn nghe tin tức quê nhà cũng chẳng dễ gì nghe được…”. Riêng việc đón Tết ở Trường Sa, với tất cả những người lính đảo, đó là một kỷ niệm rất đẹp. Trong khoảng từ tháng 8 đến tháng 10, gió đã đẩy các mảnh xốp, cành cây dạt vào bờ. Đó là nguyên liệu chính để các chàng lính khéo tay nhà ta “chế biến” thành vô số các loại quả. Kể cả các loại hoa khó làm như cành mai, cành đào họ cũng thực hiện được. Thậm chí từ xốp cũng có thể gọt giữa được cả hoa hồng. Sau đó, khi tàu ra sẽ mang theo các loại sơn đủ màu, và họ đã dùng sơn đó quét, nhuộm để biến các loại hoa, quả xốp kia trở thành các mâm ngũ quả đầy đủ mà lại sinh động y như thật. Trên đảo cũng có màn chấm điểm thi đua về trình bày trang trí tết. Chủ yếu là chấm ý tưởng và sự khéo léo của bộ đội chứ vật liệu và sự đầu tư thì họ giống nhau cả. Chưa đến tết mà cả đảo đã chộn rộn. Không khí tết nóng lên từng ngày. Đêm 30, mới 17giờ chiều, trừ thành phần kíp trực còn anh em đã tập trung tại gốc hai cây bàng vuông để nghe đảo trưởng chúc tết, sau đó bước vào liên hoan văn hoá văn nghệ cho đến lúc sang canh. Lính ta vốn lắm tài lẻ, được lúc có đất để diễn nên cuộc vui cứ kéo dài không dứt. Thời gian này, vai trò của người chỉ huy rất quan trọng. Phải làm công tác tư tưởng cho mình và cho cả đồng đội. Làm sao để 3 ngày tết bộ đội không được ngồi không. Ngoài thành phần trực ban SSCĐ, mọi người cùng tham gia các trò chơi dân gian, tổ chức thi đấu giao hữu thể thao, thi biểu diễn văn nghệ… tất cả những hoạt động ấy cũng chỉ nhằm mục đích phần nào làm nguôi ngoai nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương vốn thường trực trong lòng mỗi người lính. Trước mặt là trùng dương, sau lưng là đất mẹ, các thế hệ cán bộ chiến sĩ của Quân chủng PK-KQ ở đảo Trường Sa, họ đã sống những tháng năm thật sôi động và ý nghĩa. | ||||
Theo QDND |