Họ chủ yếu là con em gia đình nghèo khó, là học trò trường huyện. THPT Hoằng Hóa là một trong những trường như thế. Không được nổi tiếng và dày truyền thống như Lam Sơn, nhưng Hoằng Hóa cũng kịp được nêu danh trong TOP 100 trường tốt nhất Việt Nam, sánh vai cùng các trường danh giá của Thủ đô như Hà Nội – Amsterdam, Kim Liên, Chu Văn An....
Top 100, được đánh giá dựa trên việc xác định khách quan bằng chất lượng điểm thi, quy mô học sinh dự thi ĐH, CĐ. Thực hiện nghiêm túc cuộc vận động nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục, nhưng tỷ lệ tốt nghiệp THPT 98,75%, tỷ lệ đỗ đại học 40- 53%, cao đẳng 18 – 25% và những gương sáng thủ khoa, là những con số thực tế nhất, trả lời cho câu hỏi tại sao trường THPT Hoằng Hóa 2 xứng đáng đứng trong danh sách các trường “hạt giống” của đất nước.
Đội ngũ giáo viên liên tục được bồi dưỡng và cập nhật kiến thức chuyên môn, xã hội, cũng như được khuyến khích sử dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến. Trong tổng số 86 giáo viên nhà trường, có hơn 50% đồng chí có chứng chỉ tin học và 21% đồng chí đã sử dụng giáo án điện tử trên lớp. Công tác quản lý chuyên môn được nhà trường giám sát chặt chẽ, theo dõi từng môn học, từng tiết dạy, tất cả đều được quy ra điểm để đánh giá thi đua và xếp loại giáo viên. Đổi mới phương pháp dạy học và cách đánh giá cho điểm chính xác kết quả học tập của học sinh. Yêu cầu giáo viên tăng cường kiểm tra miệng, kiểm tra trắc nghiệm, sử dụng công nghệ thông tin, thiết bị thí nghiệm trong quá trình học.
Hoạt động ngoài giờ lên lớp cũng được thực hiện nghiêm túc, theo hướng dẫn của ban hoạt động ngoài giờ và đoàn thanh niên, hoạt động theo chủ đề nhằm giáo dục nâng cao chất lượng đạo đức cho học sinh. Khu rèn luyện thể chất đạt yêu cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên và học sinh hoàn thành chất lượng giáo dục. Công tác dạy nghề phổ thông được chú trọng để học sinh gắn bó với thực tế hiểu biết nghề, giúp học sinh có thêm điểm khuyến khích trong kỳ thi.
Theo chỉ đạo xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường luôn hướng tới các hoạt động đi vào nề nếp và chất lượng giáo dục toàn diện, thầy ra thầy, trò ra trò. Hướng tới trường đạt chuẩn quốc gia vào năm 2011.
P.V