Đoàn kiều bào Hàn Quốc trong một chuyến đi Trường Sa. (Ảnh: NVCC) |
Chuyến đi tìm sự thật
Trong suy nghĩ của Chuẩn đô đốc Đỗ Minh Thái - nguyên Phó Tham mưu trưởng Hải quân Nhân dân Việt Nam, Trường Sa và Nhà giàn K1 chính là chất kết dính khối đoàn kết của cộng đồng người Việt trong và ngoài nước, tạo nên sự đoàn kết toàn dân tộc, chung lòng hướng về biển đảo Tổ quốc.
Từng 7 lần trực tiếp tham gia các đoàn công tác đưa kiều bào ra thăm biển đảo quê hương, ông kể: “Trước khi bước chân lên tàu, bà con vẫn còn có nhiều điều nghi ngại, nhưng trong nhiều ngày cùng sống, cùng trải nghiệm với cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên đảo, bà con đều cảm nhận được sự ấm lòng, yên lòng và an lòng. Ấm lòng vì đời sống cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên đảo dần được cải thiện, yên lòng với thế trận phòng thủ trên các đảo, nhà giàn, biển được cải thiện rõ rệt và ấm lòng vì chính sách hậu phương vững chắc”.
Dưới góc nhìn của một nhà báo từng là Tổng thư ký tờ Việt Weekly và nay là Chủ nhiệm kiêm phóng viên kênh Vietnam Today, Etcetera Nguyễn cho rằng, các chuyến đi thăm Trường Sa có ý nghĩa vô cùng lớn đối với công tác đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc vì không có biện pháp tuyên truyền nào hiệu quả bằng mắt thấy tai nghe trực tiếp. Tại cộng đồng nơi ông sinh sống ở Mỹ, có nhiều ý kiến trái chiều, tương đối khắc nghiệt và tiêu cực về Việt Nam nên ông rất đau đáu muốn trở về quê hương tìm hiểu sự thật.
Từng ao ước “một lần thôi” nhưng Etcetera Nguyễn lại may mắn được ra thăm Trường Sa trong 4 chuyến đi đầy ắp những kỷ niệm. Và sau khi trở về, ông và những đồng nghiệp của mình thực hiện một loạt bài báo, triển lãm ảnh về Trường Sa, góp phần giúp cộng đồng người Việt tại hải ngoại thay đổi cái nhìn về tình hình biển đảo Tổ quốc bằng những gì được “mắt thấy tai nghe”.
David Nguyễn, một kiều bào tại Mỹ, cũng nhớ mãi chuyến đi năm 2014 khi ông được trải nghiệm và lưu trữ được nhiều tài liệu, hình ảnh quý giá. Từ một người có tư tưởng chống đối, bản thân ông đã thay đổi hoàn toàn, tham dự nhiều cuộc tranh luận, phản bác lập luận xuyên tạc liên quan đến chủ quyền biển đảo.
Ông chia sẻ: “Tôi đã đặt chân tới Trường Sa và chuyến đi này đánh dấu sự biến chuyển lớn trong cuộc đời hoạt động chính trị của tôi, giúp tôi hiểu hơn về biển đảo của Việt Nam và truyền lại sự thật ấy cho nhiều người”.
Những món quà và kỷ vật thiêng liêng
Thượng tá Vũ Hữu Kiêm, Trưởng phòng Tuyên huấn, Quân chủng Hải quân, là một trong những cán bộ đưa bà con kiều bào thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 vào năm 2012. Nhớ lại những cảm xúc về chuyến đi đầu tiên ấy, ông nhận thấy ánh mắt của bà con thể hiện niềm tin mãnh liệt vào chủ quyền biển đảo và các chiến sĩ hải quân.
Thông qua các chuyến đi, kiều bào hiểu rõ về sự trưởng thành lớn mạnh của hải quân, đặc biệt đồng thuận với quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong bảo vệ chủ quyền biển đảo, cũng như phản bác lại luận điệu chưa đúng, chưa đầy đủ về biển đảo của Việt Nam.
Cảm kích trước sự ủng hộ của cộng đồng người Việt trên khắp thế giới, Thượng tá Vũ Hữu Kiêm khẳng định: “Các cán bộ, chiến sĩ hứa với nhân dân, bà con kiều bào rằng, trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào cũng tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo và giữ được mối quan hệ hòa bình với các nước. Phía sau chúng tôi là hàng triệu tấm lòng của đồng bào trong và ngoài nước”.
Thượng tá Nguyễn Văn Tứ, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Lữ đoàn 147, Vùng 1 Hải quân bày tỏ, sự trân trọng đối với những món quà của kiều bào dành tặng cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là tình cảm của bà con với Trường Sa thông qua những hành động thiết thực. Qua đây, các chiến sĩ khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo và mong chờ những chuyến thăm của các đoàn kiều bào tới huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Ông tâm sự: “Chúng tôi ai cũng rưng rưng khi chứng kiến đoàn kiều bào hát Quốc ca vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương trong không khí thiêng liêng tại Trường Sa, rất tự hào khi những món quà từ hải đảo được kiều bào nâng niu về nước sở tại, hay vô cùng xúc động khi các du học sinh Czech mang theo những lá cờ Tổ quốc được chính tay các em may tặng các chiến sĩ. Chúng tôi đón nhận món quà ấy như đón nhận trách nhiệm thiêng liêng là bảo vệ vững chắc biển đảo quê hương”.
Việt kiều chụp ảnh cùng chiến sĩ hải quân. (Ảnh: Hùng Lý) |
Nơi tình yêu lan tỏa
Không chỉ là kỷ niệm, hiệu ứng từ những chuyến đi Trường Sa đã trở thành sợi dây kết nối và lan tỏa tình yêu của bà con ở nước ngoài dành cho biển đảo.
Chị Cao Hồng Vinh, Chủ tịch Câu lạc bộ Hoàng Sa Trường Sa tại Ba Lan cho biết, chuyến đi giúp chị cảm nhận được những tình cảm ấm áp khi được đặt chân lên biển đảo của Tổ quốc. Chị còn nhớ hình ảnh một chiến sĩ tìm một chị đồng hương để gửi lời thăm quê nhà, một chiến sĩ khác thì khoe với chị bộ sưu tầm những con ốc biển để dành tặng người yêu ở đất liền...
Khi trở về, chị Vinh cũng mang theo một con ốc biển là quà tặng của chiến sĩ ấy. Chị và những người bạn của mình còn quyết tâm thành lập một câu lạc bộ để “hâm nóng” tình cảm dành cho biển đảo quê hương. Dù thành lập được hai năm trong bối cảnh Covid-19, nhưng đến nay, nhóm đã phát triển tới gần 100 thành viên với các hoạt động chia sẻ tình cảm hướng về biển đảo, tổ chức triển lãm ảnh về Trường Sa, quyên góp gửi tặng Nhà giàn DK1...
Đến từ châu Phi và tham gia đoàn kiều bào thăm Trường Sa vào năm 2017, anh Lê Hồng Quân, Việt kiều Angola hiện cũng là Phó Chủ nhiệm dự án “Trường Sa - Nhà giàn DK1, Hành trình của trái tim”. Dự án ý nghĩa này đã và đang triển khai những hoạt động cụ thể như in lịch Trường Sa, tập hợp nguồn lực, kêu gọi sự ủng hộ của bà con ở nước ngoài gửi những món quà tới cán bộ chiến sĩ, nhân dân trên đảo, đồng thời chăm sóc gia đình và con em của các chiến sĩ.
Bà Hiệu Constant, kiều bào tại Pháp cũng đã xuất bản một cuốn sách sau hành trình thăm Trường Sa năm 2018. Ban đầu, bà chỉ có ý tưởng sẽ viết một bài báo, nhưng khi trở về, bà lại nghĩ cần phải viết một cuốn sách để truyền tải nhiều hơn cảm xúc của bản thân và những kiều bào đi cùng. Qua cuốn sách, bà Hiệu Constant hy vọng những ai chưa từng đi Trường Sa cũng hình dung được cuộc sống của quân dân trên đảo, khẳng định kiều bào dù ở bất kỳ nơi đâu vẫn luôn hướng về quê hương, đất nước.
Tại Nga, Đức, Czech, Hàn Quốc..., nhiều câu lạc bộ về biển đảo cũng lần lượt được ra đời, các phong trào trong cộng đồng và thanh niên, sinh viên cũng được phát động với hoạt động thiết thực hướng về biển đảo quê hương sau những chuyến hải trình thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Đồng hành với kiều bào trong hai chuyến đi năm 2018 và 2019, Đại sứ Lương Thanh Nghị - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài bày tỏ sự trân trọng đối với những sự đóng góp, ủng hộ về vật chất và tinh thần cho biển đảo quê hương trong suốt những năm qua.
“Bà con đã quan tâm từ chiếc chiếc máy lọc nước, chiếc máy phát điện mini, chiếc xuồng cứu hộ... đến hậu phương của các chiến sĩ. Một trong những hình ảnh mà chúng tôi nhận được từ Trường Sa gửi về là bát canh rau muống được nấu bằng sấu Hà Nội. Những món quà giản dị thôi nhưng thấy các chiến sĩ rất nâng niu tình cảm của đồng bào trong và ngoài nước”, ông Lương Thanh Nghị chia sẻ.
| Quá trình đàm phán và ký kết các văn kiện pháp lý về đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc Trong quá trình đàm phán biên giới Việt Nam-Trung Quốc, hai bên đã so sánh các Công ước Pháp - Thanh, văn bản pháp lý ... |
| Trường Sa kết nối những trái tim xa xứ Là thành viên của đoàn kiều bào thăm Trường Sa năm 2018, chị Hiệu Constant, một nhà văn người Việt đang sinh sống và làm ... |